16/12/2024 08:50 GMT+7

Nhóm hoạt động bảo kê mặt biển hoạt động và đưa hối lộ ra sao?

Phạm Minh Quyết thành lập băng nhóm gồm các đàn anh, đàn chị có 'máu mặt' trong và ngoài địa phương để sẵn sàng xử lý ngư dân trên biển không nghe lời. Mặt khác, Quyết còn đưa hối lộ với quan chức để được bảo kê. Thủ đoạn nhóm này ra sao?

Nhóm hoạt động bảo kê mặt biển hoạt động và đưa hối lộ ra sao? - Ảnh 1.

Bị can Phạm Minh Quyết bị truy tố 2 tội danh "gây rối trật tự công cộng" và "đưa hối lộ" - Ảnh: VĂN VŨ

Ngày 16-12, tin từ Viện kiểm sát nhân dân huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang cho biết đơn vị này đã hoàn tất cáo trạng truy tố 14 bị cáo về tội "đưa hối lộ", "môi giới hội lộ", "nhận hối lộ" và "gây rối trật tự công cộng" trong đường dây bảo kê mặt biển xôn xao dư luận tại Kiên Giang vừa qua.

Chủ mưu cầm đầu đường dây bảo kê mặt biển từ huyện An Minh đến huyện Kiên Lương là bị can Phạm Minh Quyết (40 tuổi, ngụ xã Vân Khánh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang). Dưới Quyết có hàng chục đàn em "có máu mặt" trong và ngoài địa phương, sẵn sàng thanh toán với nhóm khác.

Băng nhóm bảo kê trên biển ra sao?

Từ giữa năm 2023, trên vùng biển thuộc huyện An Minh có nhiều nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là sò lụa xuất hiện nhiều, cũng là thời điểm nhiều người dân ở các địa phương khác nhau tập trung về đây khai thác. 

Kể từ đây, nhiều nhóm xuất hiện tranh giành địa bàn khai thác, mua bán, bao chiếm mặt nước biển dẫn đến mâu thuẫn đánh nhau làm tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện An Minh rất phức tạp. 

Trong đó nổi lên nhóm phạm tội do Phạm Minh Quyết cầm đầu.

Từ tháng 10-2023, Phạm Minh Quyết thuê nhà tại xã Tân Thạnh, huyện An Minh, rủ các đồng bọn gồm: Thái Quốc Tịnh, Phạm Minh Xia, Đặng Văn Thắm thu mua các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ để bán lại cho các đầu nậu để kiếm lời. 

Đáng chú ý, Phạm Minh Quyết tập hợp nhiều đàn em có "máu mặt" tại địa phương gần 20 người. Quyết sử dụng ghe câu mồi, liên kết với những ngư dân làm nghề đánh câu kiều, lú dây để bao chiếm mặt nước biển. 

Nếu người dân muốn khai thác hải sản phải được sự đồng ý của Quyết và bán toàn bộ hải sản khai thác được cho Quyết. Từ đây xảy ra nhiều việc mâu thuẫn với các nhóm khai thác và làm ăn mua bán trên biển.

Điển hình, vào khoảng 10h ngày 21-2, tại xã Vân Khánh, huyện An Minh, anh Võ Thanh Tùng livestream nói Quyết và đàn em cướp bãi rồi lên mạng xã hội phát trực tiếp. 

Sau đó Phạm Minh Quyết kéo theo hơn 10 đàn em cầm theo hung khí, nón bảo hiểm, khúc tràm… rượt đuổi, đánh anh Võ Thanh Tùng làm náo loạn, gây hoang mang lo sợ và ùn tắc giao thông.

Nhóm hoạt động bảo kê mặt biển hoạt động và đưa hối lộ ra sao? - Ảnh 2.

Bị can Dũng (phải) và Ngạn bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi "môi giới hối lộ" - Ảnh: VĂN VŨ

Đưa hối lộ để lấy lịch kiểm ngư tuần tra

Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng xác định ngoài hành vi phạm tội "gây rối trật tự công cộng" đã khởi tố bị can, còn thấy Phạm Minh Quyết và những đồng phạm khác đã thực hiện hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ và nhận hối lộ.

Cụ thể, hằng năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang có văn bản quy định cấm đánh bắt nhuyễn thể hai mảnh vỏ từ tháng 6 đến tháng 12. 

Thời gian này lực lượng kiểm ngư tỉnh Kiên Giang, lực lượng biên phòng tỉnh và nhiều lực lượng chức năng khác sẽ tổ chức tuần tra, kiểm soát thường xuyên tại vùng biển tỉnh Kiên Giang. 

Đồng thời, thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ kiểm tra trực tiếp tại các bến, bãi lên hàng thu mua sò lụa trên địa bàn các huyện ven biển. Nếu chưa đạt kích thước khai thác sẽ cấm đánh bắt.

Quá trình mua bán và hoạt động trên vùng biển, Phạm Minh Quyết quen biết với bị can Nguyễn Thái Ngạn (thường gọi là Long) làm nghề cào sò lụa tại huyện Kiên Lương. Sau nhiều lần mua bán và nói chuyện làm ăn qua lại, qua lời giới thiệu của Ngạn nên Quyết biết được Trần Thanh Liêm (thanh tra viên công tác tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Đầu tháng 12-2023, Ngạn nói với Quyết là có một người quen có thể tác động với lực lượng kiểm ngư hạn chế tuần tra ở vùng biển đang khai thác. Người này có thể biết được lịch trình tuần tra, di chuyển của các tàu kiểm ngư. 

Từ đó có thể giúp việc khai thác sò lụa trái phép, nên ngỏ ý rủ Quyết hẹn gặp Trần Thanh Liêm để nhờ giúp đỡ.

"Mục đích thông qua Trần Thanh Liêm để biết được lịch tuần tra của lực lượng kiểm ngư và tác động đến lực lượng kiểm ngư hạn chế tuần tra trên vùng biển huyện An Minh, hoặc tuần tra trái vùng để các ghe cào lụa được khai thác trái phép thì Phạm Minh Quyết đồng ý", cáo trạng nêu.

Sau đó, Ngạn điện thoại cho Trần Thanh Liêm hẹn gặp tại quán cà phê TH thuộc phường An Bình, TP Rạch Giá nói về vụ của Quyết nhờ. 

Tại đây, Ngạn trực tiếp nói chuyện với Liêm việc Quyết muốn nhờ để biết được lịch tuần tra của lực lượng kiểm ngư, và tác động đến lực lượng kiểm ngư hạn chế tuần tra trên vùng biển huyện An Minh để các ghe cào sò lụa được khai thác trái phép.

Nhóm hoạt động bảo kê mặt biển hoạt động và đưa hối lộ ra sao? - Ảnh 3.

Bị can Trần Thanh Liêm - cựu thanh tra viên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang - thừa nhận đã nhận hối lộ 3 lần - Ảnh: VĂN VŨ (tư liệu)

Hai bên ngồi nói chuyện khoảng 15 phút thì Trần Thanh Liêm đồng ý và ra về. Lúc này, Quyết lấy trong túi ra một phong bì bên trong có chứa 20 triệu đồng đưa cho Ngạn để đưa cho Trần Thanh Liêm. Sau đó Ngạn mời Liêm đi nhậu nhưng Liêm từ chối không đi. 

Ngạn và Quyết đi nhậu cùng với Phạm Thành Lập là cán bộ tàu kiểm ngư 01 thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Môi giới hối lộ cho quan chức

Cuối tháng 12-2023, Liêm điện thoại muốn Quyết giúp cho bị can Nguyễn Tấn Dũng (anh vợ bà con của Liêm) được sử dụng 2 tàu cào lụa đánh bắt tại vùng biển huyện An Minh. Hai tàu của Dũng sẽ tuân theo quy luật của Quyết là phải bán toàn bộ hải sản đánh bắt được cho Quyết. 

Tuy nhiên, tàu biển của Dũng đánh bắt tại vùng biển huyện An Minh thì có lực lượng kiểm ngư tuần tra tại đây nên tất cả các tàu đánh bắt sò lụa tại vùng biển này phải ngừng việc đánh bắt.

Lúc này Dũng điện cho Quyết hỏi tình hình trên biển và ngỏ ý với Quyết sẽ liên hệ với người có thẩm quyền, cụ thể là Trần Thanh Liêm có thể chi phối lực lượng kiểm ngư rời khỏi vùng biển này. Hằng ngày phải đưa cho Liêm 10 triệu đồng.

Khoảng một giờ sau, Dũng thông báo lịch tuần tra của kiểm ngư 2 ngày là 20 triệu đồng, Quyết đồng ý chuyển để đưa cho Liêm. Sau đó, Dũng về Kiên Lương gặp và đưa cho Liêm 10 triệu đồng, còn lại 10 triệu bị can Dũng mượn của Liêm để sửa máy.

Ngày 18-1, lực lượng kiểm ngư tiếp tục tuần tra trên vùng biển huyện An Minh, các ghe cào lụa không thể cào được. Lúc này, Quyết tiếp tục điện cho Dũng nhờ Liêm để lực lượng kiểm ngư kết thúc tuần tra tại vùng biển huyện An Minh. 

Nhưng Dũng cho biết lịch tuần tra của kiểm ngư là 3 ngày và yêu cầu Quyết chuyển số tiền 30 triệu đồng. Nhận tiền xong, Dũng nhắn tin thông báo Liêm biết và đến cửa hàng điện thoại di động sử dụng dịch vụ chuyển tiền vào số tài khoản Liêm số tiền 30 triệu đồng.

Tại cơ quan điều tra, bị can Trần Thanh Liêm khai nhận thông qua bị can Nguyễn Thái Ngạn và bị can Nguyễn Tấn Dũng nhận tiền 3 lần tổng cộng là 55 triệu đồng.

Nhóm hoạt động bảo kê mặt biển hoạt động và đưa hối lộ ra sao? - Ảnh 4.Bắt thêm bị can thứ 21 liên quan đến bảo kê mặt biển ở Kiên Giang

Công an tỉnh Kiên Giang đã tống đạt quyết định bắt tạm giam thêm bị can liên quan đến hoạt động bảo kê mặt biển, làm xôn xao dư luận vừa qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp