Hiệu trưởng 7 trường đại học ký thỏa thuận hợp tác về truyền thông sáng 1-4 tại phân hiệu Trường đại học Giao thông vận tải tại TP.HCM - Ảnh: M.G.
Nhóm "G7" gồm bảy trường: Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), Trường đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Trường đại học Xây dựng Hà Nội, Trường đại học Giao thông vận tải, Trường đại học Thủy lợi và Trường đại học Mỏ - địa chất.
Theo thỏa thuận hợp tác này, bảy trường sẽ phối hợp truyền thông các hoạt động chung, hoạt động khoa học công nghệ, xây dựng kênh truyền thông chung cho nhóm trường tiến đến xây dựng trang web chung cho bảy trường....
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ Giáo dục và đào tạo - cho biết truyền thông lâu nay chưa phải là thế mạnh của ngành giáo dục. Ngành làm được rất nhiều việc nhưng chưa được truyền thông đầy đủ trong khi chỉ cần sơ suất nhỏ lại rất được sự chú ý của truyền thông. Do đó, chú trọng và hợp tác trong việc truyền thông của các trường là điều rất cần thiết.
Trong khi đó, ông Mai Thanh Phong - hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho rằng truyền thông mạng xã hội hiện nay rất phát triển và có nhiều thông tin không chính xác. Do đó, bên cạnh các phương tiện truyền thông chính thống, các trường cũng cần phải chú ý đến nội dung truyền thông để cung cấp thông tin chính xác.
Đây là lần thứ ba bảy trường ký kết thỏa thuận hợp tác. Trước đó các trường đã ký kết thỏa thuận hợp tác về xây dựng chương trình đào tạo và thỏa thuận hợp tác về tuyển sinh, đào tạo, chuyển giao công nghệ.
Đến nay, toàn bộ bảy trường đều xây dựng và triển khai đào tạo kỹ sư chuyên sâu đặc thù với 180 tín chỉ. Theo quy định, chương trình đào tạo đại học từ 150 tín chỉ được cấp bằng kỹ sư. Riêng bảy trường này đào tạo 180 tín chỉ. Người tốt nghiệp có thể học chuyển đổi kiến thức qua lại giữa văn bằng kỹ sư và thạc sĩ.
Các chương trình đào tạo sẽ được tổ chức theo hai mô hình chính: mô hình đào tạo với một chương trình tích hợp cử nhân - kỹ sư cho cùng một ngành, cấp bằng cử nhân và kỹ sư cho người tốt nghiệp (chương trình toàn khóa được thiết kế cho thời gian đào tạo 5 năm hoặc 5,5 năm).
Và mô hình đào tạo 2 giai đoạn với 2 chương trình, tương ứng với hai trình độ cử nhân và kỹ sư cho cùng ngành đào tạo hoặc các ngành gần, cấp bằng cử nhân và kỹ sư sau khi kết thúc từng giai đoạn.
Các chương trình đào tạo này sẽ thuận lợi hơn cho việc công nhận tín chỉ, dịch chuyển sinh viên giữa các trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận