Một bệnh nhân ngộ độc rượu nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: BÍCH NGỌC
Theo đó, vào ngày 3-8, khoa hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận hai thanh niên tên P.P.V. (27 tuổi, trú thôn Phước Điền, xã Phước Đồng, TP Nha Trang) và P.V.T. (31 tuổi, trú xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa).
2 người này nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Nhân viên y tế đã tích cực cứu chữa bằng nhiều phương tiện hồi sức tích cực nhưng do ngộ độc rượu nặng, hai bệnh nhân trên đã rơi vào tình trạng nguy kịch.
Sau đó 2 bệnh nhân được chuyển đến điều trị tại khoa hồi sức tích cực chống độc và vẫn đang trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy, huyết áp tụt nặng khó kiểm soát… hiện đang được các bác sĩ, nhân viên y tế theo dõi các biến chứng, chăm sóc sức khỏe.
Ngoài 2 bệnh nhân trên, còn có 2 thanh niên trong nhóm cũng bị ngộ độc rượu và đang được điều trị tại Bệnh viện Tâm Trí.
Theo cha một bệnh nhân, nhóm thanh niên trên tự xem hướng dẫn và pha rượu không rõ nguồn gốc trên mạng, họ mua cồn không rõ loại pha với nước thành rượu.
Nhóm này đã pha và uống một lượng lớn rượu liên tiếp nhiều ngày. Sau đó, các thanh niên xuất hiện triệu chứng nôn ói, đau bụng, lơ mơ. Dù người nhà đã phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng khi tới bệnh viện đã ngưng tim, ngưng thở.
Bác sĩ Nguyễn Lương Kỷ - trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa - cho biết: "Methanol được biết đến là loại cồn công nghiệp dùng để tẩy rửa, chế tạo hóa chất, tuyệt đối không được dùng để pha chế làm thực phẩm. Với liều lượng nhỏ có thể gây ngộ độc dẫn tới tử vong".
Bác sĩ Nguyễn Lương Kỷ, trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, nói về tác hại của uống rượu tự pha không rõ nguồn gốc - Video: BÍCH NGỌC
Theo bác sĩ Kỷ, rượu hay cồn (rượu) có nhiều loại bao gồm: ethanol, methanol, etylen glicol, isopropanol,… Methanol có sẵn trên thị trường dưới dạng dung dịch, chất tẩy rửa, chất chống đông vón.
Methanol dễ dàng hấp thụ qua da, phổi và ruột và được chuyển hóa chậm qua gan. Chúng có thể dẫn đến nhiễm toan chuyển hóa, mù lòa, hoặc thậm chí tử vong. Methanol chủ yếu ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương với các triệu chứng: say rượu, buồn ngủ, co giật, hôn mê.
Diễn biến lâm sàng của ngộ độc methanol công nghiệp xảy ra nhiều giờ sau khi uống phải. Liều gây chết người của methanol nguyên chất được ước tính là khoảng 1 đến 2ml/kg. Tuy nhiên, đã có trường hợp mù vĩnh viễn và tử vong với liều lượng thấp tới 0,1ml/kg methanol.
Việc phân biệt methanol và rượu hay cồn y tế (thành phần chính là ethanol) bằng cảm quan bên ngoài là rất khó. Chỉ đến khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc điển hình thì mới khẳng định được việc đã uống phải methanol. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường xuất hiện rất muộn.
Cụ thể, sau khi cồn methanol thâm nhập vào cơ thể, phải mất ít nhất 8 tiếng và đa phần là 1-2 ngày sau thì cơ thể mới xuất hiện các triệu chứng rõ rệt của ngộ độc methanol như: mờ mắt, lơ mơ, lẫn lộn, thở nhanh và thở sâu như bị khó thở, co giật và dần hôn mê.
Nếu uống methanol lượng ít có thể không có triệu chứng nhưng vẫn để lại nhiều di chứng thần kinh: rối loạn ý thức, hôn mê, hội chứng parkinson, thiếu hụt nhận thức, viêm đa rễ thần kinh, teo đĩa thị giác…
"Mặc dù trong thời gian dịch lây lan trong cộng đồng, nhiều khu vực bị phong tỏa, một số người có thói quen uống bia rượu sẽ rất khó khăn khi mua bia rượu nên sẽ nghĩ ra cách pha chế các loại rượu cồn này. Vì vậy chúng tôi khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng phương pháp này vì nó gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe", bác sĩ Kỷ nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận