Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Obama tại họp báo - Ảnh: Reuters. |
Cuối cùng thì danh từ “cựu thù” vốn được dùng để gọi hai nước cũng đã không còn hàm ngụ những ân oán, những nghi kỵ cố hữu, nhường chỗ cho việc cùng nhìn tới tương lai và tin cậy. Phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang về chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, “từ cựu thù trở thành đối tác toàn diện.
Hợp tác Việt Nam và Hoa Kỳ phát triển trên cả bình diện song phương và đa phương. Có nhiều vấn đề liên quan đến khu vực và toàn cầu. Chia sẻ ngày càng nhiều lợi ích và quan tâm chung”, trong từng chữ một cũng như trong toàn ý, không mang tính sáo ngữ ngoại giao.
Trong thực tế, khi những mối quan tâm chung ngày càng nhiều thì việc đi đến đồng thuận ngày càng “tự nhiên” hơn. Từ những việc có vẻ như rất riêng tư của một bên, chẳng hạn như việc tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh hay việc giải quyết hậu quả chiến tranh, rà phá bom mìn, tẩy độc dioxin, đã lần hồi trở thành việc chung và sẽ còn được tiếp tục đẩy mạnh.
Một câu chuyện đầy ý nghĩa: tuần rồi đại sứ Mỹ tại Việt Nam đã gửi thư và cử đại diện đến chia buồn gia đình đội trưởng đội rà phá bom mìn bị tử nạn trước đó. Đó là hình ảnh của sự hòa giải nay đã trở thành mối thân tình không chỉ trên bình diện chính phủ hai nước mà còn cả trong góc độ con người...
Từ những việc còn đọng lại từ cuộc chiến tranh đã qua, hai bên đã lần hồi chia sẻ với nhau những vấn đề mới mẻ vốn chỉ liên quan đến một phía, và rồi đã trở thành việc chung: tỉ như các vấn đề biến đổi khí hậu, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong chẳng hạn... Cho đến những vấn đề của cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương là tự do hàng hải và hàng không. Và nay đã đến lúc Tổng thống Hoa Kỳ thứ 44 Barack Obama gỡ bỏ “di tích” lỗi thời: “Chúng tôi thấy quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ngày càng sâu sắc, mở rộng hơn. Chúng tôi ấn tượng với các công việc chúng ta đã làm với nhau trong nhiều lĩnh vực. Đến lúc chúng tôi không nên duy trì lệnh cấm nào nữa. Chúng tôi rất cân nhắc khi đưa đến quyết định này”.
Tất nhiên, gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương không phải là để câu kết chống lại một nước khác. Như lời Tổng thống Obama: “Quyết định bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương không phải phụ thuộc vào yếu tố Trung Quốc mà dựa trên tiến trình quan hệ giữa hai nước. Nó bắt đầu bằng sự can đảm giữa hai bên, trải qua nhiều cuộc hội đàm khó khăn”.
Việc Việt Nam có mua vũ khí gì của Mỹ, nếu có, cũng chẳng khác gì mua vũ khí của Nga, Israel... không có nghĩa là câu kết với Nga hay Israel chống nước nào khác. Trước hết, đây là một biểu tượng của kết thúc chiến tranh, hận thù, nghi kỵ, quá khứ...
Nay là lúc cùng chia sẻ những ngọt bùi và cả... những nhận thức về lịch sử. Việc Tổng thống Mỹ Obama ngâm thơ Lý Thường Kiệt trước giới trẻ Việt Nam là một biểu thị của sự đồng cảm.
Hợp đồng mua 100 chiếc Boeing là một hợp đồng không nhỏ, trái lại, về phía Mỹ, đây là một cơ hội kinh doanh cho Tập đoàn Boeing và là công ăn việc làm cho người lao động Mỹ. Về phía Việt Nam, đây là một dấu chỉ không chối cãi của kinh tế thị trường.
Và trong chiều sâu, đó cũng chính là một kết quả mà hơn 20 năm trước, khi gỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế, Tổng thống Bill Clinton hoặc bất cứ ai khác, thậm chí chục năm trước, có thể tưởng tượng ra.
Tất nhiên, còn những khác biệt. Ít nhất đây cũng là một cơ hội để Việt Nam thật sự đa phương hóa các quan hệ. Nếu gọi chuyến thăm này của Tổng thống Hoa Kỳ Obama là một “chuyến thăm lịch sử” thì sẽ nhìn thấy “Lịch sử” viết hoa như là một quá trình tiệm tiến không phải ngày một, ngày hai. Như nhà thơ Boileau đã viết: “Hãy khẩn trương một cách chậm rãi”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận