Bác sĩ Lê Tiểu My chia sẻ về những bệnh nhân hiếm muộn - Ảnh: TỰ TRUNG
Nghe những lời chia sẻ hóm hỉnh, hài hước mà chân thành ấy từ bác sĩ Lê Tiểu My (khoa phụ sản và kế hoạch hóa gia đình Bệnh viện Mỹ Đức, TP.HCM), những cặp vợ chồng hiếm muộn đang nghĩ mình bất hạnh, tuyệt vọng cùng cực cũng phải bật cười, hoặc chí ít cũng cảm thấy gánh nặng trong lòng nhẹ bớt.
Nhân dịp vừa ra quyển sách với tựa đề Con ơi, ba mẹ vẫn chờ, bác sĩ My mong gửi lời nhắn nhủ: "Hiếm muộn vẫn có thể tìm thấy hạnh phúc".
* Là bác sĩ khoa sản, tại sao chị quan tâm đặc biệt đến người hiếm muộn? Bằng chứng là chị đã viết rất nhiều trên Facebook cá nhân và cả viết sách?
- Ở Việt Nam, người hiếm muộn thường bị những áp lực vô hình đè nặng. Ở phương Tây, các cặp vợ chồng sinh con, nuôi dạy con trưởng thành, đến một độ tuổi nhất định đứa con tự lập, tìm việc làm, đóng góp cho xã hội. Đến đây xem như trách nhiệm của ba mẹ hoàn thành. Còn ở VN, tôi cảm giác như đứa con có ý nghĩa "hơn hẳn một đứa con".
Từ đó, mặc cảm "có lỗi" đó luôn ám ảnh người hiếm muộn, khiến hành trình tìm con của họ thêm nặng nề. Khi cơ thể có gì đó bất thường, ai cũng có thể nhanh chóng đi khám, trừ khi bị hiếm muộn. Người ta lại mặc cảm không dám nói dù trong lòng đau khổ và có vô số thắc mắc.
Những người hiếm muộn họ đơn độc và xứng đáng được thông cảm. Khi tư vấn hay viết cho đối tượng này, tôi luôn muốn chọn cách tiếp cận nhẹ nhàng nhất, làm sao cởi bỏ bớt áp lực vô hình để giải phóng họ khỏi suy nghĩ dằn vặt "tôi đã làm gì nên tội?", và hơn hết để họ có thể xem hiếm muộn cũng chỉ là một trong vô số chuyện trên đời và sẽ tìm được cách hóa giải.
* Chuyện khó nói nhất khi tư vấn cho các cặp hiếm muộn thường là gì, thưa bác sĩ?
- Với nền y học ngày càng hiện đại, nhiều kỹ thuật điều trị có thể giúp đa số các cặp vợ chồng hiếm muộn có con. Thế nhưng vật cản nằm ở tâm lý.
Ví dụ như giải pháp xin tinh trùng, nhiều người sẽ nói ngay: "Vậy đâu phải con tôi!". Về mặt di truyền, tôi đồng ý - nhưng chỉ một nửa. Về pháp lý, con của vợ anh sinh ra, trong khai sinh đứa bé có tên anh thì anh là cha đứa bé. Theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ sinh một đứa trẻ - người cha đâu chỉ góp một ít công tạo ra là hết chuyện.
Nuôi dạy một đứa trẻ - ngoài trách nhiệm còn có tình thương. Tình thương có được khi vợ mang thai, chồng chăm vợ, nói chuyện với con trong bụng mẹ để đến khi con chào đời, chỉ cần nghe giọng nói quen thuộc của cha là con nín khóc. Làm chồng, làm cha, làm người đàn ông đúng nghĩa trong xã hội có phải như vậy không?
Hãy tin hạnh phúc trong hành trình nuôi con, nhìn con lớn lên từng ngày sẽ đủ sức xóa mờ những suy nghĩ ích kỷ. Chắc nhiều người sẽ đồng ý với tôi rằng một người cha có con từ ngân hàng tinh trùng nhưng hết lòng yêu thương, dốc sức nuôi dạy con thành người vẫn tốt hơn người "góp công" tạo ra rồi bỏ mặc vợ con. Nghĩ được như vậy sẽ thấy hiếm muộn luôn có giải pháp, chứ không chỉ là ngõ cụt.
Tương tự, những phụ nữ phải xin trứng nếu muốn có con cũng không phải là điều dễ chấp nhận. Nhiều chị lo sợ không có trứng thì chồng sẽ hết thương mình. Vậy hãy nhớ lại xem ngày trước anh đến với chị vì cái gì, có phải vì nụ cười dễ thương, ánh mắt thiện cảm hay tính cách dịu dàng? Hãy nghĩ đơn giản: ai mang thai, sinh con, nuôi con, người đó là mẹ.
Con trẻ ngoài giai đoạn lớn lên trong bụng mẹ, thì thời gian lớn lên trong tim mẹ sau khi chào đời mới thật sự ý nghĩa hơn nhiều.
Tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp sau khi vượt qua trở ngại tâm lý, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã đón nhận hạnh phúc ngọt ngào như thế.
* Như vậy, liệu còn cơ hội hạnh phúc nào cho những phụ nữ không còn khả năng mang thai, sinh con - hoặc với người đã điều trị rất nhiều lần nhưng chưa thành công?
- Con đường bệnh nhân hiếm muộn phải đi chưa bao giờ là bằng phẳng - chỉ là nhiều hay ít gập ghềnh, trắc trở mà thôi. Điều trị thế nào, thời gian bao lâu, chi phí và những rủi ro, nguy cơ có thể gặp và muôn vàn điều khác nữa có thể khiến họ tuyệt vọng.
Nhưng dù nguyên nhân là gì đi nữa thì thật ra bạn chỉ cần nhớ là hai vợ chồng đã yêu nhau thế nào, quyết định kết hôn để chia sẻ buồn vui cuộc sống ra sao, từng nguyện ước với nhau điều gì? Nếu cưới nhau chỉ để có con thì có lẽ mục đích ban đầu của hôn nhân đã không phù hợp. Thực tế, không hiếm trường hợp có con xong thì ly dị. Con cái quan trọng, nhưng không phải bảo chứng cho hạnh phúc. Không ai quy định phải có con mới được gọi là gia đình.
* Điều trị hiếm muộn lâu nay có vẻ như chỉ dành cho người có nhiều tiền, trong khi rất nhiều người nghèo bị hiếm muộn và cũng rất mong con?
- Chi phí điều trị hiếm muộn ở Việt Nam thuộc loại rẻ nhất thế giới do tiền trả cho người làm thủ thuật thấp, chủ yếu dồn vào thuốc. Một chu kỳ điều trị bình thường không phát sinh các thủ thuật khó tốn 90-100 triệu đồng. Dĩ nhiên đó không phải món tiền nhỏ. Nhưng nếu hai vợ chồng còn sức lao động, có khả năng làm lụng, tích lũy thì đó không phải là giấc mơ quá xa vời. Bạn có thể tích lũy để mua nhà, mua xe thì cũng có thể tích lũy để có một đứa con nếu thật sự khao khát.
Hỗ trợ chi phí thụ tinh ống nghiệm cho người
hiểu khó khăn của người nghèo trong điều trị hiếm muộn, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, đã khởi xướng chương trình "Ươm mầm hạnh phúc" nhằm hỗ trợ chi phí thụ tinh trong ống nghiệm cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đây là chương trình được thực hiện hằng năm, từ khi ra đời đến nay đã hỗ trợ cho hơn 200 cặp vợ chồng hiếm muộn. Nơi nhận hồ sơ: bộ phận lễ tân Bệnh viện Mỹ Đức, số 4 Núi Thành, phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM.
"Con ơi, ba mẹ vẫn chờ"
Tranh thủ giờ nghỉ trưa hay những lúc vắng bệnh nhân trong những đêm trực, bác sĩ Lê Tiểu My đã viết lên những tâm tình, chia sẻ của mình với bệnh nhân hiếm muộn. Tất cả được tập hợp in thành sách với tựa đề Con ơi, ba mẹ vẫn chờ.
Bìa sách: Con ơn, ba mẹ vẫn chờ - Ảnh: TỰ TRUNG
Một bác sĩ sản khoa giỏi nghề, với lợi thế của một học sinh giỏi văn và trái tim nhạy cảm của một người mẹ đã cung cấp trong sách nhiều thông tin bổ ích, nhiều lời động viên, chia sẻ về điều trị hiếm muộn.
Gấp quyển sách lại, có thể thấu cảm mong muốn lớn nhất của tác giả là những cặp vợ chồng hiếm muộn có thể biến hành trình khó khăn, gian nan tìm con thành cơ hội để hai vợ chồng hiểu nhau, chia sẻ và yêu thương nhau nhiều hơn. Làm được điều đó là họ có thể tìm thấy hạnh phúc, dù đã hay chưa đi đến cuối hành trình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận