Phóng to |
Những thành viên có nhiệm vụ đánh bom liều chết của Hamas |
Hamas là chữ viết tắt từ cụm từ Ảrập Harakat al-Muqawamah al-Islamiyya. Nguồn gốc tư tưởng và tổ chức của Hamas có thể được tìm thấy trong phong trào Hội bằng hữu Hồi giáo (MB) ra đời từ thập kỷ 20 ở Ai Cập, sau đó trỗi dậy trong thập kỷ 60, 70 trong khắp thế giới Ảrập mà mạnh nhất là tại Jordan và Ai Cập.
Thực ra, những hoạt động ban đầu của Hamas đã được thủ lĩnh Hồi giáo Ahmed Yassin đăng ký một cách hợp pháp ở Israel từ năm 1978 dưới danh nghĩa là một hiệp hội đạo Hồi mang tên Al-Mujamma Al Islami. Tổ chức này đã nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng và giành được sự ủng hộ của nhiều người thông qua các hoạt động tuyên truyền và xã hội.
Tháng 8/1988, Ahmed Yassin cho xuất bản cuốn "Thỏa ước Hồi giáo" được coi như cương lĩnh tư tưởng, biểu thị chính sách và tất cả mức độ đấu tranh của một tổ chức chiến binh mới ra đời mang tên Phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas. Hiện ông Ahmed Yassin vẫn được coi là vị thủ lĩnh tinh thần của tổ chức này.
Hamas chống lại cả chính quyền Israel lẫn tổ chức giải phóng Palestine PLO của ông Yasser Arafat. Hamas thách thức tuyên bố của PLO về việc họ là đại diện hợp pháp duy nhất của người Palestine. Tuy nhiên, Hamas lại không kêu gọi loại bỏ PLO ra ngoài chính trường.
Ngay từ đầu, Ahmed Yassin đã hướng cho Hamas trở thành một tổ chức hoạt động ngầm. Ông chia Hamas thành các bộ phận khác nhau tuỳ theo lĩnh vực hoạt động và chỉ sử dụng mật mã trong liên lạc giữa các bộ phận này.
Bộ phận vũ trang của Hamas phát triển dần và ban đầu nó bao gồm 2 nhóm độc lập:
1. Lực lượng Thánh binh Palestine Al-Majahadoun Al-Falestinioun. Đây là nhóm chuyên tiến hành các vụ tấn công khủng bố nhằm vào những mục tiêu Israel và những tổ chức đối thủ của người Palestine.
2. Lực lượng An ninh Jehaz Aman có nhiệm vụ thu thập thông tin về những người hợp tác với Israel để trừng trị. Đơn vị này cũng được Ahmed Yassin cùng 2 người khác lập ra.
Về sau, chỉ huy của 2 nhóm trên đề nghị Ahmed Yassin thống nhất để lập ra lực lượng Majd (viết tắt từ cụm từ Ảrập Majmouath Jihad u-Dawa, nghĩa là Nhóm Thuyết giáo và Thánh chiến). Mục tiêu của Majd là tiêu diệt những kẻ "dị giáo" và hợp tác với Israel.
Giai đoạn đầu phong trào nổi dậy lần thứ nhất của người Palestine (thường gọi là phong trào Intifada) năm 1991, bộ phận vũ trang của Hamas tiếp tục có những thay đổi và dần dần trở thành nhóm chiến binh có ảnh hưởng nhất.
Chỉ huy một bộ phận của Hamas ở Dải Gaza là Zaccaria Walid Akel đã lập ra những tiểu đội chiến binh mới. Đây chính là tiền thân của lữ đoàn Izz Al-Din Al-Qassam khét tiếng sau này của Hamas.
Lĩnh vực hoạt động đầu tiên của các tiểu đội do Walid Akel chỉ huy là bắt cóc và bí mật hành quyết những người bị coi là đã hợp tác với Israel. Vụ hạ sát Doron Shorshan tháng 12/1991 là hành động giết hại công dân Do Thái đầu tiên của các tiểu đội Hamas, đánh dấu sự chuyển biến trong hoạt động của tổ chức này.
Hiện nay nhóm quân sự của Hamas thống nhất thành lữ đoàn Izz al-Din al-Qassam, lực lượng tiến hành của hầu hết các vụ tấn công tự sát lớn nhỏ của Hamas kể từ ngày 1/1/1992. Do các hoạt động bạo lực nhằm vào người Do Thái, Hamas đã bị Israel và một số quốc gia phương Tây xếp vào danh sách các nhóm khủng bố quốc tế.
Theo các nhà nghiên cứu tình hình Trung Đông, mục tiêu ngắn hạn hiện nay của Hamas là đẩy quân đội Israel ra khỏi các vùng đất do họ chiếm đóng. Phương pháp hành động là mở các cuộc tấn công tự sát vào các binh sĩ Do Thái và những người định cư Israel. Nhưng mục tiêu tấn công khiến Hamas bị lên án nhiều nhất chính là những thường dân Do Thái vô tội.
Còn mục tiêu dài hạn của Hamas là thành lập một nhà nước Hồi giáo trên tất cả các vùng đất lịch sử của người Palestine. Nhưng đa phần những vùng đất này đã nằm gọn trong lãnh thổ của Israel từ khi quốc gia Do Thái khai sinh năm 1948.
Theo ước tính, Hamas hiện có hàng chục ngàn thành viên và những người ủng hộ. Năm 2002, có tới 40.000 người tham gia cuộc tuần hành ở Gaza để kỷ niệm lần thứ 15 sự ra đời của phong trào Hamas. Tại đây họ đã nghe nhà lãnh đạo tinh thần Ahmad Yassin dự đoán về sự sụp đổ của nhà nước Israel vào năm 2025 thông qua các cuộc tấn công tự sát.
Bên cạnh các cuộc tấn công khủng bố do lữ đoàn Izz al-Din al-Qassam tiến hành, nhóm Hamas còn thực hiện những chương trình xã hội như xây dựng trường học, bệnh viện và các cơ sở tôn giáo cho người Palestine. Hiện nay, các chỉ huy của Hamas vẫn là mục tiêu truy sát hàng đầu của quân đội Israel. Sau mỗi lần mất mát thủ lĩnh, các chiến binh Hamas lại thề sẽ tiến hành những vụ đánh bom tự sát để trả đũa. Sự "ăn miếng trả miếng" đó đã góp phần đẩy Trung Đông vào những vòng xoáy bạo lực không ngừng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận