27/02/2013 04:24 GMT+7

Những "áo trắng" hết lòng vì bệnh nhân

KIM ANH
KIM ANH

TT - 20 thầy thuốc trẻ tiêu biểu đã vinh dự nhận giải thưởng Phạm Ngọc Thạch lần 3 do Thành đoàn TP.HCM trao tặng vào tối 26-2.

qLv0toeq.jpgPhóng to
Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo Sương chăm sóc và theo dõi bệnh nhân đang điều trị tại khoa hồi sức tích cực-chống độc Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức

Họ là những bạn trẻ vẫn hằng ngày tìm kiếm, mở rộng kiến thức chuyên môn để có thêm những cách giúp bệnh nhân chiến thắng bệnh tật, vượt qua lưỡi hái tử thần...

Trăn trở vì người bệnh

“Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ ngành y”

Sáng 26-2, các thầy thuốc trẻ được trao giải thưởng Phạm Ngọc Thạch năm 2013 đã dâng hoa báo công tại tượng đài Bác, sau đó tham dự chương trình “Thắp sáng ước mơ ngành y” tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Chiều cùng ngày, đoàn đến viếng mộ bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tại nghĩa trang Lạc Cảnh. Thành đoàn TP.HCM vinh danh 20 gương thầy thuốc trẻ nhận giải thưởng Phạm Ngọc Thạch vào tối cùng ngày tại Nhà văn hóa Thanh niên.

Chọn nghề y như một lẽ tự nhiên bởi từ nhỏ Nguyễn Thị Thảo Sương đã nuôi dưỡng đam mê trở thành “bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo”. Về công tác tại khoa hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Thống Nhất sau khi tốt nghiệp ĐH Y dược TP.HCM, cô bác sĩ trẻ đã nhập cuộc cùng đồng nghiệp, thực hiện nghiên cứu tình hình nhiễm khuẩn bệnh viện tại khoa.

Với những dữ liệu được theo dõi, phân tích trong giai đoạn 2004-2012, Sương cùng đồng nghiệp đưa ra phác đồ điều trị kháng sinh đúng, giúp cải thiện tình hình sử dụng kháng sinh tràn lan. Nhờ đó tình hình nhiễm khuẩn bệnh viện được cải thiện đáng kể.

Dù mới bốn năm tuổi nghề nhưng Sương luôn trăn trở tìm cách phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn. Việc giảm chi phí cho người bệnh được cô quan tâm khi tìm kiếm cách điều trị mới. Sương đã cùng đồng nghiệp thực hiện đề tài nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở bệnh nhân nhiễm Candida huyết tại khoa hồi sức tích cực và chống độc. Phác đồ điều trị thích hợp với Fluconazole được nhóm đề xuất đã đem lại nhiều lợi ích trong điều trị bệnh nhân khi bị nhiễm Candida huyết.

“Nếu bác sĩ nghĩ ngay đến việc điều trị sớm bằng Fluconazole mà không đợi đến khi có kết quả xét nghiệm (có thể năm ngày sau) mới điều trị, thì bệnh nhân mau hồi phục lại đỡ tốn kém hơn. Vì đa số bệnh nhân của khoa hồi sức tích cực và chống độc đều có bệnh cảnh rất nặng, chi phí điều trị mỗi ngày 3-5 triệu đồng!” - Sương cho biết.

Cùng trăn trở từ thực tế chuyên môn, bác sĩ Trương Anh Mậu (Bệnh viện Nhi Đồng 2) đã có những lần phải lặng người khi không thể giúp bệnh nhi mắc bệnh u bạch mạch ở vị trí hiểm nghèo. Thông thường khi gặp những bệnh nhi mắc chứng bệnh này, việc xử lý đều nghiêng về giải phẫu. Nhiều lần vào mạng y khoa thế giới tìm kiếm cách điều trị của những nước tiên tiến, cộng với những trao đổi với các đồng nghiệp đầu ngành nước ngoài đến hỗ trợ bệnh viện, anh đã cùng nhóm thực hiện đề tài đưa ra phương pháp điều trị bằng tiêm chất gây xơ Bleomycine. “Chữa trị bằng phương pháp này giúp bệnh nhi bớt đau đớn khi phải giải phẫu, lại giảm chi phí cho gia đình, vì chỉ cần tiêm thuốc xong bệnh nhi về, không phải nằm viện”- bác sĩ Mậu cho hay.

Đây là lần thứ hai bác sĩ Mậu vinh dự được xét trao giải thưởng Phạm Ngọc Thạch nhờ có nhiều sáng kiến, ứng dụng mới trong chuyên môn. Bác sĩ Mậu chia sẻ: “Thấy bức xúc từ thực tế công việc và luôn tâm niệm phải giúp bệnh nhi nhiều hơn, tôi cùng đồng nghiệp luôn tìm kiếm những phương pháp điều trị mới mà thế giới từng ứng dụng để làm tốt hơn công việc một bác sĩ”.

Vì cuộc sống tươi đẹp

Dù lịch trực có dày đặc hay sau những đêm mệt nhoài với bệnh nhân, nhưng hầu hết những chuyến tình nguyện khám chữa bệnh cho bà con vùng sâu vùng xa đều không vắng mặt cô bác sĩ Thảo Sương. “Bệnh của bà con đôi khi do sinh hoạt, ăn uống, mình tư vấn giúp bà con biết cách chăm sóc sức khỏe mới là chính yếu. Mỗi lần đến với bà con mình được nhiều thứ lắm, nhiều người còn xin số điện thoại lâu lâu gọi hỏi thăm và xin tư vấn sức khỏe luôn”- Sương bày tỏ. Những chuyến đi đều để lại trong lòng thầy thuốc trẻ sự trăn trở trước những khó khăn của bà con vùng xa. “Có những chuyến cũng vét sạch túi để giúp những hoàn cảnh quá ngặt nghèo”- Sương nói.

Không chỉ có mặt trên từng cây số với các chuyến tình nguyện khám chữa bệnh miễn phí cho bà con vùng sâu vùng xa, bác sĩ Nguyễn Duy Long (bí thư Đoàn Bệnh viện Nhi Đồng 1) còn cùng đồng nghiệp nghiên cứu, đưa ra nhiều sáng kiến nhằm giảm tải ở bệnh viện, nâng cao việc chăm sóc sức khỏe bệnh nhi. Đoàn thanh niên Bệnh viện Nhi Đồng 1 còn phối hợp với các trường đại học có chuyên ngành xã hội hình thành đội ngũ công tác xã hội trong bệnh viện, giúp đỡ bệnh nhi và cả thân nhân bệnh nhi.

Đội công tác xã hội này luôn có mặt ở các khoa bệnh nặng như khoa bỏng để giúp các bệnh nhi vui chơi, quên đi nỗi đau thể xác. Những buổi trò chuyện, tư vấn của các sinh viên chuyên ngành tâm lý, xã hội cũng giúp thân nhân bệnh nhi vơi đi muộn phiền...

Còn bác sĩ Quách Hoàng Ân, Bệnh viện Hùng Vương, lại góp chút công sức vào việc thực hiện các buổi tư vấn sức khỏe sinh sản cho bạn trẻ. Với vai trò là bí thư Đoàn bệnh viện, anh đã cùng các thầy thuốc trẻ tham gia cùng Đoàn Sở Y tế TP thực hiện chương trình “Bác sĩ học đường”, tổ chức tư vấn cho học sinh sinh viên 15 trường THPT và đại học ở TP.HCM, góp phần nâng cao kiến thức sức khỏe sinh sản nhằm làm giảm tỉ lệ nạo phá thai trong lứa tuổi áo trắng.

Với trái tim yêu thương, hết lòng vì người bệnh, đội ngũ thầy thuốc trẻ vẫn miệt mài học hỏi, rèn luyện chuyên môn, nâng cao y đức để xứng đáng với danh hiệu cao quý “lương y như từ mẫu”.

KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp