13/01/2025 10:25 GMT+7

Nhức nhối lựa chọn giới tính thai nhi - Kỳ 1: Nhiều bệnh viện lớn công khai làm trái luật

19 năm qua (từ năm 2006), chênh lệch giới tính khi sinh ở Việt Nam vẫn ở mức rất cao, có năm 114 bé trai/100 bé gái. Và bình quân mỗi năm Việt Nam có gần 46.000 thai nhi gái không được chào đời, theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA).

Nhức nhối lựa chọn giới tính thai nhi - Kỳ 1: Nhiều bệnh viện lớn công khai làm trái luật - Ảnh 1.

Người Việt ra cả nước ngoài để chọn giới tính thai nhi. Trong ảnh: bác sĩ của một bệnh viện ở Thái Lan tư vấn, mô phỏng quy trình thực hiện IVF lựa chọn giới tính thai nhi - Ảnh: TRÚC QUYÊN

Nhóm phóng viên Tuổi Trẻ đã có nhiều ngày vào Nam ra Bắc, sang tận Thái Lan - nơi được những tay môi giới lựa chọn giới tính thai nhi gọi là "trung tâm công nghiệp tạo ra con người" - để tìm câu trả lời cho câu hỏi: Vì sao chênh lệch giới tính khi sinh ở Việt Nam vẫn ở mức cao đáng báo động?

Lựa chọn giới tính thai nhi - Kỳ 1: Trăm triệu để tìm 'em bé giống bố' - Video: THU HIẾN - TRÚC QUYÊN - ĐAN THUẦN

Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, nhưng tại sao thực trạng đau xót này vẫn diễn ra?

Xác minh của Tuổi Trẻ cho thấy đang tồn tại một "thị trường" hỗ trợ sinh sản, cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi âm thầm hoạt động.

Từ sự "tiếp tay" của người có chuyên môn, nhiều cặp vợ chồng dễ dàng đạt được ước nguyện của mình bằng cách mở lời muốn có "em bé giống bố" (bé trai) hoặc "em bé giống mẹ" (bé gái).

Nhức nhối lựa chọn giới tính thai nhi - Kỳ 1: Nhiều bệnh viện lớn công khai làm trái luật - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng cục Thống kê; Bộ Y tế và kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 tại các địa phương của Chính phủ (đơn vị tính: số bé trai/100 bé gái) - Đồ họa: N.KH.

TP.HCM: "Chuyện gì cũng làm được hết"

Theo tìm hiểu, với mức giá chỉ từ 200 - 250 triệu đồng, nhiều bác sĩ sản khoa tại các phòng khám và bệnh viện trong nước sẵn sàng nhận làm dịch vụ IVF (thụ tinh trong ống nghiệm), kèm theo việc sàng lọc giới tính thai nhi cho các cặp vợ chồng có nhu cầu.

Từ trang Facebook có tên "IVF Sài Gòn - điều trị vô sinh hiếm muộn công nghệ cao", chúng tôi đã liên hệ để được tư vấn làm IVF, chọn sinh con trai. Một nhân viên khẳng định "đây là vấn đề nhạy cảm, không thể tư vấn online", đồng thời yêu cầu chúng tôi đến trực tiếp địa chỉ nằm trên đường Lý Chiêu Hoàng, phường 10, quận 6 để được tư vấn sâu hơn.

Chiều 5-1, có mặt tại địa chỉ này, chúng tôi khá bất ngờ khi đây là một bệnh viện hỗ trợ sinh sản tư nhân mới thành lập, được Sở Y tế TP.HCM xếp "cấp cơ bản" trong xét cấp chuyên môn kỹ thuật vừa qua.

Sau khi hoàn tất thủ tục, chúng tôi được dẫn vào phòng khám số 108 gặp bác sĩ H.C.C. (trên trang web của bệnh viện, bác sĩ này được giới thiệu là giám đốc chuyên môn). Trước khi tư vấn, bác sĩ này yêu cầu chúng tôi tắt điện thoại, không được phép ghi âm ghi hình.

Nắm bắt nhu cầu làm IVF chọn sinh con trai, ông C. ngay lập tức nói: "Thôi em đừng nói trai gái nữa, cái chuyện gì cũng làm được hết, thật ra mấy cái đó có gì đâu".

Nhức nhối lựa chọn giới tính thai nhi - Kỳ 1: Nhiều bệnh viện lớn công khai làm trái luật - Ảnh 3.

Bác sĩ T.T.T. tư vấn cho bệnh nhân lựa chọn giới tính thai nhi - Ảnh: ĐAN THUẦN

Ông này sau đó chuyển chúng tôi qua nhân viên để tư vấn báo giá. Theo đó, chi phí dịch vụ IVF sinh con theo ý muốn trọn gói là 250 triệu đồng, tính đến thời điểm chuyển phôi đầu tiên.

Còn trang Facebook có tên "Phòng khám sản - Chuyên IVF..." cũng "mấp mé" việc lựa chọn được giới tính thai nhi. Lại một lần nữa, nhân viên tư vấn nói "không tiện nói nhiều" và mời đến phòng khám để bác sĩ tư vấn.

Chiều 7-1, chúng tôi đến phòng khám trên đường Trần Bình Trọng (quận 5). Lúc này đang có rất đông bệnh nhân chờ bác sĩ T.T.T.. Khi biết được nhu cầu của khách hàng, bác sĩ T. nói "cái này trong nước nó cấm mà", nhưng sau đó vẫn nhận lời làm IVF chọn con trai với cam kết tỉ lệ thành công từ 70 - 80%.

Điều bất ngờ là sau một lúc tư vấn, bác sĩ T. "bật mí" ngoại trừ thăm khám và kích thích buồng trứng sẽ được thực hiện tại phòng khám, quá trình chọc hút trứng, tạo, nuôi và chuyển phôi sẽ được thực hiện ở bệnh viện hỗ trợ sinh sản (quận 6). Đây cũng là bệnh viện mà chúng tôi đã tiếp cận được trước đó.

Tại đây, chi phí từ lúc bắt đầu làm cho tới lúc chuyển phôi lần đầu tiên là 250 triệu đồng, được sinh thiết 4 phôi. Trong đó, chi phí IVF là 150 triệu đồng, còn sinh thiết phôi chọn trai hay gái là 100 triệu đồng.

"Thực ra bây giờ mình làm ở đây nó rẻ, mấy bữa làm ở Hà Nội là 450 triệu đồng. Tụi anh gửi ra Hà Nội làm, bây giờ đông quá, nó làm nhiều chất lượng kém" - bác sĩ T. hối thúc chúng tôi nhanh chóng làm.

Nhiều bệnh nhân ở khu vực sảnh chờ cũng cho biết lý do chọn phòng khám này để "trao niềm tin, đổi hy vọng" là bởi bác sĩ T. rất nổi tiếng trên mặt báo lẫn các trang mạng xã hội với lý tưởng đập heo đất xây phòng khám giá rẻ cho người lao động nghèo hiếm muộn.

Nhức nhối lựa chọn giới tính thai nhi - Kỳ 1: Nhiều bệnh viện lớn công khai làm trái luật - Ảnh 4.

Tỉ số chênh lệch giới tính khi sinh ở một số tỉnh thành, có tỉnh lên đến 120 bé trai/100 bé gái - Nguồn: Tổng cục Thống kê; Bộ Y tế và kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 tại các địa phương của Chính phủ (đơn vị tính: số bé trai/100 bé gái) - Đồ họa: N.KH.

Hà Nội: công khai làm luôn ở bệnh viện

Không "kín kẽ" như ở TP.HCM, tại Hà Nội, việc các cặp vợ chồng bày tỏ mong muốn lựa chọn giới tính cho con khi thực hiện IVF khá cởi mở, thậm chí có thể thực hiện ngay tại các bệnh viện lớn.

Có mặt tại một bệnh viện ở quận Hoàng Mai vào ngày 17-12-2024, chúng tôi được bác sĩ C.T.T.H. tiếp. "IVF bọn chị đang làm mục đích chính không phải là lựa chọn giới tính của thai nhi, điều đấy là vi phạm luật cấm, kể cả em đang có bầu, chị là bác sĩ siêu âm mà tiết lộ giới tính thai nhi thôi có thể bị tước giấy phép hành nghề, phạt tiền".

Tuy vậy, bác sĩ này lại quảng cáo tại bệnh viện đang triển khai kỹ thuật sàng lọc một số dị tật liên quan đến nhiễm sắc thể (NST) cho phôi và cho biết đó chính là kỹ thuật mà khách hàng đang "mong muốn".

"Có nghĩa là trong cái biển bất thường của phôi, mình sẽ khoanh một vùng nhỏ xíu là vùng "những bất thường về NST" và mình đi khảo sát cái vùng đấy. Trong kết quả đó có thể vô tình biết được giới tính của phôi", bác sĩ H. tư vấn.

Nhức nhối lựa chọn giới tính thai nhi - Kỳ 1: Nhiều bệnh viện lớn công khai làm trái luật - Ảnh 5.

Bác sĩ H. tư vấn công nghệ mới đang áp dụng có thể trả lời được giới tính của thai nhi - Ảnh: ĐAN THUẦN

Trước băn khoăn về tỉ lệ chính xác khi thực hiện quá trình khảo sát NST, bác sĩ H. giải thích: "Sau khi kiểm tra, kết quả sẽ có ba tình huống: thứ nhất là phôi bất thường không dùng được, thứ hai là phôi bình thường giống mẹ, thứ ba là phôi bình thường giống bố. Ba khả năng này đều có thể đến gặp bọn em theo xác suất rất ngẫu nhiên. Tỉ lệ khó nói lắm, nhưng thường chỉ tầm 10% là không được như ý".

Cũng theo bác sĩ H., trong quá trình sàng lọc phôi "giống bố" hoặc "giống mẹ", vào thời điểm này, bệnh nhân sẽ được bệnh viện "trả lời" về giới tính của các phôi.

"Đúng luật ra là khi bệnh viện cầm kết quả, biết giới tính sẽ không được thông báo giới tính cho bệnh nhân, cấm mà. Tuy nhiên, thời điểm này nếu... giới tính thì vẫn có thể trả lời", bác sĩ H. bỗng nhỏ giọng.

Chi phí để thực hiện trọn gói dịch vụ IVF và sàng lọc giới tính phôi tại bệnh viện này dao động từ 150 - 200 triệu đồng cho một quy trình thuận lợi. Trong đó, chi phí sàng lọc giới tính mỗi phôi là 10 triệu đồng và những cặp đôi muốn sử dụng kỹ thuật này phải là vợ chồng hợp pháp.

Sau tư vấn, chúng tôi hỏi bác sĩ H. một lần nữa về vấn đề thực hiện IVF tại bệnh viện có chọn được giới tính thai nhi hay không, vị bác sĩ này tặc lưỡi trách chúng tôi chưa hiểu ý: "Chị nói vậy em còn chưa hiểu à, ở thời điểm này vẫn có thể được", bác sĩ H. nói.

Tiếp tục tìm đến một trung tâm hỗ trợ sinh sản lớn ở Hà Nội, chúng tôi được nhân viên kinh doanh tên B.L. niềm nở đón tiếp.

Trước đó, từ TP.HCM chúng tôi đã được L. gọi điện, hướng dẫn cách nói chuyện sao cho "đủ tinh tế" để các bác sĩ dễ dàng hỗ trợ cho mình.

"Không nên nói từ đầu chọn trai hay gái, bởi vì quy định không được. Nếu lỡ đâu em là phóng viên hay là gì đấy nó ảnh hưởng đến cả sự nghiệp của người ta. Không nên nói cái việc đấy (chọn giới tính trai hay gái - PV), chị sẽ hướng dẫn em cách nói chuyện với bác sĩ đủ tinh tế để người ta dễ dàng hỗ trợ mình", B.L. dặn dò.

Theo đó, B.L. hướng dẫn khi nói chuyện bác sĩ, chỉ nói tránh bằng cách "xin sàng lọc phôi, chọn em bé khỏe mạnh" là các bác sĩ đã hiểu ý.

Sáng 17-12, chúng tôi được thiết kế gặp bác sĩ L.T.P.L. của trung tâm này. Vị bác sĩ này khuyên khách hàng nên chuẩn bị tâm lý vì "nguyện vọng" đó (sinh con trai) có khi đi đến cuối đường cũng chưa có được phôi "như ý".

Rời phòng tư vấn, chúng tôi ngay lập tức được thông báo bác sĩ L. đồng ý nhận làm (tức làm IVF lựa chọn giới tính con là trai) và báo giá dịch vụ IVF (đã bao gồm sàng lọc phôi) dao động từ 218 - 238 triệu đồng.

"Với tầm giá này số phôi được chỉ định sàng lọc là 5 phôi, nếu khách hàng không có nhu cầu sàng lọc giới tính phôi trước khi chuyển thì chi phí này thấp hơn, dao động từ 150 - 172 triệu đồng", B.L. nói.

Nhức nhối lựa chọn giới tính thai nhi - Kỳ 1: Nhiều bệnh viện lớn công khai làm trái luật - Ảnh 6.

Nguồn: Bộ Y tế - Tổng hợp

Quyền được sống của thai nhi

Tại Việt Nam, quyền của thai nhi chưa được quy định rõ ràng như quyền của một con người đã sinh ra. Tuy vậy, pháp luật cũng như quan niệm đạo đức vẫn thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ thai nhi thông qua quyền sống, quyền thừa kế và quyền được chăm sóc sức khỏe.

* Hiến pháp Việt Nam 2013: quyền sống là quyền cơ bản của mọi người. Mặc dù không có điều khoản cụ thể về thai nhi, nhưng đạo đức xã hội và văn hóa truyền thống Việt Nam đề cao sự sống kể cả với thai nhi.

* Luật Dân sự 2015 (điều 13) quy định: "Thai nhi được hưởng các quyền dân sự khi sinh ra và còn sống". Điều ngày có nghĩa là thai nhi được công nhận quyền lợi từ lúc còn trong bụng mẹ, miễn là sau khi sinh ra còn sống.

* Luật Dân sự 2015 (điều 660) quy định: thai nhi có quyền thừa kế tài sản nếu người để lại di sản qua đời trước khi đứa trẻ được sinh ra. Quyền này được bảo lưu đến khi thai nhi được sinh ra và còn sống.

* Pháp luật Việt Nam khuyến khích phụ nữ mang thai bảo vệ thai kỳ và tránh các nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, không khuyến khích phá thai dựa trên phân biệt giới tính hoặc các lý do phi đạo đức.

Nhức nhối lựa chọn giới tính thai nhi - Kỳ 1: Nhiều bệnh viện lớn công khai làm trái luật - Ảnh 7.

Nguồn: Bộ Y tế - Tổng hợp - Đồ họa: N.KH.

Nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức

Khoản 2, điều 7 pháp lệnh dân số năm 2003 nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.

Tại điều 10 nghị định 104/2003/NĐ-CP quy định nghiêm cấm tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi dưới các hình thức tổ chức nói chuyện, viết, dịch, nhân bản các loại sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, ghi hình, ghi âm; tàng trữ, lưu truyền tài liệu, phương tiện và các hình thức tuyên truyền, phổ biến khác về phương pháp tạo giới tính thai nhi; chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp xác định qua triệu chứng, bắt mạch, xét nghiệm máu, gene, nước ối, tế bào, siêu âm…

Khoản 3 điều 99 nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế như hành vi chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc để có được giới tính thai nhi theo ý muốn; cung cấp dụng cụ, thuốc, vật tư để có được giới tính thai nhi theo ý muốn; nghiên cứu các phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn (trừ trường hợp được pháp luật cho phép) sẽ bị phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng.

Ngoài ra, cơ sở y tế thực hiện một trong những hành vi trên còn bị phạt bổ sung bằng hình thức đình chỉ hoạt động từ từ 1-3 tháng. Người thực hiện một trong những hành vi trên sẽ bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh từ 1-3 tháng. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy dụng cụ, thuốc, vật tư đã được sử dụng để thực hiện hành vi cung cấp dụng cụ, thuốc, vật tư để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.

Việt Nam mất cân bằng giới tính từ lúc nào?

Số liệu thống kê mới nhất từ Cục Dân số (Bộ Y tế) cho thấy Việt Nam bắt đầu xuất hiện tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh từ năm 2006, khi tỉ số giới tính khi sinh là 109,8 bé trai/100 bé gái (tỉ lệ giới tính khi sinh tự nhiên dao động trong khoảng 104 - 106 bé trai/100 bé gái).

Mặc dù đã khống chế được tốc độ gia tăng của tỉ số giới tính khi sinh nhưng vẫn đang ở mức cao, từ năm 2012 đến nay luôn duy trì ở mức trên 112 bé trai/100 bé gái (số liệu năm 2023 là 112).

Đặc biệt tỉ số này đang có xu hướng tăng cao tại một số tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng. Và nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn cao như hiện nay, ước tính Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới vào năm 2034 và tăng lên 2,5 triệu vào năm 2059. Điều này sẽ để lại những hệ lụy khó lường về kinh tế - xã hội và cả an ninh chính trị.

Nhức nhối lựa chọn giới tính thai nhi - Kỳ 1: Nhiều bệnh viện lớn công khai làm trái luật - Ảnh 8.

Nguồn: Bộ Y tế - Tổng hợp - Đồ họa: N.KH.

Giảm Chênh lệch giới tính:

Nhiều giải pháp, kết quả chưa như mong muốn

Trong những năm qua, Bộ Y tế, cụ thể là Cục Dân số, cùng Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã phối hợp với nhiều cơ quan, địa phương tổ chức rất nhiều hội thảo cung cấp thông tin về hậu quả, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh và các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn.

Mới đây, tại phiên thảo luận ở hội trường (kỳ họp Quốc hội thứ 7 ngày 29-5-2024), đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền (Nghệ An) đặt vấn đề chênh lệch giới tính khi sinh tăng cao là biểu hiện rõ nhất của bất bình đẳng giới.

Để kiểm soát tốt hơn, đại biểu này đề xuất cần bổ sung những quy định pháp luật đảm bảo khả thi kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, cần tuân thủ các quy định pháp luật cấm xác định giới tính, lựa chọn giới tính khi sinh tại các cơ sở y tế. Tuy vậy, thực trạng này vẫn ngày càng báo động.

Về giải pháp, từ năm 2016 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 468 phê duyệt đề án "Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025", với mục tiêu khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỉ số này về mức cân bằng tự nhiên; mục tiêu trong giai đoạn 2016 - 2020 là giảm tốc độ tăng tỉ số giới tính khi sinh xuống dưới mức 0,46 điểm phần trăm/năm để tỉ số này dưới mức 115 vào năm 2020.

Tuy vậy, theo Cục Dân số (Bộ Y tế), sau 8 năm triển khai đề án 468, tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh đã được khống chế nhưng chưa ổn định và vẫn cao so với mức cân bằng tự nhiên. Trung bình mỗi năm giảm 0,03 điểm phần trăm (tỉ số giới tính khi sinh năm 2016 là 112,2 và đến năm 2023 là khoảng 112).

Mới đây, tại dự thảo hướng dẫn thực hiện công tác dân số năm 2025, Cục Dân số quyết tâm đặt mục tiêu giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh xuống 111 bé trai/100 bé gái.

--------------------------------------

Đón đọc kỳ sau: Điểm mặt "trùm" môi giới

Mời bạn đọc xem video trên tuoitre.vn.

Nhức nhối lựa chọn giới tính thai nhi - Kỳ 1: Nhiều bệnh viện lớn công khai làm trái luật - Ảnh 9.10 năm nữa, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới vì quan niệm 'phải sinh con trai'

Dự kiến Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới vào năm 2034, thế nhưng tư tưởng phải có con trai, hay gia đình phải 'đủ nếp đủ tẻ' thì mới hạnh phúc dẫn đến tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi, mất cân bằng giới tính.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp