15/07/2018 11:01 GMT+7

Những bà mẹ gồng gánh nuôi con

Ý NHUNG
Ý NHUNG

TTO - Không bố, không trụ cột gia đình, những đứa trẻ này dù cơm không đủ no vẫn mỉm cười hạnh phúc khi nhắc về mẹ.

Những bà mẹ gồng gánh nuôi con - Ảnh 1.

Cậu bé Lê Nguyễn Khánh Duy - Ảnh: Ý NHUNG

Cậu bé Lê Nguyễn Khánh Duy đầy tự hào khi nói về mẹ mình, chị Nguyễn Thị Nhung. Người phụ nữ với thân hình nhỏ bé ấy, một thân lo cho ba con ăn học. Chỉ vừa ngoài bốn mươi nhưng khuôn mặt chị đã đầy vết chân chim.

Ngôi nhà trong mơ

Lọt thỏm trong căn hẻm của đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận, TP.HCM), ngôi nhà nhỏ của Duy là nơi nương náu của 11 người thân trong gia đình. Dù bố mẹ đã li hôn, ba mẹ con vẫn sống chung với nhà nội vì không có tiền ra riêng. Bố thì bỏ đi biệt tích ngày em còn nhỏ.

Căn nhà bé tí, 3-4 chiếc xe máy chiếm hết không gian đi lại. "Người ta vào cứ hỏi sao nhà nghèo mà nhiều xe vậy, nhưng thực tế đâu phải xe mình đâu, toàn là xe của mấy cô chú để đi làm cả", mẹ Duy trăn trở.

Với đồng lương ít ỏi từ nghề giúp việc, chị Nhung vẫn cố gắng chu cấp đầy đủ cho con. Tài sản lớn nhất của cả nhà là chiếc xe máy của chị do phường cấp hồi tháng 3. Biết Duy khao khát có được chiếc xe đạp để đi học, chị đã dành dụm tiền mua lại chiếc xe cũ của nhà bà con để tặng em. Chiếc xe chưa tới 500.000 đồng, nhưng với Duy là báu vật.

Chị Nhung cho hay, ngày Duy còn bé, gia đình nghèo đến mức không đủ ăn, em còi cọt không lớn nổi. Từ lớp 1 đến lớp 5, Duy chỉ mặc 2 bộ áo quần. Chồng sách lớp 9 em đang học cũng đã cũ mèm, đôi dòng chữ bị mờ, vài trang lại mất góc. Duy bảo, để tiết kiệm nên em học lại sách cũ hàng xóm cho.

Vẻ mặt vô tư của Duy cũng không dấu đi những suy nghĩ lăn tăn của cậu con trai mới lớn: "Mẹ không nói gì nhưng em biết mẹ rất lo. Chị hai sắp sửa bước vào đại học, mẹ lại càng trăn trở, nhiều đêm thấy mẹ không ngủ được, em thương mẹ lắm. Gía có bố thì mẹ cũng đỡ phần nào".

Những bà mẹ gồng gánh nuôi con - Ảnh 2.

Khánh Duy thường xuyên giúp mẹ làm việc nhà - Ảnh: Ý NHUNG

Mơ ước lớn nhất của ba mẹ con bây giờ chính là có một ngôi nhà nhỏ riêng, để cả nhà tiện sinh hoạt. Chị Nhung thở dài: "Chị và bố Duy đã li hôn, việc sống chung với nhà nội là điều bất đắc dĩ. Muốn có nhà riêng lắm, nhưng có lẽ là trong mơ mới có thôi".

Chơi với em là nguồn vui duy nhất

Những bà mẹ gồng gánh nuôi con - Ảnh 3.

Minh Triết và em gái - Ảnh: Ý NHUNG

11 tuổi, đang độ tuổi nghịch ngợm, ham chơi, cậu nhóc Nguyễn Hoàng Minh Triết lại ở nhà chăm em chỉ vì hoàn cảnh không như bạn bè.

Mẹ con Triết sống với bà cố và bà ngoại trong căn nhà chật hẹp ở đường Cô Giang (quận Phú Nhuận, TP.HCM). Triết có một anh sinh đôi và 2 em nhỏ. Bố bỏ đi từ ngày mẹ mang thai em gái cuối, mọi khó khăn đè nặng lên vai bà ngoại và mẹ.

Cả nhà có 7 miệng ăn, bà cố lại bệnh nặng, khó khăn thêm chồng chất. Thu nhập chủ yếu dựa vào xe bán nước sâm của bà ngoại đầu ngõ. Mỗi chai 8 ngàn đồng, ngày nắng thì bán được 2, 3 chục chai, còn ngày mưa thì ế ẩm.

Hàng ngày, mẹ Triết vừa phụ bán nước sâm cho bà ngoại, vừa tranh thủ đi trang điểm thêm cho người ta."Cứ có ai gọi thì chạy chứ không ổn định. Không có vốn mở tiệm nên chị tới luôn nhà để làm cho người ta", mẹ Triết chia sẻ.

Những bà mẹ gồng gánh nuôi con - Ảnh 4.

4 anh em Triết trong căn nhà - Ảnh: Ý NHUNG

Triết còn nhỏ, nụ cười và gương mặt của em rất vô tư. Thoạt nhìn, có vẻ cậu bé chưa ý thức được những khó khăn mà gia đình đang gánh chịu. Thế nhưng, ít nhiều Triết đã cảm nhận được sự vất vả của bà và mẹ. Em thèm đi chơi, muốn có được đồ chơi như bao bạn bè, nhưng biết rõ hoàn cảnh nên chẳng bao giờ dám xin mẹ.

Những bà mẹ gồng gánh nuôi con - Ảnh 5.

Ảnh: Ý NHUNG

"Em chỉ cần ở nhà chơi với em gái thôi. Không cần gì khác để chơi cả. Giữ em để bà và mẹ còn đi kiếm tiền nữa", Triết vừa bế em gái vừa nói. Thỉnh thoảng, có vài thứ đồ chơi cũ người ta vứt ngoài đường, Triết thấy còn xài được, em liền mang về cho em gái. Nhìn mấy anh em đùa giỡn với nhau trên căn gác bé tí ai cũng thương vô cùng.

Căn bếp nhỏ chỉ toàn dụng cụ nấu sâm. Triết kể, mỗi bữa ăn trong gia đình chỉ có một món, khi cá, khi rau. Bà ngoại nấu sẵn rồi để đấy, mấy anh em tự chăm sóc nhau, còn bà đi bán nước.

Chỉ vì nghèo khó, tuổi thơ của Triết không được như bao bạn bè. Đổi lại, em có được tình yêu thương vô bờ từ gia đình. Đó chính là động lực để Triết cố gắng học tậpvà đjat thành tích tốt suốt những năm qua

100 suất học bổng

Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.

Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Ai sẽ giúp em viết tiếp giấc mơ dang dở?

TTO - Bùi Thanh Phương (14 tuổi), cậu học sinh lớp 8 trường THCS Trần Phú (quận 10, TP.HCM) bật khóc khi nói về hoàn cảnh gia đình và nỗi lo phải bỏ dở việc học.

Ý NHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: đèn đom đóm
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp