23/05/2018 10:14 GMT+7

Nhói lòng những bữa ăn đầy nước mắt của trẻ mầm non

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Hầu hết các vụ bạo hành trẻ em trong các trường, lớp, nhóm trẻ mầm non những năm gần đây đều xảy ra trong bữa ăn. Tại sao như vậy?

Nhói lòng những bữa ăn đầy nước mắt của trẻ mầm non - Ảnh 1.

“Những bữa ăn chan đầy nước mắt” của trẻ nhỏ tại các nhóm trẻ thực sự gây đau đớn cho xã hội - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ

Đáng lẽ bữa ăn phải là những phút giây vui vẻ và hạnh phúc của trẻ thì người lớn lại biến thành một 'cuộc chiến' đáng sợ. Và các bữa ăn chan đầy nước mắt của những bé mầm non chắc chắn sẽ trở thành nỗi khiếp sợ và ám ảnh khó quên đối với các em.

H.HG.

Sáng 21-5, trên mạng xã hội xuất hiện clip và hình ảnh ghi lại cảnh hành hạ trẻ trong bữa ăn tại nhóm trẻ độc lập mẹ Mười, đường Thái Thị Bôi, quận Thanh Khê, Đà Nẵng làm nhiều người phẫn nộ.

"Cuộc chiến" ở trường

Trước đó, đầu năm 2008, cả xã hội bàng hoàng vì clip bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa (Đồng Nai) hành hạ các cháu nhỏ trong bữa ăn một cách tàn nhẫn. Bà Hoa đã đút cơm cho các cháu với "học cụ" là... thước và cái lược nhựa và sẵn sàng ra tay khi trẻ không ăn.

Cuối năm 2013, dư luận một lần nữa dậy sóng khi xem clip giáo viên, bảo mẫu bạo hành trẻ tại nhóm trẻ Phương Anh (Thủ Đức, TP.HCM). Mỗi lần cho học sinh ăn, bà Phương - chủ nhóm trẻ - thường giở các "ngón nghề" hành hạ như lấy khăn bịt mũi, bóp cổ, túm đầu các bé lắc thật mạnh.

Kinh hoàng nhất là hình ảnh một bé gái chưa đầy 1 tuổi gầy gò, xanh xao gào khóc vì bị bà Phương đè đầu, bịt mũi cho uống sữa.

Đầu năm 2017, xã hội lại phẫn nộ tột độ khi những hình ảnh đày đọa học sinh trong bữa ăn ở nhóm trẻ thuộc phường 17, quận Gò Vấp, TP.HCM lan truyền trên mạng. Hai bảo mẫu ở đây bạo hành các bé trong giờ ăn, tìm mọi cách để tống thức ăn vào miệng trẻ.

Và mới đây, PV Tuổi Trẻ đã phanh phui những hành vi tàn bạo, đày đọa trẻ em tại lớp mẫu giáo Mầm Xanh, quận 12, TP.HCM. Trong đó, không ít cảnh bạo hành diễn ra ngay ở bữa ăn.

Clip hành hạ trẻ tại Đà Nẵng được đưa lên mạng

Tại phiên tòa xét xử vụ bạo hành năm 2008, bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa đã thừa nhận các hành vi của mình và giải thích: "Do nóng giận khi các bé quấy khóc, không chịu ăn".

Bà Hoa nói mình chỉ mong muốn các cháu ăn cơm nhiều, không bỏ bữa. Bà nói mình không thù hằn gì các cháu, đa số trẻ được trông coi đều là con cháu trong gia đình và của những người thân.

Tại buổi tọa đàm "Bạo hành - Vì đâu nên nỗi?" do Trường ĐH Sài Gòn, báo Tiền Phong, hệ thống giáo dục Tesla tổ chức mới đây, ThS Phan Thị Thu Hà - hiệu trưởng Trường mầm non Tesla - cho rằng: "Giờ cho trẻ ăn là giờ kinh hoàng đối với nhiều giáo viên, bắt nguồn từ nhu cầu trẻ phải tăng cân mỗi tháng của phụ huynh".

Kinh hoàng không phải ở công đoạn đút ăn, mặc dù ở nhiều trường mầm non một giáo viên có trách nhiệm đút ăn từ 10 - 20 học sinh/bữa.

Cô Nguyễn Thị Lan, nguyên giáo viên mầm non ở TP.HCM, bộc bạch: "Nhiều trẻ không chịu ăn. Có bé không chịu mở miệng khiến giáo viên phải dỗ dành, thậm chí cả dọa nạt, đánh đòn; có trẻ chịu ăn nhưng rồi ói, khi đó giáo viên phải đi lau, dọn, thay đồ cho bé... Có ngày, bữa ăn của trẻ kết thúc trong sự mệt mỏi rã rời của tôi.

Trong tình cảnh đó, nên tôi không tránh khỏi sự cau có, bực bội, quát mắng học sinh. Những lúc ấy, có bé nào lỡ gây những việc chướng tai gai mắt như giành đồ chơi của nhau, đánh nhau hay đi vệ sinh trong quần thì tôi sẽ điên lên, phát cho mỗi bé mấy cái vào mông. Dù bình thường tôi thương các bé như con của mình".

Ngay ở các gia đình cũng có bạo hành trẻ trong bữa ăn. Dĩ nhiên mức độ bạo hành không tàn bạo như các vụ việc mà báo chí phát hiện. Nhưng người bạo hành lại chính là người thân của trẻ. Không phải vì họ không thương con em mình mà vì họ sốt ruột bởi sự tăng cân, họ chịu áp lực từ những người xung quanh...

TS THU HIỀN

Nhói lòng những bữa ăn đầy nước mắt của trẻ mầm non - Ảnh 5.

Hình ảnh ghi lại cảnh hành hạ trẻ tại Đà Nẵng được đưa lên mạng xã hội

"Đổ mồ hôi, sôi nước mắt" cho con ăn

Trong những ngày đi thực tế, chúng tôi đã được nghe khá nhiều câu chuyện về "cuộc chiến" trong bữa ăn của trẻ. Những "cuộc chiến" xảy ra ngay tại gia đình trẻ. Những bà mẹ bị hai bên nội, ngoại chỉ trích "không biết nuôi con" chỉ vì con không tăng cân nhiều như trẻ khác.

Điển hình là câu chuyện của chị N., một phụ huynh trí thức ở nội thành TP.HCM. Chị kể: Bé nhà tôi không được bụ bẫm như nhiều trẻ khác. Tôi nghĩ đó cũng bình thường vì tạng người của ba và mẹ "roi roi" thì con "roi roi" là phải thôi.

Thế nhưng ông bà nội, ngoại chê cháu gầy quá, mẹ không biết nuôi con, để con bị thiếu chất, suy dinh dưỡng... Bé uống sữa này không mập tức là không hợp, phải thay sữa khác...

Dưới sức ép của ông bà hai bên, tôi phải đổi sữa cho con: một loại sữa có tiếng và đắt tiền. Nhưng cứ uống vào là bé bị tiêu chảy. Được vài ngày lại đổi sữa khác, vẫn tiêu chảy. Đổi sữa lần ba rồi lần bốn vẫn không hợp, con tôi gầy rộc đi.

Xót con, tôi cho bé đi bệnh viện. Bác sĩ mắng: "Dùng loại sữa cũ, bé vẫn phát triển bình thường thì đổi sữa làm gì. Tình trạng này mà kéo dài là bé bị rối loạn tiêu hóa". Sợ quá, tôi về thưa chuyện với ông bà hai bên và cho bé dùng lại loại sữa cũ.

Rồi bà nội, bà ngoại lên thực đơn cho cháu. Cứ cách một tiếng thằng bé lại phải ăn. Bé chưa kịp đói đã ăn mà ăn toàn đồ bổ, khó tiêu như: váng sữa, thịt bò, cá hồi... Thế nên bé không chịu ăn. Không chịu ăn thì phải ép ăn. Vợ chồng tôi ở chung với ba mẹ chồng nhưng nhà của ba mẹ ruột tôi cũng chỉ cách đó vài căn.

Lúc đầu chỉ có ông bà nội của bé trực tiếp "vào cuộc" cho cháu ăn. Sau đó cả ông bà ngoại cũng tham gia. Mỗi lần bé ăn là đồ chơi vung vãi khắp nhà do ông bà cho cháu vừa ăn vừa chơi.

Có bữa đi làm về tôi thấy ba chồng đội cái rổ trên đầu để múa lân, ba ruột tôi thì đánh trống, còn mẹ ruột, mẹ chồng tôi thì canh, khi cu cậu toét miệng cười là ngay lập tức đút thức ăn vào miệng cu cậu thật nhanh.

Riết rồi trò này cũng chán. Thế là đến tivi, iPhone, iPad... rồi cho bé ngồi xe đẩy ra đầu ngõ vừa ăn vừa ngó nghiêng người đi qua đi lại.

Nhưng đến thứ bảy, chủ nhật tôi ở nhà thì ông bà giao nhiệm vụ lại cho mẹ. Mà tôi thì không thể cho ăn theo cách của ông bà do chỉ có một mình. Nhiều lúc sốt ruột, bực tức vì con không chịu ăn, tôi đã phát vào mông bé một cái. Sau đó tôi hối hận lắm.

Nhưng rồi chuyện đó vẫn lặp lại bởi những lần đánh con là những lần tôi không thể kiềm chế: thức ăn đã đút vào miệng mà bé nhả ra hoặc ngậm mãi không chịu nuốt trong khi tôi còn phải hoàn thành rất nhiều việc khác vào hai ngày cuối tuần.

Chưa hết, có bữa mình tìm đủ mọi cách để con ăn hết suất nhưng vừa nuốt miếng cuối cùng là bé... ói. Nếu nói: hành trình cho con ăn của tôi là "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" cũng không sai...

Áp lực trên những người trông trẻ

Giải thích về thực trạng nhiều trẻ bị bạo hành trong bữa ăn, TS Phan Thị Thu Hiền, trưởng khoa giáo dục mầm non Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khẳng định: "Tôi không bênh vực và bào chữa cho các trường, nhóm, lớp mầm non. Những hành vi bạo hành trẻ là không thể chấp nhận và phải được trừng trị thích đáng. Tuy nhiên, cần phải mổ xẻ nguyên nhân sâu xa chính là quan niệm trẻ con phải béo, phải mập của nhiều phụ huynh đã tạo áp lực lên người trông trẻ: bé phải tăng cân trong mỗi tháng".

Xuất hiện clip bạo hành trẻ tại Đà Nẵng

TTO - Sáng 21-5, trên mạng xã hội xuất hiện clip và hình ảnh ghi lại cảnh hành hạ trẻ tại nhóm trẻ độc lập mẹ Mười, đường Thái Thị Bôi, quận Thanh Khê, Đà Nẵng làm nhiều người phẫn nộ.

_________

Kỳ 2: Chuyện “Mập, béo mới tốt”

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp