30/12/2016 11:53 GMT+7

Nhức nhối với khủng hoảng nhập cư

TÚ ANH
TÚ ANH

TTO - Trong một thăm dò gần nhất, người dân châu Âu nói thẳng về hai mối lo trong năm 2016: khủng hoảng nhập cư và nạn khủng bố. Câu chuyện nhập cư thực sự hiển hiện trong cuộc sống hằng ngày của họ.

Hai người nhập cư cầu cứu trên biển ngoài khơi Libya ngày 4-10-2016 - Ảnh: AFP

Cuộc khủng hoảng nhập cư và nhân đạo ở châu Âu tiếp tục là chủ đề lớn trong đời sống chính trị-xã hội của các thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong năm nay.

Tháng 1-2016: Lễ đón mừng năm mới tại Cologne (Đức). Gần 1.200 phụ nữ tố cáo bị tấn công xàm sỡ trong tối giao thừa 31-12 đến rạng sáng ngày năm mới 1-1.

Mọi nghi ngờ đổ dồn về người tị nạn Syria. Vài tuần sau đó điều tra cho thấy đó là những vụ việc có thật nhưng các nghi phạm không phải là những người nhập cư mới đến từ Syria, Iraq hay Afghanistan mà chủ yếu từ những người Algeria và Morocco đã có mặt tại Đức ít nhất một năm.

Người Đức biểu tình chống việc bị quấy rối - Ảnh: AFP

Tháng 3-2016: Tòa án Thổ Nhĩ Kỳ kết tội hai kẻ buôn người 4 năm tù giam. Hai tên người Syria này là kẻ chủ mưu vụ đưa hàng chục người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hi Lạp trên một chiếc thuyền ọp ẹp.

Trong số các nạn nhân có cậu bé Aylan Kurdi 3 tuổi. Thi thể cậu bé nằm sấp trên một bãi biển ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 9-2015 đã tạo làn sóng phẫn nộ toàn cầu.

Cả thế giới bàng hoàng với hình ảnh bé Aylan Kurdi thiệt mạng bên bờ biển - Ảnh: AFP

Tháng 3-2016: EU và Thổ Nhĩ Kỳ đi đến thỏa thuận liên quan người nhập cư nhằm ngăn chặn làn sóng người nhập cư đổ vào châu Âu.

Theo thỏa thuận, những người di cư đến Hi Lạp từ ngày 20-3 sẽ bị trả lại Thổ Nhĩ Kỳ và đổi lấy việc đó, EU tiếp nhận người tị nạn Syria đang ở trại tị nạn theo mức 1:1. Thổ Nhĩ Kỳ tham gia thỏa thuận này để đổi lấy quyền đàm phán trở lại về việc gia nhập EU.

Người nhập cư sống tạm bợ trong trại tị nạn chờ xin vào EU - Ảnh: AFP

Tháng 3-2016: Trước điều kiện sống tệ hại của hàng ngàn người di cư trong các khu lều tạm ở Basroch, miền Bắc Pháp, tổ chức Thầy thuốc không biên giới thông báo thành lập khu trại tị nạn đầu tiên ở Pháp theo tiêu chuẩn quốc tế do Cao ủy Người tị nạn LHQ ấn định.

Khu trại mới này, được gọi tên là La Linière, mở cửa cách Calais vài km và có thể tiếp nhận được 1.500 người. Chính quyền Pháp sau đó đã tiếp nhận quản lý khu trại này với mục đích… sẽ đóng cửa nó trong tương lai gần.

Người nhập cư ở trại La Linière, Pháp theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc - Ảnh: AFP

Tháng 4-2016: Sau thỏa thuận về người nhập cư giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, trung tâm ghi danh Moria, trên đảo Lesbos, Hi Lạp, trở thành một khu tạm giữ. Khu doanh trại quân sự cũ này từng được tái sử dụng lần đầu vào tháng 9-2013 như một trại ghi danh.

Trước tháng 4, người tị nạn đến đăng ký tại đây sẽ được cho lưu trú tạm trong thời gian chờ giải quyết giấy tờ để tiếp tục hành trình xin tị nạn trong EU. Hiện có khoảng 5.000 người di cư đang tá túc tại đây.

Người nhập cư bị giam cầm trong trại ghi danh Moria ở Hi Lạp - Ảnh: AFP

Tháng 5-2106: Trung tâm tị nạn dã chiến Idomeni gần biên giới Hi Lạp-Macedonia bị giải tỏa. Nơi này từng chứa đựng đến gần 8.500 người di cư bị bế tắc sau khi Macedonia đóng cửa biên giới. Có những lúc trung tâm này phải tiếp nhận đến 15.000 người.

Ở Trung tâm tị nạn dã chiến Idomeni gần biên giới Hi Lạp-Macedonia - Ảnh: AFP

Tháng 10-2016: Khu tị nạn dã chiến “Rừng Calais” ở miền bắc nước Pháp bị giải tỏa. Đây là nơi tập trung người tị nạn muốn tìm đường sang Anh. Trong một tuần lễ, khoảng 7.000 người nhập cư bất hợp pháp bị phân tán đưa về nhiều trung tâm tiếp nhận trên khắp nước Pháp để chờ giải quyết thủ tục cho nhập cư hoặc bị trục xuất.

Phương tiện cơ giới nhanh chóng san phẳng khu lán trại nổi tiếng "Rừng Calais" ở miền bắc nước Pháp ngay sau khi người nhập cư ở đây bị đưa đi - Ảnh: AFP

Tháng 11-2016: Trung tâm tiếp nhận người nhập cư đầu tiên được mở ở Paris nhằm giải quyết vấn đề nhiều điểm tụ tập nhếch nhác của người nhập cư xuất hiện ở nhiều điểm công cộng trong lòng thủ đô nước Pháp.

Trung tâm này có thể tiếp nhận đến 400 người cho thời gian lưu trú 5-10 ngày. Một trung tâm tương tự dành cho phụ nữ và trẻ em được mở tại Ivry-sur-Seine, ở ngoại ô Paris vào cuối năm.

Lối vào trung tâm tị nạn ở ngoại ô Paris - Ảnh: AFP

Tháng 12-2016: Hai kẻ đưa người vượt biên, quốc tịch Tunisia và Syria, bị tòa án Ý kết án 18 năm và 5 năm tù trong vụ chiếc thuyền chở người nhập cư bị chìm vào tháng 4-2015. Gần 800 người đã thiệt mạng trong vụ việc đó và chỉ 28 người sống sót. Vụ việc được xem là “vụ thảm sát tồi tệ nhất ở Địa Trung Hải”.

Hơn 5.000 người di cư đã thiệt mạng trên biển Địa Trung Hải trong năm 2016 trong giấc mơ tìm vào châu Âu - Ảnh: AFP
TÚ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp