Gián điệp mạng là một vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc - Ảnh: AFP
Theo báo Finnancial Times, trong cáo trạng công bố hôm đầu tuần, các công tố viên liên bang ở Pittsburgh cáo buộc ba công dân Trung Quốc, núp dưới danh nghĩa công ty an ninh mạng Boyusec, đã tấn công và ăn cắp nhiều dữ liệu nhạy cảm của 3 công ty Mỹ gồm: gã khổng lồ công nghiệp Siemens Industry, hãng phân tích kinh tế Moody's và công ty định vị GPS Trimble.
Công ty công nghệ thông tin Boyu Quảng Châu, có trụ sở tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và thường được biết đến với tên gọi Boyusec.
Ba người Trung Quốc gồm Wu Yingzhuo (Ngô Anh Trác), Dong Hao (Đổng Hao) - đồng sáng lập Boyusec và Xia Lei (Hạ Lôi) - nhân viên công ty này. Trong quá trình bị điều tra, Boyusec đã giải thể hồi đầu tháng 11 vừa qua.
Theo bản cáo trạng, những người này đã đột nhập hệ thống thư điện tử của Moody's Analytics vào năm 2011 nhằm tiếp cận các thư điện tử của một chuyên gia kinh tế cấp cao thuộc Moody's mà AFP cho là trùng khớp với thông tin của nhà kinh tế trưởng Mark Zandi.
Cũng theo bản cáo trạng này, năm 2014, ba đối tượng trên đã đột nhập vào mạng lưới máy tính của Siemens, lấy trộm một lượng lớn dữ liệu từ hoạt động kinh doanh vận tải, năng lượng và công nghệ của tập đoàn.
Còn trong giai đoạn năm 2015 - 2016, những người này đã trộm phần cứng mới được phát triển và thông tin phần mềm từ hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu mới được công ty Trimble thiết kế.
Các công tố viên Mỹ không nhắc đến mối liên hệ giữa Boyusec và Chính phủ Trung Quốc trong bản cáo trạng, khác với tiền lệ vụ án hồi năm 2014 - khi đó FBI cho đăng hình truy nã các tin tặc Trung Quốc trong đồng phục quân đội.
Tuy nhiên, nhiều bằng chứng và nghiên cứu công bố bởi giới an ninh mạng Mỹ cho thấy Boyusec có liên hệ với Bộ Công an Trung Quốc và là lớp vỏ bọc cho gián điệp mạng.
Có rất nhiều bằng chứng chỉ ra những người này có liên hệ với Chính phủ Trung Quốc"
Ông John Hultquist, giám đốc phân tích của công ty bảo mật FireEye
Nhưng dù thân thế nhóm tin tặc tương đối rõ ràng, các quan chức Mỹ chỉ mô tả đây là một vụ án hình sự bình thường, tránh cụm từ "tình báo Trung Quốc".
Theo giới quan sát, có một số lý do giải thích cách tiếp cận thận trọng của Bộ Tư pháp Mỹ: (1) Có thể bằng chứng liên kết Boyusec và Chính phủ Trung Quốc không đủ mạnh, hoặc quá nhạy cảm để công bố trước tòa; (2) Washington và Bắc Kinh đang cố bắt tay giải quyết vấn đề Triều Tiên, do đó Mỹ không muốn làm căng.
Ông David Hickton, cựu công tố viên Mỹ chỉ đạo cuộc điều tra năm 2014, nhận xét cáo trạng mới của chính quyền là "sự tiếp nối của chiến dịch đã khởi động" nhằm thực thi luật pháp trong không giản ảo.
"Trong nền kinh tế toàn cầu, chúng ta phải bảo vệ các phát minh và nghiên cứu. Chúng ta không thể để chúng bị đánh cắp bởi các phương tiện ảo" - vị quan chức nhấn mạnh, cũng tránh không dùng từ "Trung Quốc".
Năm 2015, tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được thỏa thuận về việc cấm hai bên đánh cắp thông tin sở hữu trí tuệ của nhau vì lợi ích doanh nghiệp trong nước. Theo các chuyên gia tình báo và công nghiệp Mỹ, kể từ thời điểm đó, hoạt động này đã giảm mạnh song không chấm dứt hẳn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận