23/04/2018 09:24 GMT+7

Những bác sĩ cứ nghỉ là tới Việt Nam

TRƯỜNG ĐĂNG
TRƯỜNG ĐĂNG

TTO - Hằng năm, cứ đến kỳ nghỉ, từng đoàn bác sĩ lại đến Việt Nam, có người như bác sĩ Simon đã lên đường lần thứ 18, quen thuộc từng địa danh ở Bình Định.

Những bác sĩ cứ nghỉ là tới Việt Nam - Ảnh 1.

Các bác sĩ New Zealand khám bệnh tại Bệnh viện Phong - da liễu T.Ư Quy Hòa - Ảnh: T.Đ.

"Con hãy đến Bệnh viện Bồng Sơn" - bác sĩ Simon Mcmahon, người New Zealand, nhắc lại lời của cha mình, bác sĩ Brian Mcmahon. Theo ý nguyện ấy, kể từ năm 2005, bác sĩ Simon đã trở đi trở lại Việt Nam, đến Bệnh viện Bồng Sơn, Bình Định. Ông đến rồi đi, đi rồi lại đến.

Câu chuyện của Simon khiến tôi tò mò, như Simon đã từng tò mò lý do cha mong muốn ông đến Việt Nam. "Tôi sang Việt Nam và đến Bệnh viện Bồng Sơn. Tôi đã hiểu vì sao. 

Con người ở đây rất thân thiện, trong khi cha tôi đã từng ở đây thời chiến tranh. Cha kể thời chiến tranh, Việt Nam rất thiếu thốn, rất cần sự giúp đỡ, đặc biệt là y tế. 

Cha tôi cho rằng những người nước ngoài tham gia chiến tranh Việt Nam nợ người dân Việt Nam rất nhiều, lẽ ra họ phải được hưởng cuộc sống hòa bình và no ấm. 

Ông muốn bù đắp một phần sự mất mát của họ. Vì vậy mà suốt quãng đời sau này ông trở lại Việt Nam nhiều lần. Giờ này tuổi già sức yếu, ông giao cho tôi nhiệm vụ ấy" - bác sĩ Simon kể.

Năm 1963, nhóm bác sĩ tình nguyện New Zealand đầu tiên đến Việt Nam giữa khói lửa chiến tranh. Cùng với các đồng nghiệp, bác sĩ Michael Shackleton trưởng đoàn đã đưa cả vợ và 5 đứa con sang ở lại Quy Nhơn để giúp đỡ nạn nhân chiến tranh. 

Không phân biệt dân hay lính, không phân biệt người phía miền Nam hay miền Bắc, các bác sĩ cứ thấy người bị thương là lao vào cứu chữa. Hình ảnh con người đau đớn, quằn quại vì các vết thương, tuyệt vọng, đau khổ vì mất mát thôi thúc họ làm việc. Nguy hiểm khi mang nhân dạng da trắng mắt xanh tóc vàng đi giữa hai làn đạn không làm ai lùi bước. 

Càng lúc nhóm càng tiếp nhận thêm được nhiều bác sĩ phẫu thuật tình nguyện. Một bác sĩ kể lại họ từng bị phía bên này cấm phẫu thuật chữa trị cho người phía bên kia, nhưng không ai chấp nhận. Mệnh lệnh trái tim của bác sĩ là cứu người.

Bà Margart Neave, một nữ bác sĩ New Zealand có thời gian dài gắn bó với người dân Bình Định từ thời chiến tranh, nói: "Thật cảm động khi chứng kiến những gì mà con người có thể làm được, đôi khi vượt ngoài khả năng của chính mình".

Sau thế hệ đầu tiên ấy, Tổ chức ủy thác y tế New Zealand - Việt Nam (New Zealand - Vietnam Health Trust) thành lập năm 1997. Hằng năm, cứ đến kỳ nghỉ, từng đoàn bác sĩ lại đến Việt Nam, có người như bác sĩ Simon đã lên đường lần thứ 18, quen thuộc từng địa danh ở Bình Định. Hỗ trợ thiết bị, khám bệnh, điều trị, đào tạo y tế..., việc gì làm được là họ làm ngay. 

Bác sĩ Trần Như Bửu Hoa, phó giám đốc Bệnh viện T.Ư da liễu Quy Hòa, cảm động nói: "Họ là những bác sĩ giỏi, nhiệt huyết, làm bất kể sớm chiều. Họ làm thiện nguyện bằng cả trái tim, không hề phàn nàn, toan tính. Họ mang đến cho chúng tôi nhiều bài học quý giá về chuyên môn, phong cách làm việc và cả về lòng yêu thương của họ".

Những bác sĩ cứ nghỉ là tới Việt Nam - Ảnh 2.

Bác sĩ Simon tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn, nơi cha ông từng phục vụ trong chiến tranh - Ảnh: T.Đ.

Ông Simon cho biết: "Những chuyến đi cho chúng tôi  rất nhiều thứ. Cái lớn nhất là được khám chữa bệnh cho người bệnh. Sau đó là sự trải nghiệm, sự học hỏi và niềm hạnh phúc - hạnh phúc khi công việc của mình giúp đỡ được cho nhiều người".

Tại sao tớ nghiện "đi MUN" đến thế?

TTO - Ngày càng nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam có khả năng tiếng Anh tham gia MUN để trao đổi về các vấn đề toàn cầu. MUN là gì và tại sao họ lại thích "đi MUN" đến vậy?

TRƯỜNG ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp