Ở miệt mà nước lên đồng quá ngực như TP Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), gà vừa mới gáy canh tư đã có người lụi cụi xách giỏ, chạy xe dọc các xóm chuyên làm nghề cá để chờ mua.
Nhộn nhịp mua cá giấc nửa đêm
Tầm 3h sáng, dọc xóm Việt kiều Campuchia ở phường An Bình B (TP Hồng Ngự) tiếng vỏ lãi composite ì ạch dưới những cánh đồng ngập nước báo hiệu đêm đi chài của người dân đã kết thúc.
Cách đó chừng 500m, tiếng đò đưa những người đầu tiên qua kênh Trung Ương đến xóm chài Việt kiều cũng rõ dần. Đa phần người dân ở xóm chài này đánh bắt từ chiều cho tới rạng sáng, họ vừa về là bàn giao lại cho người nhà lựa cá để đi nghỉ ngơi.
Hễ nhà nào mở đèn hoặc hé cửa là lái mua tự biết hôm đó có cá sẽ ghé vào. Cũng có nhiều người đi chài về chưa vội nghỉ ngơi mà tập trung lại cùng nhau pha ấm trà, ngồi "nói dóc" chờ người cân cá tới coi giá cả ra sao mới an tâm đi ngủ.
Mẹ con bà Nguyễn Thị Thơ (65 tuổi) thường sẽ là lái tới sớm nhất. Mẹ con bà đã quá quen mặt với người dân trong xóm, mùa nắng bà đi mua ốc, mùa nước nổi này thì tập trung mua cá.
Bà Thơ chia sẻ: "Nhà tui tuốt trên kia, tầm 2h chạy xuống đây, chờ đò các thứ nữa tầm 4h là có mặt ở xóm này. Tui thu mua cá gần 3 năm nay rồi, đa phần ở đây đều là mối của tui hết ráo".
Tới đầu xóm, bà giao cậu con trai chạy chiếc xe máy cũ gắn hai cái cần xé hai bên đi phía sau. Bà đi trước, nói vọng vào ngôi nhà đầu tiên: "Nay có cá mắm gì hông tụi mầy?". Ở trong cũng í ới ra: "Dạ nay rằm, hổng có đi bắt thím ơi!"
Theo bà Thơ, nhiều người Việt kiều Campuchia ở xóm này ăn chay, rằm họ sẽ nghỉ một hôm, có cá rọng bên trong cũng không bán, để dành cho ngày hôm sau. Có những nhà gọi không ai trả lời, bà Thơ vào thẳng để gõ cửa vì sợ họ ngủ quên.
"Phải gõ cửa chừng nào họ trả lời thì thôi. Tại có nhiều người đi chài đêm về mệt quá ngủ quên, để tới sáng hôm sau cá chết ngộp thì tội họ. Mà hổng chết để lỡ chợ sáng bán cũng không có giá nữa đâu", bà Thơ giải thích.
Bà Thơ đi chưa được nửa xóm thì phía sau tiếng xe của anh Nguyễn Văn Điện (39 tuổi) cũng chạy tới mua cá. Ở đây thương lái không giành giật nhau để mua, họ đều có mối sẵn.
Anh Điện nói: "Tui đi giờ này mua của mấy người về trễ, bà Thơ mua về bỏ cho mối ở chợ nên đi sớm. Tui mua ít hơn về cho vợ bán kiếm lời nên giấc nào đi cũng được hết".
Lái mua cá đi tới đâu ánh đèn sáng rực tới đó. Từ đèn đội đầu, đèn pin cầm tay và cả bóng điện trước nhà cùng tiếng cười nói rôm rả khiến xóm chài nghèo trở nên nhộn nhịp dù mặt trời còn chưa ló rạng.
Cá tươi về phố
Tầm 5h sáng, mẹ con bà Thơ đã mua được hơn gần một cần xé, bà chủ yếu lựa cá đẹp, cá ngon để về giao cho mối. Còn anh Điện thì mua sạch sành sanh, cá chết cá sống gì cũng lấy.
Người dân xóm này chủ yếu chài được cá mè vinh có giá tầm 30.000 đồng/kg, cá linh cũng không còn được giá như đầu mùa, chỉ tầm 50.000 đồng/kg. "Có giá nhất là cá chạch, tui mua cả trăm rưỡi một ký mà kiếm không ra đó", bà Thơ nói.
Mặt trời lấp ló bên bờ ruộng trắng nước cũng là lúc mẹ con bà Thơ tranh thủ chạy ngược về Hồng Ngự giao cá.
Anh Điện cũng chạy đưa cá về cho vợ kịp mang ra chợ Tân Hồng (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) bán.
Song phiên chợ của xóm chài này vẫn chưa kết thúc. Trời hửng sáng thì tới lượt anh Bùi Văn Cường chạy chiếc xe cà tàng kéo chiếc thùng lớn phía sau để mua cá mồi (cá chết cho cá lớn ăn - PV).
Loại cá này có giá khá rẻ, như cá linh đã chết anh Cường chỉ thu với giá khoảng 5.000 đồng/kg. Cá lớn hơn như rô phi, mè vinh chết ngộp cũng dao động từ 7.000 - 9.000 đồng/kg.
"Cá này chủ yếu mua về giao lại cho mấy bè nuôi cá lớn chứ đâu ăn uống gì được. Tại năm nay cá nhiều nó mới rẻ vậy, chứ mọi năm cá ít thì giá nhỉnh hơn. Cầm theo 3 triệu là đủ mua cá mồi hết xóm này rồi", anh Cường cười nói.
Dù giá rẻ nhưng theo chị Phạm Thị Liên (40 tuổi, ngụ TP Hồng Ngự), có người mua là quý lắm rồi. "Nhiều khi mình rọng không kỹ khiến cá chết. Không có người mua, đem vứt uổng lắm", chị Liên nói.
Như chị Liên hôm nay bán cả cá tươi lẫn cá mồi được gần 200.000 đồng. Chị nói với giọng buồn buồn: "Nay là huề vốn tiền xăng đó, tại vợ chồng tui đi đồng xa, đi từ hồi 5h chiều tới 3-4h sáng mới về. Kiếm 200.000 đồng này cực lắm chứ chẳng chơi đâu".
Năm nào cũng vậy, từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch là khoảng thời gian xóm chài này nhộn nhịp nhất.
Không còn cảnh người dân lội bì bõm bắt ốc cả ngày có mấy chục ngàn, những đứa trẻ đen nhẻm cũng có thêm hộp sữa, cục kẹo nhờ con nước lên đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận