Liên quan vụ việc nhóm "bông hồng đen" tự ý lấy máu của nhiều học sinh để xét nghiệm, ngày 21-8 lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Phòng cho biết đơn vị này đã có báo cáo ban đầu gửi Sở Y tế TP và Cục Phòng chống HIV/AIDS thuộc Bộ Y tế.
Nhóm đã được cấp phép hoạt động
Nhóm 'bông hồng đen': Được lấy máu người trẻ sử dụng ma túy nhưng lại lấy máu học sinh
Theo CDC Hải Phòng, ngày 18-8 đơn vị này nhận được thông tin liên quan đến hoạt động xét nghiệm HIV tại cộng đồng của nhóm "bông hồng đen" và đã cử cán bộ làm việc với đơn vị quản lý nhóm này là Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI).
Qua làm việc, đã xác định được SCDI do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam thành lập năm 2010 và Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ cùng năm.
Đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS cho hay theo thông tin ban đầu, nhóm "bông hồng đen" có liên kết với SCDI và được hỗ trợ kinh phí. Nhóm "bông hồng đen" hoạt động từ năm 2011, tham gia các dự án về nghiên cứu đánh giá ngăn chặn lây nhiễm HIV.
Thực tế, những nhóm tình nguyện hỗ trợ dự án phòng chống HIV/AIDS hoạt động tại nhiều địa phương.
Theo thông tin của SCDI, năm 2022 có gần 10.000 người được hưởng lợi từ dự án của SCDI triển khai tại Hải Phòng thông qua các dự án nhằm cung cấp dịch vụ dự phòng dựa vào cộng đồng giảm HIV, lao, tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế đối với trẻ em, người có H, vô gia cư, người sử dụng ma túy.
SCDI phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và tổ chức, ban ngành liên quan tại Hải Phòng về phòng chống HIV và lao, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm HIV và thực hiện điều trị, can thiệp sáng tạo phù hợp.
"Bông hồng đen" tổ chức xét nghiệm HIV không đúng đối tượng?
Văn phòng giao dịch của SCDI tại Hải Phòng được thành lập từ năm 2016, do bà Nhâm Thị Tuyết Thanh điều hành.
Hiện tại, trung tâm kể trên đang triển khai dự án "Bảo vệ tương lai - Tăng cường các can thiệp mới dựa vào cộng đồng nhằm kiểm soát lây nhiễm HIV trong nhóm thanh niên sử dụng ma túy tại Việt Nam" theo quyết định ngày 16-12-2020 của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam về việc phê duyệt việc tiếp nhận nguồn vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
Sau đó, trung tâm này có thỏa thuận hợp tác với sáu nhóm (tổng cộng 38 tiếp cận viên), trong đó có nhóm "bông hồng đen" với năm tiếp cận viên, do bà Đinh Thị Út (52 tuổi, trú tại phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng) làm trưởng nhóm.
Theo thỏa thuận hợp tác, nhóm "bông hồng đen" có nhiệm vụ triển khai hoạt động dự án trong nhóm người trẻ sử dụng ma túy ở độ tuổi từ 16 - 24, thời gian triển khai từ tháng 1 đến tháng 12-2023.
Tuy nhiên, UBND quận Đồ Sơn cho biết nhóm này tự ý lấy dịch miệng, máu của hàng trăm cháu học sinh (chủ yếu là bậc THCS) tại quận Dương Kinh, Đồ Sơn và huyện Kiến Thụy để xét nghiệm.
Trong ngày 18-8, khi cơ quan chức năng kiểm tra văn phòng của nhóm này tại địa chỉ số 44 Nguyễn Hữu Cầu, phường Hải Sơn thì phát hiện nhóm đã thực hiện xét nghiệm nhanh lấy dịch miệng một cháu nữ và hai cháu nam, xét nghiệm nhanh lấy máu ngón tay một cháu nữ, tổng cộng có bốn cháu.
Qua xác minh, có ba cháu đang là học sinh lớp 8 (cùng 13 tuổi), còn một cháu hiện chưa xác định được thông tin cá nhân, độ tuổi đều dưới 16 tuổi.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 21-8, ông Phạm Hoàng Tuấn - phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn - cho biết khi làm việc với cơ quan chức năng, bà Đinh Thị Út đã thừa nhận "sai sót" trong việc chưa xác định độ tuổi của khách hàng cũng như xác định đối tượng có phải người sử dụng ma túy hay không.
Ngoài ra, bà Út cho biết mỗi một trường hợp đến tham gia lấy máu xét nghiệm, xét nghiệm kiểm tra HIV sẽ được hỗ trợ chi phí đi lại 100.000 đồng do SCDI chi trả.
Nhân viên cộng đồng có được lấy mẫu xét nghiệm HIV?
Quyết định ban hành hướng dẫn quốc gia xét nghiệm HIV do Bộ Y tế ban hành năm 2018 có quy định rõ hai hình thức xét nghiệm là lấy dịch miệng và lấy máu đầu ngón tay. Việc lấy mẫu xét nghiệm HIV có thể là tự xét nghiệm, do những nhân viên không làm trong phòng xét nghiệm HIV thực hiện, hoặc do nhân viên phòng xét nghiệm thực hiện.
Đối với những nhân viên cộng đồng không làm trong cơ sở y tế, phòng xét nghiệm khi lấy mẫu xét nghiệm HIV phải được tập huấn về xét nghiệm HIV và có thể được lấy mẫu xét nghiệm HIV. Tuy nhiên, việc lấy mẫu bắt buộc phải có mục đích rõ ràng, tư vấn đầy đủ mục đích lấy mẫu, giải thích rõ mục đích lấy mẫu, được sự đồng ý của người được lấy mẫu, đảm bảo lấy mẫu đủ an toàn và riêng tư.
Sau khi có kết quả, cần thông báo lại cho người được lấy mẫu. Nếu kết quả xét nghiệm có phản ứng nghi ngờ nhiễm bệnh cần tư vấn người được lấy mẫu đến cơ sở y tế để xét nghiệm khẳng định HIV theo quy định.
Theo quy định của Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), người đủ 16 tuổi có thể tự tham gia xét nghiệm HIV mà không cần người giám hộ.
Theo CDC Hải Phòng, dự án này của SCDI triển khai tại Hải Phòng nhưng đến nay đơn vị chưa nhận được kế hoạch, văn bản và tài liệu liên quan. Tại buổi làm việc, phía SCDI cũng không cung cấp được văn bản của UBND TP Hải Phòng về việc đồng ý tiếp nhận dự án triển khai tại địa bàn TP.
Đồng thời, quy trình triển khai dự án, hồ sơ giấy tờ của tiếp cận viên tham gia dự án; biểu mẫu và quy trình thực hiện tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng cũng chưa đúng theo quy định Bộ Y tế ban hành...
Do vậy, CDC Hải Phòng đã đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tạm dừng dự án "Bảo vệ tương lai - Tăng cường các can thiệp mới dựa vào cộng đồng nhằm kiểm soát lây nhiễm HIV trong nhóm thanh niên sử dụng ma túy tại Việt Nam" thực hiện tại Hải Phòng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận