Trong gần 3 tiếng buổi sáng 19-7, hơn 100 đại biểu là các thế hệ nhà ngoại giao, sĩ quan quân đội, gia đình các nhân chứng lịch sử và nhà nghiên cứu, học viên, sinh viên ngành ngoại giao, quân đội đã cùng tham dự Hội thảo khoa học "70 năm ngày ký Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam".
Hội thảo do Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức, khi chỉ còn hai ngày nữa là đúng 70 năm ngày ký Hiệp định Geneve.
Khẳng định bản lĩnh, vị thế của Việt Nam
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết Hiệp định Geneve năm 1954 là diễn đàn đa phương có sự tham dự, đàm phán trực tiếp của các nước lớn mà lần đầu tiên Việt Nam tham gia.
"Trong lần tham dự đầu tiên này, ngoại giao Việt Nam đã khẳng định tâm thế, bản lĩnh, trí lực của một dân tộc có bề dày hàng nghìn năm văn hiến, có ý chí quật cường bảo vệ nền độc lập, thấm đượm tinh hoa văn hóa dân tộc và tư tưởng, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh", ông Bùi Thanh Sơn khẳng định.
Nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học về Hiệp định Geneve đã được tổ chức, và mỗi hội thảo, tọa đàm lại giúp có thêm góc nhìn mới, phát hiện mới, kết quả nghiên cứu mới, có giá trị về hiệp định.
Trong bối cảnh thời gian đã lùi xa, các nhân chứng lịch sử hầu như không còn, hội thảo lần này được tổ chức rất kịp thời.
Các trao đổi thẳng thắn, khoa học, khách quan lần này sẽ góp phần giúp thống nhất nhận thức trong nội bộ về vai trò và ý nghĩa của hiệp định.
Trên cơ sở đó đề xuất những sáng kiến, bài học về vận dụng kinh nghiệm từ quá trình đàm phán, ký kết và thi hành hiệp định trong bối cảnh mới, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác đối ngoại ngày nay.
Những bài học từ Hiệp định Geneve
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, ủy viên Bộ Chính trị, giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, khẳng định Hiệp định Geneve là mốc son chói lọi của nền ngoại giao cách mạng non trẻ dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ, giương cao ngọn cờ chính nghĩa, kiên định lập trường độc lập dân tộc.
Việt Nam đã vừa tự chủ, tự cường trong cuộc đấu tranh bền bỉ, can trường với sự dàn xếp, chi phối của các nước lớn, vừa có những nhân nhượng khôn khéo, mềm dẻo, từng bước đàm phán tháo gỡ những bế tắc, căng thẳng, giải quyết thành công nhiều vấn đề rất khó.
Nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Geneve thành công, rằng "Ngoại giao ta đã thắng lợi to", ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh 70 năm đã trôi qua nhưng ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Geneve vẫn còn vẹn nguyên giá trị với những bài học kinh nghiệm hết sức quý báu.
Đó là các bài học: Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; Phát huy sức mạnh tổng hợp, kết hợp chặt chẽ giữa các mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao; Giữ vững độc lập, tự chủ; bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc trên hết và trước hết; Quán triệt sâu sắc phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến"; Phát huy sức mạnh của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giương cao ngọn cờ chính nghĩa, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Trong đó giữ vững độc lập, tự chủ, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc trên hết và trước hết "là bài học mang tính nguyên tắc của nền ngoại giao Việt Nam, được thực hành, vận dụng sáng tạo bởi những nhà ngoại giao xuất sắc trong thời đại Hồ Chí Minh, xuyên suốt trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc".
Kế thừa và phát triển bài học đó, ngày nay Đảng đã đề ra chủ trương đúng đắn: "Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa", bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
"Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và thắng lợi trên bàn đàm phán tại Hội nghị Geneve là chiến thắng của sức mạnh vĩ đại của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, với sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trong đó có cả nhân dân tiến bộ Pháp và các nước thuộc địa", ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các tham luận và ý kiến phát biểu của các đại biểu đã tập trung luận giải, khẳng định Hiệp định Geneve là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Các tham luận cũng đồng thời làm rõ tầm vóc, ý nghĩa của hiệp định đối với tiến trình cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới, phát huy giá trị, các bài học kinh nghiệm của hiệp định.
Ngày 21-7-1954, trải qua 75 ngày thương lượng với 31 phiên họp, cùng với nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương và đa phương bên lề, ba hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia lần lượt được ký kết.
Hội nghị đã họp phiên bế mạc và thông qua "Tuyên bố cuối cùng" về Hiệp định lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Từ đây đã mở ra một cục diện mới, buộc Pháp phải rút quân về nước, chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Đông Dương, mở ra giai đoạn sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận