20/02/2025 21:16 GMT+7

Nhộn nhịp mua bán Pi, bán điện thoại, đồ ăn trả tiền bằng Pi, liệu có phạm pháp?

Mặc giá liên tục trồi sụt, mà sụt nhiều hơn trồi, đồng tiền số Pi Network vẫn đang là "mặt hàng" bán chạy trên "chợ đêm". Thậm chí nhiều hàng tiệm còn rao thông tin chấp thuận thanh toán đồng Pi. Về mặt luật pháp thì sao?

Nhộn nhịp mua bán Pi, bán điện thoại, đồ ăn trả tiền bằng Pi, liệu có phạm pháp? - Ảnh 1.

Ngày 18-2, hoạt động mua bán đồng Pi Network đã sôi động trên các hội nhóm mạng. Giá mỗi Pi tại thời điểm đó lên tới 57.000 đồng đến 69.000 đồng - Ảnh chụp màn hình

Trồi ba giá thì sụt bảy tám giá

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, sau 5 giờ liền kể từ thời điểm đồng tiền số Pi Network chính thức được niêm yết trên các sàn, từng lập đỉnh ở mức 2,2 USD/Pi thì nay giá trị 1 đồng Pi hiện chỉ còn 0,86 USD/Pi (ghi nhận vào đúng 20h ngày 20-2 trên sàn OKX).

Giá trị đồng Pi trên các sàn chính thức niêm yết (OKX, MEXC, Gate hay Bitget) như không đứng yên giây nào. Liên tục trong một thời gian dài, phóng viên ghi nhận hiện tượng đồng Pi trồi ba giá thì lập tức sau đó sụt bảy, tám giá.

Nhộn nhịp mua bán Pi, bán điện thoại, đồ ăn trả tiền bằng Pi, liệu có phạm pháp? - Ảnh 2.

Từng lập đỉnh ở mức 2,2 USD/Pi thì nay giá trị 1 đồng Pi hiện chỉ còn 0,86 USD/Pi (ghi nhận vào 20h ngày 20-2 trên sàn OKX) - Ảnh chụp màn hình

Dù liên tục sụt giá, tổng khối lượng giao dịch đồng Pi trên toàn cầu đạt mức kỷ lục, khoảng nửa tỉ đô la - khoảng 13.000 tỉ đồng.

Đặc biệt, trên khắp cõi mạng, "Pi thủ" vẫn liên tục đăng bài mua - bán đồng tiền ảo này.

Tại nhóm Facebook Pi Network Viet Nam, hàng loạt tài khoản liên tục đăng bài có chung nội dung muốn mua Pi. Minh chứng độ "hot" của đồng tiền ảo này, nhiều người sẵn sàng trả tiền trước rồi mới nhận Pi, bất chấp không biết người bán đang ở đâu, là ai.

Lượng người muốn bán trao tay đồng Pi này cũng nhiều vô kể.

Đổi iPhone 16, mua lẩu, mua đồ ăn vặt trả Pi thay tiền

Vô số hội nhóm trên mạng xã hội liên quan đến đồng Pi Network thu hút đông thành viên là "Pi thủ". Nhưng trong số đó, không ít hội nhóm lập ra chỉ để bán hàng, bán từng nồi lẩu, phần đồ ăn vặt, ly trà sữa nhưng thanh toán bằng… Pi.

Theo quan sát, nhóm "Cộng đồng mua bán trao đổi Pi Network" không thiếu các bài đăng có nội dung bán hàng chấp thuận thanh toán hoàn toàn 100% bằng đồng Pi.

Mua bán đồng Pi công khai, bán đồ ăn trả tiền bằng Pi liệu có phạm pháp? - Ảnh 3.

Không phải đợi đến khi đồng Pi được niêm yết trên các sàn thì xu hướng bán hàng, thanh toán bằng Pi mới xuất hiện.

Vào ngày 17-2, tài khoản Ng. Q. đăng ở nhóm trên một bài viết "Nhận trao đổi 100% Pi Network. Đầy đủ các dòng iPhone - iPad - MacBook và một số dòng Samsung đời cao. Có từ Xsmax đến 16Promax. Ae (anh em - PV) cần trao đổi liên hệ trực tiếp mình tư vấn". Kèm bài viết là hình ảnh một loạt điện thoại iPhone rất bắt mắt.

Tại một hội nhóm khác liên quan đến đồng Pi, một tài khoản nữ cũng đăng bài bán đồ ăn vặt, trà sữa… "nhận thanh toán bằng Pi nha mọi người".

Các bài đăng bán lẩu, điện thoại, thậm chí cả xe máy… và chấp thuận thanh toán hoàn toàn 100% giá trị, quy đổi sang đồng Pi cũng xuất hiện đầy ở các hội nhóm mạng.

Mua bán đồng Pi công khai, bán đồ ăn trả tiền bằng Pi liệu có phạm pháp? - Ảnh 4.

Một bài đăng bán hàng, chấp thuận việc thanh toán bằng Pi trên mạng - Ảnh chụp màn hình

Pháp luật quy định ra sao?

Trò chuyện cùng Tuổi Trẻ Online, luật sư Diệp Năng Bình (trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật) cho hay hiện pháp luật Việt Nam chưa ban hành quy định cụ thể về định nghĩa "tiền ảo". Khoản 2 điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Khoản 10 điều 3 nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về những phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán hợp pháp tại Việt Nam gồm: séc, lệnh chi; ủy nhiệm chi, nhờ thu; uy nhiệm thu, thẻ ngân hàng (bao gồm thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước), ví điện tử cùng các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Theo khoản 11 điều 3 nghị định 52/2024/NĐ-CP, những phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc những dịch vụ thanh toán trên. Như vậy tiền ảo không được xem là tiền tệ và không được phép sử dụng để thanh toán trong các giao dịch mua bán, thanh toán.

Theo khoản 6 điều 26 nghị định 88/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi điểm d khoản 15 điều 1 nghị định 143/2021/NĐ-CP, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệuđồng.

Còn theo Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, việc phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp có thể bị xử lý hình sự về tội "vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng". Với khung hình phạt từ phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Mức cao nhất là phạt tù từ 12 đến 20 năm.

"Tuy nhiên hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có một quy định cụ thể nào nghiêm cấm việc mua bán tiền điện tử thông qua các giao dịch điện tử, mà chỉ quy định chế tài xử phạt đối với hành vi sử dụng tiền ảo như một phương tiện thanh toán. Vậy nên việc mua bán tiền ảo vẫn chưa phải là một hành vi vi phạm pháp luật", luật sư Diệp Năng Bình thông tin.

Theo luật sư, ngày càng có nhiều người và nhà đầu tư quan tâm và đầu tư vào các loại tiền ảo. Tuy nhiên phải làm rõ đầu tư tiền ảo sẽ có những rủi ro.

Thứ nhất là quy định pháp luật về tiền ảo gần như không có. Loại tiền này không được phát hành bởi bất kỳ quốc gia hay Chính phủ nào và cũng không có tổ chức trung gian đứng ra bảo lãnh. Việt Nam không coi tiền ảo là tiền tệ và phương tiện thanh toán hợp pháp.

Thứ hai là rủi ro về mặt kỹ thuật khi sàn giao dịch tiền ảo có thể bị "sập" bất cứ lúc nào mà nhà đầu tư không thể nào kiểm soát được.

Thứ ba là rủi ro về giá trị đồng tiền. Tiền ảo có mức biến động mạnh khiến giá trị có thể tăng giảm rất lớn.

"Người dân và các nhà đầu tư khi tham gia đầu tư vào bất kỳ loại tài sản hay sàn giao dịch nào cũng cần đặc biệt cẩn trọng và xem xét các phương diện pháp lý trước khi quyết định đầu tư. Các vấn đề xoay quay quy định pháp luật là một vấn đề quan trọng nhưng thường bị người dân và các nhà đầu tư bỏ qua, do họ thường chỉ tập vào lợi nhuận thu về lớn thay vì những hậu quả có thể xảy ra nếu việc đầu tư không được pháp luật bảo vệ", ông Bình nói thêm.

Mua bán đồng Pi công khai, bán đồ ăn trả tiền bằng Pi liệu có phạm pháp? - Ảnh 5.Ào ạt bài đăng 'Pi thủ' dặn nhau né và tố lừa đảo với miếng mồi 72.000 đồng/Pi

Các hội nhóm "Pi thủ" online tại Việt Nam liên tiếp đăng bài về các vụ lừa đảo giữa người mua và bán đồng tiền ảo Pi Network. Khởi nguồn cho việc này là các thông báo từ đội ngũ Pi Network, sàn giao dịch điện tử Binance về việc niêm yết đồng tiền ảo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp