Phần trình diễn những tác phẩm cổ nhạc, hay tác phẩm được các nhạc sĩ sáng tác hoặc biên soạn cho nhạc cụ dân tộc của nhóm Hy vọng được khán giả đón nhận nồng nhiệt - Video: NGỌC DIỆP
Chiều 4-7, chương trình Thanh âm hy vọng đã giới thiệu đến khán giả nhóm nhạc Hy vọng, tập hợp những nghệ sĩ khiếm thị tài năng chuyên về nhạc cụ dân tộc được đào tạo bài bản tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ, Hà Nội), nhóm Hy vọng trình diễn những tác phẩm cổ nhạc, tác phẩm được các nhạc sĩ sáng tác hoặc biên soạn cho nhạc cụ dân tộc, cuối cùng là phần hòa tấu nhạc đương đại.
Trong phần cuối, ngoài một liên khúc các ca khúc dân ca của vùng Đông Nam Á, là liên khúc hai ca khúc Việt được giới trẻ yêu thích như Sóng gió của (JACK x K-ICM), Từ đó của Phan Mạnh Quỳnh.
Đây là phần "giá trị gia tăng", cho thấy sự nhanh nhạy bắt kịp thời cuộc của nhóm Hy vọng.
Cây sáo của nhóm Hy vọng là Nguyễn Văn Linh dù bị suy thận vẫn kiên trì theo đuổi đam mê âm nhạc. Anh nói âm nhạc chính là liều thuốc xoa dịu tâm hồn anh - Ảnh: NGỌC DIỆP
Tài năng của nhóm vẫn tỏa sáng nhất ở những tác phẩm cổ nhạc và các ca khúc dân gian được biên soạn cho nhạc cụ dân tộc như Lưu thủy, Kim tiền, Xuân phong, Long Hổ; Quê ta, Cung đàn đất nước; Rặng tre trước gió; Hoa thơm bướm lượn…
Chương trình trở nên thú vị hơn khi những người yêu dân ca như họa sĩ Vũ Đình Tuấn và nhà văn Lê Xuân Khoa lên hát liên khúc Hát ru Bắc Bộ và Tiếng Việt (Nguyễn Lê Tâm, phỏng thơ Lưu Quang Vũ) cùng với nhóm nhạc Hy vọng.
Giáo sư, nghệ sĩ piano Tôn Thất Triêm - 'cha đẻ' của nhóm Hy vọng - cho biết dù nhóm đã được nhiều đại sứ quán mời đến biểu diễn nhưng số lượng buổi biểu diễn chưa nhiều đủ để nhóm Hy vọng có thể sống được bằng nghề.
"Để duy trì nhóm cực kì khó khăn, có được một buổi biểu diễn như hôm nay là rất khó. Chỉ có một số bạn may mắn trong nhóm có được việc làm ổn định, còn hàng ngày phải vật lộn kiếm sống. Nhưng họ nghị lực lắm, có cháu đã tự học được tiếng Anh, tiếng Pháp nói thành thạo", giáo sư Tôn Thất Triêm chia sẻ.
Cây sáo của nhóm Hy vọng là Nguyễn Văn Linh còn rất trẻ. Đang học trong Học viện Âm nhạc quốc gia, Linh phát hiện bị suy thận. Hiện Linh phải chạy thận một tuần ba lần nhưng anh vẫn nỗ lực từng ngày để tiếp tục theo đuổi đam mê âm nhạc. Tiếng sáo tình cảm, da diết của Linh đã chinh phục khán giả trong buổi diễn.
Theo sát nhóm vào những ngày đầu, giáo sư Tôn Thất Triêm vẫn đau đáu cho từng số phận trong nhóm. Ông vẫn mong mỏi xã hội dần tiến bộ sẽ có những chính sách tốt hơn hỗ trợ những người khiếm thị để họ có cuộc sống đỡ vất vả hơn.
Chương trình Thanh âm Hy vọng do CLB Đình làng Việt phối hợp với Ban quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận