Bà Phạm Thị Tuyết cùng các cô con gái nuôi người Lào vừa qua Đà Nẵng nhập học - Ảnh: B.D.
Ở đó, sinh viên được cho ăn ở, dạy dỗ với môi trường học tập mới trong khi các bà mẹ cũng được dạy về văn hóa Lào.
Sáng 4-11, chuyến xe trễ đưa 13 sinh viên Lào theo học tại Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng về khuôn viên trụ sở UBND quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) để tiến hành một nghi thức ấm cúng: bàn giao từng sinh viên về tận các hộ gia đình ở phường Hòa Khánh Nam.
Từ đất nước xa xôi của người anh em Lào, những sinh viên xứ sở "triệu voi" sẽ có hành trình 21 ngày ăn ở, tìm hiểu văn hóa phong tục người Việt Nam trong các ngôi nhà của những gia đình nhận đỡ đầu.
Chúng tôi qua đó thì gia đình cháu mừng và quý lắm, họ giữ lại cả tuần, đưa đi khắp nơi rồi làm lễ kết nghĩa. Tới nay chúng tôi như anh em ruột thịt.
Bà Vũ Thị Xuân Hương
Gặp lại nước Lào từ con nuôi
Ngồi trước trụ sở UBND phường Hòa Khánh Nam từ sáng sớm, nhóm bảy người phụ nữ trong diện nhận sinh viên Lào qua Đà Nẵng du học lần này làm con nuôi đứng ngồi không yên vì thấy chuyến xe chở sinh viên tới trễ. Mãi tới gần 10h, người dẫn đoàn mới báo rằng xe đã có mặt tại điểm đón, gần như ngay lập tức những bà mẹ Đà Nẵng theo chiếc xe 16 chỗ lên đường để nhận con.
Trong ngôi nhà ở 172/1C Hoàng Văn Thái (Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng), bà Phạm Thị Tuyết suốt mấy ngày qua xắm nắm dọn căn phòng đẹp nhất trong nhà để dành cho cô con nuôi Lào là Sengmany Xong. Một bộ chăn nệm mới cũng được bà Tuyết mua, bà còn sắm thêm bàn học, trang bị một ổ khóa mới để cô sinh viên Lào yên tâm ăn ở.
Người bà nhận nuôi không phải mới hoàn toàn mà đã qua Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng theo học tiếng Việt được vài tháng, nay có nhu cầu đi về các gia đình người dân tại chỗ để ăn ở tìm hiểu văn hóa phong tục nên bà Tuyết đã đứng ra xin Hội phụ nữ phường Hòa Khánh Nam làm kênh liên lạc để đưa Xong về ở.
Cô sinh viên Lào xinh xắn ngay khi làm thủ tục nhận mẹ đỡ đầu cũng đã được tặng một cái tên Việt Nam thật đẹp: Phạm Thị Hoa. Cùng với Hoa là một người bạn Lào khác tên là Aling Somchanmavong cũng được bà Tuyết nhận đỡ đầu, nhưng Aling không thể đón kịp chuyến xe qua Việt Nam lần này.
Lần đầu gặp gỡ, cô gái Lào và bà Tuyết không giấu nổi sự bỡ ngỡ, có chút bối rối, ngượng ngùng. Nhưng là một người lớn tuổi, đáng bậc bà của Sengmany Xong, bà Tuyết nhanh chóng dùng sự hòa nhã, vui vẻ của mình để rút ngắn khoảng cách.
Nhưng Sengmany Xong - Phạm Thị Hoa không phải là sinh viên Lào duy nhất mà người mẹ Đà Nẵng nhận nuôi.
Đã có sáu đứa con đặc biệt như thế được bà đưa về cho ăn ở, chỉ dạy và đi học, nhiều người nay đã về lại Lào làm việc, có gia đình yên ấm.
Bà Tuyết nói rằng không chỉ bây giờ mà thế hệ của những người đã từng sống chết những năm chiến tranh ở Lào đều có cảm tình đặc biệt với người Lào nói chung.
Bà Tuyết từng là lính hậu cần của Sư đoàn 2, tham gia chiến đấu ở Lào những năm chiến tranh ác liệt. Tình cảm với người Lào thấm vào huyết quản, thương nhớ khôn nguôi cho tới nay sau bao năm hòa bình và trở về làm ăn sinh sống.
"Người Lào thương vô cùng, họ cũng giống như người vùng cao của Việt Nam mình. Hễ thấy bộ đội Việt Nam là bà con ôm chầm rồi cho nắm xôi, cho con gà.
Khi thấy cơ hội nhận sinh viên Lào về đỡ đầu tôi thậm chí còn mừng hơn các cháu bởi tôi gặp lại bà con Lào trong từng khuôn mặt, tấm áo truyền thống mà các cháu mang theo khi qua Đà Nẵng đi học" - bà Tuyết nói.
Bà Phạm Thị Tuyết dẫn hai cô con gái nuôi người Lào đi may áo dài truyền thống Việt Nam - Ảnh: TRẦN ĐỨC
Người mẹ thứ hai
Những sinh viên Lào qua Đà Nẵng theo học đa số được bố trí một khóa học tiếng Việt tại Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng trước khi được phân về từng trường đại học đóng quanh TP Đà Nẵng.
Để hỗ trợ các sinh viên hòa nhập, thành thục kỹ năng ngôn ngữ cùng phong tục văn hóa Việt, các sinh viên được chính quyền gửi gắm về các hộ gia đình để ăn ở tối thiểu là 21 ngày, nhiều bạn được nhận đỡ đầu trong suốt những năm theo học tại Đà Nẵng.
Bà Lưu Thị Nghĩa, chủ tịch Hội phụ nữ phường Hòa Khánh Nam, cho biết phường bà là địa bàn trọng điểm của các đợt tiếp nhận sinh viên Lào bởi dân cư ở xung quanh Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng.
Theo từng đợt qua học, lượng người dân gửi nguyện vọng lên phường để đăng ký tiếp nhận đỡ đầu, nhận sinh viên Lào làm con nuôi hằng năm rất lớn.
Điều thú vị là phần lớn các hộ gia đình nhận nuôi đều có mối lương duyên nào đó đặc biệt với người Lào, người nhận nuôi đã có thời gian chiến đấu, gắn bó cùng người Lào hoặc yêu mến đặc biệt với đất nước triệu voi. Khi tuyển chọn các gia đình, các đơn vị cũng xem xét rất kỹ lưỡng. Các hộ gia đình cán bộ về hưu, nhà cửa tươm tất, giáo dục con cái bài bản được ưu tiên xem xét trước.
"Đa số bà con nhận đỡ đầu, nhận nuôi sinh viên đều thích các cháu người Lào vì ngoan, hiền lành, văn hóa phong tục cũng gần gũi với người Việt Nam mình.
Nhiều người nói vui rằng đưa các cháu về nhà dù biết là thêm người, thêm chén đũa và cũng phải lo lắng nhiều nhưng để được "bận rộn" như thế cũng chẳng phải dễ. Các cháu Lào là một nhóm sinh viên đặc biệt, được tất cả cha mẹ nuôi và bà con Đà Nẵng yêu quý, dành hết tình cảm để nuôi dạy" - bà Nghĩa nói.
Trong một dịp hội ngộ tại Tết cổ truyền người Lào của sinh viên Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, những sinh viên Lào theo học tại đây khi được mời trò chuyện, kể về quá trình theo học thì tất cả đều không giấu nổi sự xúc động trước tình cảm của các gia đình người Đà Nẵng mà họ may mắn được làm con nuôi.
Một chi tiết cũng làm nhiều người xúc động đó là nhiều nữ sinh viên kể rằng chiếc áo dài Việt Nam đầu tiên mà họ mặc được cha mẹ nuôi tại Đà Nẵng dẫn đi may tặng. Bà Lưu Thị Nghĩa nói rằng phường tặng vải cho từng cha mẹ đỡ đầu, mỗi gia đình sẽ dẫn con nuôi ra tiệm chọn màu vải, kiểu áo dài phù hợp với con mình để may tặng.
Bà Phan Thị Thiệp, nhà ở số 19 Trần Đức (Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu), đưa tấm ảnh mà bà chụp cùng hai cô con gái Lào gồm Xaxa Saya và Keo Chansina lúc bận bộ áo dài mới được may xong. Bà Thiệp bảo rằng bà phải trích tiền để dành gần 500.000 đồng để may tặng hai bộ áo dài cho hai cô con gái nuôi người Lào.
"Hai con thích vô cùng, mỗi dịp lễ tết hay ngày nào quan trọng các con lại bận vào với niềm tự hào. Tôi đỡ đầu các cháu nhưng ngược lại chính các cháu cũng giúp tôi hiểu thêm về văn hóa Lào, về đất nước mà tôi rất yêu mến" - bà Thiệp nói.
Bà Thiệp cho biết bà có một người con ruột nhưng người này sống ở quận khác nên ngôi nhà thường trống trải, khi phường đề nghị nhận con nuôi là sinh viên Lào thì bà nhận ngay và tới nay nhiều sinh viên đã trưởng thành.
"Xaxa Saya và Keo Chansina là hai con nuôi đầu tiên tôi nuôi, các cháu học xong thì học tiếp lên thạc sĩ, rồi về nước đi dạy, đi làm và cả hai đều rất thành đạt. Chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với nhau" - bà Thiệp nói.
Cơ duyên đặc biệt
Không chỉ hỗ trợ, dìu dắt các sinh viên Lào cứng cáp để hoàn thành quãng thời gian theo học tại Đà Nẵng mà việc nhận đỡ đầu, làm con nuôi từ những gia đình Đà Nẵng cũng đã gieo một cơ duyên đặc biệt để những con người ở hai đất nước khác nhau gắn kết thành những người thân thuộc.
Các sinh viên sau thời gian kết thúc học, khi trở về Lào vẫn nhớ về cha mẹ nuôi của mình, hai bên viếng thăm nhau và trở thành người thân thuộc như cùng máu mủ.
Bà Vũ Thị Xuân Hương (63 tuổi), nhà ở 60 Lê Doãn Nhạ (Liên Chiểu, Đà Nẵng), kể rằng từ việc nhận con nuôi mà nay bà có thêm một người thân ở Lào. Đó là gia đình Phetmany Bae - sinh viên ngành luật.
Năm 2018, Bae qua Đà Nẵng du học và được gia đình bà Hương nhận nuôi. Nhưng mới học được vài tháng thì Bae bị đau nặng, ba mẹ cô ở Lào đã rất lo lắng trong khi con gái chưa có thẻ bảo hiểm y tế, chưa hoàn tất các thủ tục cần thiết.
Trong cảnh nước sôi lửa bỏng, vợ chồng bà Hương phải đứng ra lo liệu mọi thứ, đưa Bae đi chữa trị. Khi tạm ổn định, bà Hương cùng chồng theo xe khách để đưa Bae về tận quê nhà ở Lào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận