29/01/2021 10:02 GMT+7

Nhộn nhịp xuống lá mai đón tết

NGUYỄN TRÍ - NGỌC AN -T.LŨY
NGUYỄN TRÍ - NGỌC AN -T.LŨY

TTO - Những ngày gần đây, dọc các cung đường như Phạm Văn Đồng, quốc lộ 13 (TP Thủ Đức), quốc lộ 1A (đoạn qua quận 12)..., dễ dàng nhận thấy không khí xuống lá mai, chưng bán mai tết... diễn ra khẩn trương, nhộn nhịp.

Nhộn nhịp xuống lá mai đón tết - Ảnh 1.

Đông đảo nhân công lặt lá mai tại nhà vườn ở Thủ Đức để cây kịp nở đúng tết - Ảnh: N.TRÍ

Với vườn mai có quy mô gần 1.000 chậu lớn nhỏ, ông Nguyễn Ngọc Phương - chủ vườn mai Phương Bình (TP Thủ Đức) - cho biết để kịp cho việc lặt lá đúng lúc, nhiều thời điểm phải thuê 30-50 công nhân lặt lá mai. Những cây lớn, đi thị trường Hà Nội ưu tiên lặt lá trước, cây nhỏ, chủ yếu phục vụ cho thị trường TP.HCM lặt lá sau. Tuy vậy, chỉ khoảng hai ngày nữa là xuống lá tất cả lượng mai bán tết để kịp thời gian bung nở. 

Tại vườn mai Hà Ba Trận (TP Thủ Đức) thường xuyên có khoảng 20-30 nhân công, chiếm đa số là sinh viên và người lớn tuổi, được thuê làm công việc lặt lá mai. Bạn Thu Hồng (sinh viên ĐH Nông lâm) cho biết đây là năm thứ hai đi lặt lá mai, với tiền công năm nay được khoảng 300.000 đồng/ngày.

Nhiều nhà vườn cho biết đến thời điểm này có thể nhận định được phần lớn chất lượng mai năm nay tương đối tốt, chỉ chưa biết thị trường ăn hàng như thế nào do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dù giá mai không tăng so với mọi năm. Theo ghi nhận, nhu cầu mua mai chậm hơn mọi năm, lượng khách chủ yếu là khách công ty thuê mai sớm để tất niên, hoặc mai đi thị trường Hà Nội.

Miến dong hữu cơ xứ Thanh vào vụ tết

Nhộn nhịp xuống lá mai đón tết - Ảnh 2.

Sản phẩm miến dong hữu cơ được sản xuất theo quy trình khép kín từ trồng, chế biến với mức giá cao hơn gần gấp đôi - Ảnh: N.KH.

Những ngày gần đây, làng nghề sản xuất miến dong tại xã Cẩm Liên (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) lại nhộn nhịp hơn bởi các hộ sản xuất chạy nước rút để kịp giao sản phẩm cho các đơn hàng cuối năm.

Theo anh Nam (xã Cẩm Liên), thay vì sản xuất bằng phương pháp thủ công như trước, gia đình anh đã đầu tư máy móc thiết bị, thuê thêm nhân công để tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. "Miến dong Cẩm Thủy được ưa chuộng bởi quy trình sản xuất không sử dụng chất bảo quản, chất tẩy trắng... Nguyên liệu hoàn toàn từ bột củ dong riềng nên sợi dẻo, dai, khi ăn không bị sạn, cát" - anh Nam nói.

Ông Lê Văn Tuấn, phó chủ tịch UBND xã Cẩm Liên, cho biết tổ hợp tác sản xuất miến dong Cẩm Liên hiện có 15 hộ, với quy mô hơn 30ha, sản lượng sản xuất hàng trăm tấn miến mỗi mùa vụ. "Giá miến trong mùa tết năm nay tăng nhưng sản xuất đến đâu hết tới đó nhờ vào việc bán hàng trực tiếp qua các kênh mạng xã hội hay qua người quen giới thiệu" - ông Tuấn cho hay.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hà Thanh Sơn, trưởng Phòng nông nghiệp huyện Cẩm Thủy, cho rằng việc hình thành tổ liên kết từ trồng, sản xuất, chế biến đã giúp sản phẩm miến dong nâng cao chuỗi giá trị. So với các cây trồng khác, cây dong riềng mang lại thu nhập tốt hơn, từ 80 - 90 triệu đồng/ha, chế biến tinh bột dong riềng và làm miến dong cũng mang lại lợi nhuận cao khoảng 100 - 110 triệu đồng/ha, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Theo ông Sơn, sản xuất miến dong hữu cơ Cẩm Thủy là mô hình sản xuất khép kín từ trồng nguyên liệu đến chế biến. Các loại phân bón được sử dụng cho trồng củ dong riềng đều là phân hữu cơ, người nông dân tự ủ để bón cho cây nên củ dong phát triển tốt, năng suất cao. Do được sản xuất theo quy trình chuẩn, không sử dụng chất bảo quản nên sản phẩm miến dong đậm vị, rất được người dùng ưa chuộng. Tuy vậy, do nguyên liệu sản xuất tại chỗ khan hiếm, dong chỉ được thu hoạch vào ba tháng cuối năm nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

Độc, lạ hoa giấy 6 màu

Từ nhiều năm nay ông Nguyễn Văn Truyền (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, Cần Thơ) đã tìm mua cây giống hoa giấy kiểng đủ màu để lai ghép thành hoa giấy ngũ sắc trên cùng một cây, đặc biệt năm nay được ghép hoa giấy giống Thái với màu hoa tươi, lâu rụng và bền hơn.

Theo ông Truyền, do nhu cầu người mua ưa chuộng những loại hoa nhiều màu sắc, ông tự tìm hiểu rồi áp dụng cách ghép cành của sáu màu vào một cây và đã thành công. Loại hoa giấy do ông ghép có màu: đỏ, hồng, cam, vàng, tím, trắng. Tuy nhiên, để có được một cây hoa giấy ghép nhiều màu, phải tốn khá nhiều công sức, tốn thời gian và áp dụng nhiều kỹ thuật ghép từ khi cây còn rất nhỏ.

Nhiều chợ phiên, hội chợ bán hàng tết

Thông tin từ Sở Công thương TP.HCM cho biết từ ngày 27-1 đến 6-2, TP sẽ tổ chức 25 hội chợ, chợ phiên tại nhiều quận, huyện với sản phẩm giới thiệu, chưng bán đa dạng từ thực phẩm, đặc sản, thời trang... Trong đó, nhiều chương trình quy mô lớn, thời gian kéo dài như Hội chợ xuân nghĩa tình - diễn ra từ ngày 28 đến 31-1 tại Q.3; phiên chợ Tết 2021 - diễn ra từ ngày 1 đến 9-2 tại Q.Tân Phú; chợ Tết Tân Sửu - diễn ra từ ngày 3 đến 10-2 tại TP Thủ Đức... Sản phẩm tại các chương trình đều có xuất xứ rõ ràng, giá cả ổn định, nhiều khuyến mãi.

Trước đó, các hội chợ tại TP đã thu hút lượng lớn khách hàng mua sắm; các doanh nghiệp "cháy" hàng chưng bán, đặc biệt đặc sản. Cụ thể, qua 4 ngày hội chợ xuân Tân Bình (19 đến 24-1), ông Nguyễn Thành Tâm - chủ cơ sở Thành Tâm (Bình Định) - cho biết cơ sở bán được hơn 2.000 gói nem, 300 lít rượu, 200 cây tré và hàng trăm ký bánh tráng, bánh hỏi các loại. Tương tự, tại hội chợ này, cửa hàng chuyên bán đặc sản Tây Bắc bán ra lượng lớn miến dong Hà Nội, nấm rừng Sa Pa, hạt dẻ Tây Bắc...

Hoa giấy Thanh Tiên xuống phố Hoa giấy Thanh Tiên xuống phố

TTO - Làng hoa giấy Thanh Tiên (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) bắt đầu bung hàng chục nghìn cặp hoa giấy ra thị trường tết. Đây là sản phẩm được nhiều người dân Thừa Thiên Huế yêu thích, mua cúng bàn thờ tổ tiên mỗi dịp tết đến, xuân về.

NGUYỄN TRÍ - NGỌC AN -T.LŨY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp