Đề dự bị môn ngữ văn tại Kỳ thi THPT quốc gia 2019
Đây là lần đầu tiên được sử dụng thực tế kể từ khi kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức năm 2015 đến nay.
Theo ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, ở Lào Cai, cán bộ coi thi ký nhầm vào ô dành cho cán bộ chấm thi, sau đó đến nửa thời gian làm bài mới phát hiện và bắt 3 thí sinh viết lại vào tờ giấy thi khác mà không cho thí sinh được thêm thời gian bù giờ.
Còn tại Sơn La, một thí sinh ghi số báo danh không đúng quy cách, giám thị cũng yêu cầu thí sinh thay tờ giấy khác, làm lại bài thi khi thời gian thi đã diễn ra được một nửa.
Cả 4 thí sinh này sau đó được làm lại bài thi môn ngữ văn bằng đề dự bị vào chiều 27-6, sau khi các buổi thi chính thức kết thúc.
Theo đó, đề dự bị được sử dụng cũng có cấu trúc tương tự đề chính thức. Nội dung phần đọc hiểu lấy từ một đoạn trích trong cuốn "Không gì là không thể" (George Matthew Adams - NXB Tổng hợp TP.HCM) nói về sự xuất hiện của cơ hội và việc nắm bắt cơ hội trong cuộc đời mỗi người.
Phần làm văn nghị luận xã hội đặt vấn đề: "Từ nội dung đoạn trích ở phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ về ý nghĩa của việc nắm bắt cơ hội đối với tuổi trẻ trong cuộc sống hiện nay".
Ở phần nghị luận văn học, đề yêu cầu cảm nhận về hình tượng người lính trong một trích đoạn bài thơ "Tây Tiến" của nhà thơ Quang Dũng, từ đó nhận xét về bút pháp lãng mạn của nhà thơ.
Vậy đề dự bị được chuẩn bị sẵn hay do tình huống phát sinh? Đề dự bị cho môn văn chỉ có một đề chung thống nhất còn nếu đề cho môn thi trắc nghiệm có đảm bảo đủ 24 mã đề như đề chính thức hay không?
Ngày 28-6, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Sái Công Hồng - phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT - cho biết không riêng gì môn ngữ văn mà tất cả các môn thi đều có đề dự bị.
Đặc biệt, các môn thi theo hình thức trắc nghiệm không chỉ có 1 mã đề mà được làm đủ 24 mã đề thi cho một phòng thi như đề chính thức. Quy trình làm đề dự bị được thực hiện như làm đề chính thức.
"Cũng như đề thi chính thức, việc chuẩn bị tất cả các đề thi dự bị của tất cả các môn cũng được thực hiện dựa vào chuẩn kiến thức, kỹ năng... Các đề dự bị cũng được giao đến các tỉnh như đề chính thức và sẵn sàng sử dụng cho các tình huống phát sinh theo đúng quy chế" - ông Hồng nói.
Theo quy chế thi THPT quốc gia, đề thi, hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm chưa công bố thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ "tối mật".
Riêng đề thi dự bị môn tự luận chưa sử dụng được giải mật sau khi kết thúc kỳ thi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận