09/08/2017 10:12 GMT+7

​Những bài học quý về bảo vệ môi trường

BÌNH MINH
BÌNH MINH

TTO - Diễn đàn môi trường sinh viên châu Á (ASEP) 2017 vừa khép lại tại Đại học Ngoại ngữ Kanda (tỉnh Chiba, Nhật Bản), với phần thuyết trình của các bạn trẻ về những giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học.

Phạm Thị Thu Hằng, Đỗ Hà Thu (thứ hai và thứ ba từ trái) và Lê Hồng Ân (bìa phải) thực hành kỹ thuật đánh trống Nhật Bản - Ảnh: B.MINH
Phạm Thị Thu Hằng, Đỗ Hà Thu (thứ hai và thứ ba từ trái) và Lê Hồng Ân (bìa phải) thực hành kỹ thuật đánh trống Nhật Bản - Ảnh: B.MINH

Sau chương trình, đọng lại trong ký ức những người tham gia là những kỷ niệm đẹp cùng bè bạn quốc tế, những giây phút làm việc nhóm căng thẳng nhưng vô cùng hứng thú và trên hết là các bài học quý giá về bảo vệ môi trường.

Lắng nghe câu chuyện về sự kiên cường

Trong ba ngày, các sinh viên tham quan vùng Tohoku, nơi từng bị trận động đất 9 độ Richter và sóng thần tàn phá vào tháng 3-2011, trò chuyện với chính những người dân sống sót sau trận thiên tai kinh hoàng, lắng nghe câu chuyện về sự hồi phục và sức mạnh kiên cường của người Nhật Bản. Đã sáu năm trôi qua kể từ ngày Tohoku chìm trong biển nước. 

Khi chiếc xe chở đoàn sinh viên lăn bánh qua những đoạn đường gồ ghề đá sỏi, người hướng dẫn vừa chỉ tay vừa nói: “Năm 2011, nơi đây chẳng có gì ngoài nước biển. Nước ở khắp nơi. Mọi thứ đều bị phá hủy”. Chẳng ai bảo ai, các sinh viên lặng người nhìn nhau. Ngày ấy, mọi người trên thế giới biết đến vùng đất này chỉ qua những đoạn video ghi lại cảnh cơn sóng cao 20m cuồn cuộn quét qua san bằng nhà cửa, cuốn phăng xe hơi, tàu thuyền và cả máy bay.

Giờ đây, những căn nhà đã được người dân dựng lại, cuộc sống dường như ổn định hơn. Thế nhưng nỗi ám ảnh của những con người từng đối diện với sự giận dữ của thiên nhiên vẫn còn đó. Người ta vẫn đau đớn khi nhắc về người thân mất tích trong làn nước điên cuồng, vẫn sợ hãi khi nhớ lại cảnh mặt đất rung chuyển, mọi thứ sụp đổ chỉ trong chớp mắt. Và vẫn như truyền thống từ xưa đến nay, người Nhật Bản đứng lên để làm lại từ đầu, đúc rút kinh nghiệm từ những khó khăn.

Hai tháng sau thiên tai, những người dân bắt đầu quay lại Tohoku. Họ cùng tập hợp lại để tiếp tục khai thác hàu, xây dựng tường quanh bờ biển nhằm ngăn chặn xói mòn và chắn sóng, thành lập các trạm cứu hộ, xây Trường tiểu học Miyanomori, nơi các giáo viên chào đón và chữa lành vết thương tâm hồn cho những đứa trẻ từng có ký ức kinh hoàng trong trận động đất.

Sẽ lan tỏa đến cộng đồng

Điều khiến phần lớn bạn trẻ tham gia chương trình thích thú và ấn tượng chính là việc những nội dung vốn dĩ khô khan, nặng về lý thuyết được chuyển tải theo cách rất gần gũi với cuộc sống hằng ngày.

Mặc dù mang quốc tịch Nhật Bản, nhưng cả Misaki Ujihara và Saito Ingrid Komaki (Đại học Waseda) đã có nhiều năm sinh sống và học tập tại nước ngoài. Năm 2011, khi trận động đất xảy ra, Komaki đang du học tại Sri Lanka, còn Misaki đang ở Úc. Chính vì vậy đến với ASEP 2017, cả hai cho biết đây là dịp để họ được tận mắt chứng kiến và tìm hiểu về những gì đã xảy ra ngay tại quê hương mình.

“Đây là lần đầu tiên được tiếp cận và lắng nghe câu chuyện của những người dân. Ngoài ra, chúng tôi cũng học được những kỹ năng căn bản trong việc ứng phó với thiên tai, đặc biệt là các trận sóng thần” - Komaki nói.

Trong khi đó, Misaki khẳng định những kiến thức học được từ chương trình ASEP 2017 không chỉ giúp ích cho bản thân, mà còn giúp cô lan tỏa đến cộng đồng xung quanh. “Tôi thấy được trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ” - Misaki chia sẻ.

Nguyễn Quang Minh (phải), sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, trồng cây xanh tại Diễn đàn môi trường sinh viên châu Á 2017 - Ảnh: B.MINH
Nguyễn Quang Minh (phải), sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, trồng cây xanh tại Diễn đàn môi trường sinh viên châu Á 2017 - Ảnh: B.MINH


Học từ người địa phương

Bà Narumi Yoshikawa - giáo viên tại Đại học Waseda đồng thời là người thiết kế chương trình năm nay - cho biết ASEP chú trọng vào việc mang lại cho sinh viên các kiến thức, trải nghiệm thông qua các hoạt động thực tế như tham quan, tiếp xúc với người dân địa phương thay vì tập trung vào phần lý thuyết như phần lớn các chương trình về bảo vệ môi trường khác. “Chính điều này giúp các bạn trẻ tiếp thu nhanh và hiểu được thông điệp một cách dễ dàng, gần gũi nhất” - bà Narumi Yoshikawa nói.

BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp