Tác giả bài viết Đặng Huỳnh Mai Anh - sinh viên ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM - khi tham gia diễn đàn Thanh niên châu Á tại Nepal - Ảnh: nhân vật cung cấp |
Chương trình do Trung tâm Quốc tế hợp tác phát triển miền núi (ICIMOD) tổ chức, diễn ra từ ngày 30-9 đến 5-10, với hơn 40 bạn trẻ từ 15 quốc gia.
1. Sự kết nối
Ngày đầu chương trình được dành riêng cho những bài thuyết trình từ các chuyên gia. Đôi khi cùng một vấn đề, chúng tôi đồng thời được nghe quan điểm từ rất nhiều phía khác nhau: chính quyền, các doanh nghiệp cho đến xã hội dân sự, từ nhiều khía cạnh: văn hóa, xã hội, chính trị và cả khoa học.
Bài thuyết trình qua mạng Internet về vấn đề tài nguyên, năng lượng, đô thị hóa và biến đổi khí hậu miền núi của tiến sĩ Shobhakar Dhakal, Trung tâm Kỹ thuật châu Á - Ảnh: Đặng Huỳnh Mai Anh |
Tôi rất thích một ý trong bài thuyết trình về vấn đề tài nguyên, năng lượng, đô thị hóa và biến đổi khí hậu miền núi của tiến sĩ Shobhakar Dhakal - Trung tâm Kỹ thuật châu Á. Đại ý bài thuyết trình là nguồn tài nguyên nước ở khu vực miền núi Himalaya không chỉ cung cấp nước cho khu vực miền núi mà còn cung cấp cho cả khu vực trung du và đồng bằng, tương tự với những nguồn tài nguyên khác. Như vậy, cần nâng cao nhận thức về mối liên quan đó để chia sẻ trách nhiệm bảo vệ và phát triển giữa cả đồng bào miền núi và các khu vực ngoài miền núi.
Tôi tin rằng trong thế giới ngày nay có rất nhiều sự kết nối nhau như vậy, nhưng không phải ai cũng nhìn thấy được. Và để phát triển bền vững thì điều cần thiết nhất là tất cả phải nhận ra được sự kết nối lẫn nhau tạo thành một mối quan tâm chung.
Khi được vinh dự đại diện cho các bạn trẻ đến từ ngoài khối nước thuộc khu vực các dãy núi châu Á Hindu Kush-Himalaya phát biểu bế mạc, tôi có nhắc lại ý này: “Tôi muốn đem về đất nước tôi thông điệp về sự kết nối. Trong thời đại toàn cầu hóa, giới trẻ cần quan tâm đến nhiều vấn đề hơn là chỉ những vấn đề xung quanh và có liên quan trực tiếp đến mình. Vấn đề miền núi ở Hindu Kush-Himalaya không chỉ là vấn đề của các bạn trẻ từ Hindu Kush-Himalaya mà là vấn đề của cả chúng tôi, của tất cả chúng ta”.
2. Phù hợp quan trọng hơn hiện đại
Hai ngày tiếp theo, chúng tôi đến tham quan công viên kiến thức Godavari. Công viên này được xây dựng bởi Trung tâm Quốc tế hợp tác phát triển miền núi với mục đích tạo không gian để thử nghiệm các mô hình phát triển và công nghệ miền núi.
Tôi vẫn tưởng tượng công viên kiến thức ắt hẳn phải rất hiện đại, với những công nghệ vô cùng tối tân để rồi bị bất ngờ khi bước vào công viên. Rất dân dã, rất thiên nhiên cứ ngỡ như mình lạc vào chốn làng quê nào đó! Ở đây vẫn có rất nhiều công nghệ nhưng không phải những công nghệ tối tân mà là những công nghệ rất gần gũi và thực tế: từ công nghệ ép giấy cũ và cây dại thành nhiên liệu đốt cho đến các công trình thủy lợi bơm nước bằng tay… Tất cả đều đơn sơ, dễ hiểu đến mức chỉ cần nhìn qua ta cũng hình dung nó sẽ được áp dụng thế nào trong thực tế, sẽ đem lại những lợi ích gì cho người dân.
Nguyên liệu đốt được ép từ cây dại phơi khô tại công viên kiến thức Godavari - Ảnh: Đặng Huỳnh Mai Anh |
Ông Samden Sherpa - nhân viên quản lý công viên kiến thức Godavari, ICIMOD - giải thích về những công nghệ mới trong phát triển nông nghiệp miền núi - Ảnh: Đặng Huỳnh Mai Anh |
Tôi chợt nhận ra: một công nghệ hiệu quả không phải là một công nghệ hiện đại bậc nhất mà là một công nghệ phù hợp. Ở đây là phù hợp với điều kiện thiên nhiên miền núi, mức sống và trình độ phát triển của người dân. Phát triển công nghệ không phải là cuộc chạy đua mù quáng theo sự hiện đại mà là tập trung vào những công nghệ phù hợp với điều kiện từng quốc gia.
3. Nhà lãnh đạo của hiện tại, không phải tương lai!
Những ngày cuối cùng của diễn đàn, chúng tôi ngồi lại với nhau cùng trao đổi và xây dựng một bản kiến nghị về những vấn đề miền núi gửi đến Trung tâm Quốc tế hợp tác phát triển miền núi, gồm các nội dung về bảo vệ đa dạng sinh học, phát triển kinh tế miền núi, nâng cao nhận thức và chất lượng sống.
Các bạn trẻ trong diễn đàn tìm hiểu công nghệ bơm nước tại công viên kiến thức Godavari, Nepal - Ảnh: Đặng Huỳnh Mai Anh |
Sau khi bản kiến nghị được đọc lên trong buổi lễ bế mạc, tiến sĩ David Molden, tổng giám đốc Trung tâm Quốc tế hợp tác phát triển miền núi, nhắn nhủ chúng tôi: “Nhiều người vẫn hay gọi tuổi trẻ các bạn là những nhà lãnh đạo trong tương lai. Nhưng tại sao phải chờ đến tận tương lai? Tôi coi các bạn chính là hiện tại của chúng ta. Hãy suy nghĩ và hành động với ý thức rằng các bạn chính là những nhà lãnh đạo của ngày hôm nay, không phải ngày mai”.
Tôi tin rằng tất cả những ý kiến của chúng tôi đã được lắng nghe. Nhưng tôi mong rằng tất cả các bạn trẻ sẽ ghi nhớ nhiệm vụ của người trẻ không chỉ là cất tiếng nói, chờ ai đó lắng nghe và áp dụng những ý tưởng của bạn. Tại sao chúng ta phải chờ khi chính chúng ta có thể thực hiện. Người trẻ có nhiệm vụ trong việc thực thi chính những suy nghĩ của mình.
Nhiệm vụ của chúng tôi ở diễn đàn không kết thúc ở việc soạn ra một bản kiến nghị. Nhiệm vụ của chúng tôi chỉ bắt đầu khi mà diễn đàn đã kết thúc: đó là lan tỏa những ý kiến và từng bước biến nó thành hiện thực.
, 21 tuổi, hiện là sinh viên năm 4 khoa quản trị kinh doanh ngành kinh doanh quốc tế, ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM. Cô là đại sứ môi trường Bayer Việt Nam năm 2012, từng đoạt (Global Bayer Young Environmental Leader Award) vào tháng 11-2012 tại Đức với (cẩm nang về bí quyết tiết kiệm điện, nước, gas, làm sản phẩm tái chế...). Mai Anh cũng là đại biểu Việt Nam duy nhất tham dự Hội nghị thượng đỉnh thanh niên thế giới 2012 (Global Youth Summit 2012) tại London, Anh vào tháng 11-2012, là một trong 4 đại biểu Việt Nam tham dự chương trình tìm hiểu về nước Mỹ dành cho thủ lĩnh sinh viên về vấn đề môi trường toàn cầu (Study of The U.S. Institutes for Student Leaders) tại Mỹ vào tháng 7 và 8-2013. Tại Diễn đàn thanh niên châu Á - Thái Bình Dương vừa diễn ra tại Nepal, Mai Anh là đại biểu Việt Nam duy nhất. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận