11/06/2012 11:34 GMT+7

Nhóm đối lập Syria có lãnh đạo mới

HẢI MINH
HẢI MINH

TTO - Nhóm đối lập chính ở Syria ngày 10-6 đã chọn ông Abdulbaset Sieda, một giáo sĩ người Kurd ôn hòa, làm lãnh đạo mới sau những chỉ trích lãnh đạo cũ, Burhan Ghalioun.

Ông Burhan Ghalioun bị cho là độc đoán, dung túng cho các thế lực Hồi giáo cực đoan.

3EHCBclF.jpgPhóng to

Tân lãnh đạo SNC, Abdulbaset Sieda - ảnh: Getty Images

Hội đồng dân tộc Syria (SNC), nhóm đối lập chính chống chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad ở nước này, thực chất vẫn là một tổ chức lỏng lẻo và bị giằng xé bởi những mâu thuẫn nội bộ, theo bình luận của Reuters. Quyết định chọn ông Sieda, một người sắc tộc thiểu số, để củng cố thêm sự đoàn kết mà tổ chức này đang rất cần.

Trong khi đó, giao tranh tiếp tục diễn ra trong ngày 10-6 giữa các lực lượng chính phủ và quân nổi dậy khiến ít nhất 38 người thiệt mạng ở thành phố Homs, theo đài truyền hình Mỹ Fox News.

Ngoài mâu thuẫn nội bộ, một vấn đề khác với SNC là họ có quan hệ rất lỏng lẻo với Quân đội Syria tự do (FSA), tổ chức quân sự đã tiến hành hầu hết các cuộc đối đầu vũ trang với quân chính phủ. Bản thân FSA cũng không phải là một tổ chức chặt chẽ với sự tập hợp của hàng loạt tay súng địa phương.

Sieda, 56 tuổi, là một chuyên gia về các nền văn minh cổ đại, đã có thời gian dài lưu vong ở Thụy Điển. Ông được lựa chọn sau một phiên họp kéo dài xuyên đêm của SNC ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nhiệm kỳ chủ tịch của ông sẽ chỉ có thời hạn ba tháng. SNC cũng phải tranh thủ hơn nữa sự ủng hộ từ các nước phương tây đang muốn lật đổ ông Assad càng nhanh càng tốt.

Sau khi nhậm chức, ông Sieda nói ưu tiên của ông là mở rộng và cấu trúc lại SNC để thu nạp thêm các thành viên đối lập khác, đặc biệt các nhóm sắc tộc và tôn giáo thiểu số Syria. “Chúng ta đang trong tiến trình sửa chữa quan hệ giữa SNC và các lực lượng bên trong Syria để có thể đạt được một nền tảng chung”, Fox News dẫn lời ông Sieda.

Ngày 10-6, Bộ trưởng ngoại giao Anh William Hague nói ông không loại trừ khả năng can thiệp quân sự ở Syria và cho rằng tình hình tại đó bắt đầu giống với ở Bosnia những năm 1990. Trên kênh truyền hình Sky News, Hague nói thời gian “rõ ràng không còn nữa” để triển khai kế hoạch ngừng bắn của đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Kofi Annan, một kế hoạch lẽ ra phải có hiệu lực từ ngày 12-4, nhưng không được thực thi trên thực tế.

“Tình hình ngày càng giống Bosnia vào những năm 1990, trên bờ vực một cuộc xung đột nội bộ khi các làng mạc bên cạnh nhau tấn công và tàn sát lẫn nhau”, ông Hague nói.

Trong khi đó, Nga nói họ không phản đối việc Tổng thống Assad ra đi nhưng chỉ khi đó là kết quả đối thoại giữa những người Syria với nhau, không phải ý chí áp đặt từ bên ngoài, hãng tin AFP dẫn lời Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov.

“Nếu những người Syria nhất trí với nhau, chúng tôi sẽ hài lòng ủng hộ một giải pháp như thế”, ông Lavrov nói với các phóng viên. “Nhưng chúng tôi tin rằng áp đặt các điều kiện cho một cuộc thương lượng như thế từ bên ngoài là không thể chấp nhận”.

Ông Lavrov dẫn ra trường hợp chuyển giao quyền lực ở Yemen, nơi tổng thống Ali Abdullah Saleh trao lại quyền lực một cách tương đối hòa bình, làm ví dụ về một tiến trình nội bộ không có điều kiện áp đặt từ các phe phái bên ngoài.

Nga và Trung Quốc đã hai lần phủ quyết các nghị quyết do phương tây ủng hộ tại Hội đồng bảo an về Syria.

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp