Lúa Campuchia từ xe tải được đưa xuống ghe đưa đi tiêu thụ - Ảnh: K.NAM
Rời tuyến đường N1 nối ngã ba Cây Bàng rẽ vào hướng cửa khẩu quốc gia Giang Thành tới cầu Giang Thành sẽ bắt gặp cảnh nhộn nhịp của một vựa lúa quy mô lớn. Đây là điểm tập kết lúa nhập khẩu chính ngạch từ Campuchia vào VN rồi đưa đi tiêu thụ.
Nhập khẩu tăng dần
Giữa trưa nắng gắt, từng chiếc xe tải cỡ lớn oằn thùng chở đầy lúa vẫn nhẫn nại chờ làm thủ tục thông quan để nhập cảnh vào VN. Một cán bộ hải quan cửa khẩu Giang Thành cho hay việc nhập lúa từ Campuchia hiện không có quy định cấm.
Tuy nhiên, lúa trồng ở Campuchia muốn vào VN phải có chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO). Hiện tại mỗi CO áp dụng cho lô lúa nhập khẩu 250 tấn, thời hạn áp dụng quy định này kéo dài đến hết năm 2022. "Những năm trước, lúa hàng hóa từ Campuchia nhập khẩu với số lượng ít. Nhưng nay thì nhập với lượng lớn" - vị cán bộ hải quan nói.
Anh Nguyễn Văn Hòa (43 tuổi, ngụ xã Tân Khánh Hòa, Giang Thành) cho biết từ khi có vựa lúa này anh bỏ nghề chạy xe ôm chuyển qua vác lúa mỗi ngày thu nhập từ 250.000 - 300.000 đồng, khá ổn định do có việc quanh năm.
Doanh nghiệp chưa muốn bắt tay nông dân?
Ông Đỗ Minh Nhựt, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết việc tiêu thụ lúa do nông dân Campuchia trồng đã có từ cả chục năm nay. Ban đầu một số hộ dân giáp biên có bà con thân thuộc bên Campuchia đem lúa chà gạo ăn. Dần dần chắc là do thấy vị ngon, lại là gạo sạch 100% nên nhiều người hỏi mua, sau đó gạo Campuchia bắt đầu xuất hiện ở chợ cửa khẩu với tên gọi chung là "gạo rẫy".
Theo ông Nhựt, lúa Campuchia vào VN ngoài việc phải có CO ra còn phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng của Campuchia cấp. Trước khi vào VN, lúa còn phải tập kết tại kho ngoại quan để kiểm dịch theo quy định của nước ta rồi mới được chở tiếp đi tới các địa phương khác.
Trả lời câu hỏi liệu cho phép nhập lúa Campuchia với lượng lớn có ảnh hưởng tới việc trồng lúa tại Kiên Giang không, ông Nhựt cho rằng ảnh hưởng chưa đáng kể. Tuy nhiên, ở đây có vấn đề đáng quan tâm là khi thấy thị trường có nhu cầu cao, ngành nông nghiệp cùng các ngành có liên quan đã kêu gọi một số doanh nghiệp hỗ trợ nông dân nhập giống Campuchia hoặc ít nhất tăng diện tích canh tác lúa hữu cơ nhưng chưa có doanh nghiệp nào hưởng ứng.
Tại huyện Giang Thành, hầu hết lúa nhập khẩu đều do một số người ở các vùng giáp biên sang Campuchia "hợp tác" với dân tại chỗ để trồng lúa, thực chất gần như là thuê đất. Ông Nguyễn Minh Nhựt cho hay chính quyền hai tỉnh Kiên Giang - KamPot đã ký thỏa thuận không cho phép người Việt qua Campuchia thuê đất trồng lúa. Tuy nhiên việc này rất khó thực hiện nghiêm do nhiều cư dân vùng giáp biên có bà con, dòng họ là người Campuchia, họ sẽ tìm cách tự thỏa thuận với nhau.
Phần nhiều nhập lậu?
Theo ông Trần Quốc Hoàn - cục trưởng Cục Hải quan tỉnh An Giang, lúa nhập khẩu phải đóng thuế 40%. Có vài doanh nghiệp đòi nhập khẩu không đóng thuế như một số tỉnh Đồng Tháp và Kiên Giang nhưng Cục Hải quan An Giang đã không đồng ý và gửi văn bản về Tổng cục Hải quan để xin ý kiến, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
"Thông tin VN nhập khẩu hơn 1 triệu tấn lúa của Campuchia là có thể người dân đi đường tiểu ngạch hoặc nhập lậu" - ông Hoàn nhấn mạnh.
Chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch
Phát biểu trong chuyến công tác để khôi phục thiệt hại sau lũ và chuẩn bị cho sản xuất vụ lúa đông xuân tại tỉnh Prey Veng (Campuchia) ngày 31-10, ông Veng Sakhon, bộ trưởng Bộ Nông - lâm - ngư nghiệp Campuchia, cho biết trong 10 tháng đầu năm 2020, Campuchia xuất khẩu hơn 530.000 tấn gạo. Riêng Việt Nam nhập khẩu lúa theo tiểu ngạch từ Campuchia trên 2 triệu tấn/năm. Còn trong 10 tháng đầu năm 2020, Campuchia đã xuất tiểu ngạch lúa sang Việt Nam gần 1,5 triệu tấn.
Các địa phương sản xuất lúa ngắn ngày chủ yếu tập trung ở các tỉnh giáp với Việt Nam.
Thục Hiền
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận