Từ 7h sáng, các bác sĩ đã có mặt để khám chữa bệnh cho người dân - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tác phong quân đội ăn sâu vào máu thịt, đúng 7h sáng, các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên đã có mặt tại phòng khám để bắt đầu công việc của mình.
Họ là những người lính từng phục vụ trong quân y, nay về hưu vẫn tiếp tục thực hiện thiên chức của mình. Trong đó có những người từng chiến đấu trên khắp các chiến trường khói lửa như chiến trường Campuchia, miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, chiến dịch mùa xuân năm 1975.
Địa điểm tin tưởng cho bà con nghèo
Nằm sâu trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Kiệm (P.3, Q.Gò Vấp), phòng khám từ thiện Nội tổng hợp của những người thầy thuốc già đã trở thành địa điểm quen thuộc để người dân lui tới khám chữa bệnh miễn phí bao năm nay.
Phòng khám do các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 sau khi nghỉ hưu đứng ra thành lập từ năm 1995. Từ một căn nhà nhỏ được lãnh đạo UBND P.3 hỗ trợ, mọi người đã cùng nhau chung tay góp sức, sửa chữa để trở thành phòng khám từ thiện, được Sở Y tế TP.HCM cấp phép hoạt động.
Đều đặn mỗi sáng thứ hai hằng tuần, bà Thanh Hoa (khu phố 15, P.3) lại đến phòng khám để theo dõi căn bệnh đau nhức xương khớp của mình. Đối với bà Hoa, phòng khám này không chỉ là nơi kiểm tra bệnh tật mà còn là nơi đem lại niềm vui khi cùng những bác sĩ chia sẻ câu chuyện tuổi già.
Hiện có 12 bác sĩ, lương y và điều dưỡng có thâm niên, tay nghề cao để khám chữa các bệnh thông thường như cảm cúm, đái tháo đường, cao huyết áp...
Nghe tiếng xe máy dừng trước cửa phòng khám, điều dưỡng Lại Thị Bé (63 tuổi) bỏ dở đống thuốc đang được sắp xếp lại, di chuyển vội ra cửa ân cần nắm lấy tay dìu một cụ ông là bệnh nhân quen thuộc xuống xe. Bà Bé cho biết cụ ông đã 89 tuổi, thay vì để con cháu đi lấy thuốc giúp, ông vẫn muốn được chở tới phòng khám để gặp trực tiếp các bác sĩ.
"Người càng già càng giống trẻ con, họ lấy đó làm niềm vui, được gặp gỡ thăm khám để nghe dăm ba câu động viên, rồi lại khó khăn di chuyển ra xe để về nhưng họ vẫn muốn đến với chúng tôi, đó là món quà lớn của người thầy thuốc", bà Bé tâm sự.
Bất cứ ai đến với phòng khám cũng nhận được sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của các y bác sĩ. Nhiều người từ các tỉnh lân cận dù bất tiện về địa lý nhưng vẫn muốn đến đây vì được đón tiếp chu đáo, tư vấn tỉ mỉ về thuốc men, chế độ ăn.
Còn sức thì còn cống hiến
Sáng sớm, lương y Nguyễn Văn Thành (65 tuổi) đến trước 7 giờ để mở cửa phòng khám. Ông Thành tỉ mẩn sắp xếp gọn gàng những dụng cụ y tế trước khi đón những lượt bệnh nhân đầu tiên của ngày làm việc.
Với ông, ai cũng bận rộn với cuộc sống riêng, chính bản thân ông khi về hưu vẫn bộn bề công việc ở phòng khám tại gia. Tuy nhiên mỗi tuần hai buổi ông lại chạy xe máy vượt quãng đường hơn 10km từ Q.Tân Phú đến phòng khám để châm cứu cho người dân.
Những người thầy thuốc ở đây không những không nhận lương mà còn đóng góp thêm vật chất để trang trải các khoản chi tiêu của phòng khám, chia sẻ khó khăn và nỗi lo chi phí cho người nghèo.
Biết đến việc làm ý nghĩa của các bác sĩ, các nhà hảo tâm và một số phương tiện thuốc men của Bệnh viện Quân y 175 đã chung tay góp sức để đảm bảo nguồn thuốc. Hiện nay phòng khám đã hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cơ bản của người dân.
Cứ như vậy, dù nắng hay mưa các bác sĩ cũng đều đặn đến phòng khám. Những y bác sĩ đã dành trọn đời mình để phục vụ trong quân ngũ, giờ đây khi đến tuổi nghỉ ngơi họ lại đem tâm huyết của mình để giúp đỡ cho hàng ngàn bệnh nhân. Đối với họ, khi nào có sức thì vẫn còn làm việc và cống hiến - đó cũng là phẩm chất cao quý của người lính.
“Trong quá trình tham gia khám chữa bệnh, tôi thấy rất nhiều người kém may mắn, đặc biệt trong đó có những người buôn gánh bán bưng, những chị bán vé số... Người ta tin tưởng mình nên đến đây khám thì mình phải cho họ thấy trách nhiệm người thầy thuốc và kỳ vọng của họ đặt đúng chỗ. Bổn phận chúng tôi là phải tham gia giúp đỡ đến cùng, đó cũng là niềm vui khi rời quân ngũ” - BS Phạm Hồng Kỳ, 79 tuổi, nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận