08/08/2023 06:27 GMT+7

Như chưa hề có cuộc chia ly: Mồ côi tội lắm ai ơi!

'Anh em giờ còn nhiêu đây. Chết hết trọi rồi' - bà Sưa nấc nghẹn nói với bà Hoa - người em gái thất lạc. Họ có cuộc đoàn tụ sau 51 năm xa cách nhờ Như chưa hề có cuộc chia ly.

Ông Định và bà Hoa nghẹn ngào trong ngày gặp lại tại Như chưa hề có cuộc chia ly -  Ảnh: BTC

Ông Định và bà Hoa nghẹn ngào trong ngày gặp lại tại Như chưa hề có cuộc chia ly - Ảnh: BTC

Tối 7-8, Như chưa hề có cuộc chia ly phát sóng với chủ đề "Nhà có 6 - 7 anh em…" lấy không ít nước mắt khán giả. 

Số phận của các anh em bà Hoa man mác buồn như lời bài hát: "Mồ côi tội lắm ai ơi, đói cơm khát nước biết người nào lo".

Nhà có 6 - 7 anh em, chẳng lẽ không ai đi tìm mình

Bà Hoa tên hiện tại là Nguyễn Thị Bông, đang sinh sống ở phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

10 năm nay bà thường xuyên xem Như chưa hề có cuộc chia ly,  vui mừng trước các cuộc đoàn tụ

Thế nhưng chưa bao giờ bà nghĩ đến chuyện mình sẽ lên chương trình để tìm lại anh chị em đã thất lạc 51 năm. 

Lý do, chỉ đơn giản là: "Nhà có 6 - 7 anh em chẳng lẽ không ai tìm mình", bà nói.

Thương mẹ, con gái út của bà đã gửi thư đến Như chưa hề có cuộc chia ly. Chương trình tìm đến nhà, từ đó những mảnh ghép ký ức buồn của cuộc đời bà được lắp ráp lại.

Trailer Như chưa hề có cuộc chia ly tập 167

51 năm trước, gia đình bà có 7 anh chị em sống trong vùng giao tranh chiến sự ác liệt ở tỉnh Quảng Nam. 

Cha mẹ chết, gia đình quá khó khăn nên bà - lúc đó là một cô bé khoảng 9, 10 tuổi và cậu em út Xuân mới đi lẫm chẫm được đem cho một mục sư đạo Tin Lành ở Đà Nẵng. Bà làm giúp việc cho gia đình ông. Còn em Xuân được đưa vào cô nhi viện.

Sau một trận bệnh nặng tưởng không qua khỏi, bà chuyển đến giúp việc ở nhà người khác. Bà đi thanh niên xung phong, lấy chồng, có ba cô con gái. Chồng có người khác, bỏ bà đi mấy chục năm trước, một mình bà nuôi các con lớn và giờ bà chăm các cháu.

Nhà có  bảy anh em mà cuộc đoàn tụ giờ chỉ còn ba người - Ảnh: BTC

Nhà có bảy anh em mà cuộc đoàn tụ giờ chỉ còn ba người - Ảnh: BTC

"Lúc làm giúp việc ở nhà ông mục sư, tôi có học lóm khi ông chủ dạy học cho các con. Vì vậy tôi chỉ biết đọc chứ không biết viết. Hồi đó nghèo khổ quá nên tôi không được đi học. Sau này tôi quyết tâm mình khổ mấy cũng cho con học đàng hoàng", bà kể thêm.

Xa cách gia đình hơn 50 năm, bà vẫn nhớ rành rọt tên bảy anh chị em: Sưa, Bình, Định, Hồng, Hoa, Nở, Xuân.

Trong ký ức, bà nhớ cảnh chạy theo mẹ lúc mẹ đi chợ. Ra cầu ri nóng quá, bà đứng khóc, mẹ quay lại dẫn bà đi chung. Bà nhớ căn nhà xưa đi ngang qua cái giếng, núi trọc, cầu ri, suối…

Nỗi buồn chiến tranh

Lần giở những manh mối, cuối cùng Như chưa hề có cuộc chia ly tìm ra quê bà Hoa ở Duy Xuyên, Quảng Nam - nơi chiến tranh diễn ra ác liệt nhất.

Ở quê bà trên núi Hòn Tàu có căn cứ Mỹ, trên núi trọc, tức Hòn Bằng có bốt Việt Nam cộng hòa. Để lập vành đai trắng, dân các thôn từ 4 đến 8 bị dồn ra thôn 1. Thôn 1, thôn 2 và thôn 3 là vùng Việt Nam cộng hòa kiểm soát. 

Các thôn 4, 5, 6, 7, 8 được coi là vùng cộng sản. Nhà bà Hoa từ thôn 4 bị dồn về ở thôn 1 tạm cư. Ngày ngày cha mẹ bà vẫn phải vượt suối trở về thôn 4 trồng trọt kiếm sống.

Bà Hoa đang ngồi xem các cháu học. Bà đã thất lạc gia đình 51 năm, nay mới tìm lại được các anh chị - Ảnh: BTC

Bà Hoa đang ngồi xem các cháu học. Bà đã thất lạc gia đình 51 năm, nay mới tìm lại được các anh chị - Ảnh: BTC

Màn hình Như chưa hề có cuộc chia ly  hệ thống lại danh sách thành viên gia đình bà Hoa. Những cái tên ấy lần lượt chuyển dần sang màu đỏ, có nghĩa cứ từng người trong gia đình lần lượt không còn.

Cha của bà trong một lần đi vào rẫy trồng củ từ bị Mỹ bắn chết. Bảy ngày sau mới lấy được xác.

Không lâu sau đó, mẹ bà cũng bị nước suối cuốn trôi khi đang cố trở về nhà. "Vào buổi sáng, nước suối còn thấp, bà vượt suối về khu đất cũ trồng trọt. Đến tối trở về thì nước dâng cao, bà ráng đi qua để về cho em Xuân bú. Bà bị dòng nước cuốn trôi", bà Hoa kể lại.

Ba anh em ngày gặp lại: Ông Định (trái), bà Hoa và bà Sưa - Ành: BTC

Ba anh em ngày gặp lại: Ông Định (trái), bà Hoa và bà Sưa - Ành: BTC

Cha mẹ chết. Bảy anh chị em như rắn không đầu. Họ làm thuê cấy mướn, sống đùm bọc nhau. Nhưng cuộc sống không dễ dàng, em Xuân lại còn nhỏ. Cuối cùng nghe theo lời gợi ý, năm 1972 bà và em Xuân đến ở nhà người khác.

Ông Định - anh của bà Hoa bị trúng mìn mất một chân, đôi mắt mù lòa, kể hoàn cảnh gia đình mình: "Em Hoa đi hai năm thì em Nở chết. Vì cực khổ quá và bị bệnh thận. Rồi tới em Bình đi lính chết năm 1974".

Bà Hoa giờ mới biết anh bà cũng đã đi tìm bà. Ông Định từng vừa đi ăn xin vừa đến Đà Nẵng để tìm lại hai em. 

Ông tìm được em Xuân và đưa về nhà vào năm 1973. Còn bà Hoa vì chuyển sang nhà khác nên ông không tìm được.

Em Xuân của bà sau khi tình nguyện đi bộ đội, về lấy vợ có con. 

Vợ ông Xuân nói: "Nhà ở gần lộ, cứ gần Tết, có xe con chạy qua, ông Xuân chỉ tay nói với mấy người con rằng cô Hoa mày về đó, cô Hoa mày về đó. Mà có ai biết cô mi ở đâu". Ông ôm nỗi hy vọng mong manh chị mình sẽ trở về cho đến lúc lâm bệnh rồi mất năm 2016.

Bà Hoa (ngồi thứ hai từ phải qua) gặp lại anh chị và các cháu - Ảnh: BTC

Bà Hoa (ngồi thứ hai từ phải qua) gặp lại anh chị và các cháu - Ảnh: BTC

Còn anh Quang, con trai bà Hồng - chị bà Hoa - kể: "Mỗi lần xem Như chưa hề có cuộc chia ly, mẹ tôi cầm bút ghi lại số điện thoại. Bà nói khi nào có tiền sẽ lên chương trình tìm dì". 

Giờ bà Hồng cũng vừa mất vì bệnh. Tờ giấy ghi số điện thoại chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly để tìm em, con bà thấy vẫn còn nằm lẫn trong đồ còn sót lại của mẹ.

Nhà có bảy anh em nhưng niềm vui sum họp giờ chỉ còn dành cho ba người.

Chiến tranh kết thúc đã lâu nhưng hậu chiến vẫn còn nhiều câu chuyện kể mãi chưa thôi.

Những con số biết nói tháng 6

-154.663.273 đồng là số tiền được ủng hộ thông qua tài khoản thiện nguyện 2700 Ngân hàng Quân đội.

- 130 người tham gia ổ bánh mì nối thân thương Zalo Pay.

- 6 cuộc tìm ra.

- 1.019 đầu thông tin mới được xử lý.

- 103 hồ sơ tìm kiếm mới được lập.

Như chưa hề có cuộc chia ly: Nước mắt thì mặn hơn cả muối cũng nênNhư chưa hề có cuộc chia ly: Nước mắt thì mặn hơn cả muối cũng nên

"Sao chị bỏ em" - người đàn ông hơn 50 tuổi Cao Quốc Tựu khóc, nói dỗi khi gặp lại chị của mình. Họ đã chờ đợi đến 48 năm mới có cuộc đoàn tụ trong 'Như chưa hề có cuộc chia ly'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp