Giáo viên Trường THCS Quốc Thái (huyện An Phú, An Giang) bị nợ lương tháng 11, 12-2014 và tiền trợ cấp, phụ cấp của năm 2012 - Ảnh: Bửu Đấu |
Thứ nhất, gần 200 giáo viên thuộc các xã biên giới của huyện Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp) chưa được nhận lương tháng 12-2014. Bài báo cho biết thêm: “Tình trạng trả lương chậm này đã từng diễn ra trong năm 2013” (Tuổi Trẻ 16-1).
Chẳng riêng Đồng Tháp, ở An Giang hiện tượng “khó coi” này còn tệ hơn nữa: giáo viên ở ba xã của huyện An Phú cũng chưa nhận được lương hai tháng 11 và 12-2014, ngoài ra “các thầy cô giáo còn chưa nhận được khoản trợ cấp, phụ cấp ưu đãi ở vùng đặc biệt khó khăn của năm 2012 và sáu tháng năm 2014” (Tuổi Trẻ 18-1).
Nhói lòng, vì các thầy cô giáo ở những vùng quê này chắc chắn đều nghèo, cuộc sống hằng ngày dù ở mức độ đạm bạc nhất hoàn toàn chỉ trông cậy vào đồng lương khiêm tốn và khoản phụ cấp nặng tính tượng trưng. Vậy thì những ngày này các đồng nghiệp ấy của tôi sống bằng gì? Tiền đâu để mua rau mắm hằng ngày? Tiền đâu để thuốc men cho con trẻ, mẹ già? Tiền đâu để chi cho vô số khoản không tên nhưng nhất thiết không thể lảng tránh?...
Tôi cứ nghĩ vẩn vơ: không biết các vị có trách nhiệm ở các huyện, tỉnh kể trên có bao giờ bị nợ lương, có bao giờ lâm vào cảnh “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” chưa? Chắc là chưa!
Thứ hai, một thông tin khác trên báo Tuổi Trẻ 16-1: ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho biết anh sẽ góp sức vào chương trình “Tết cho học sinh biên cương” của báo Tuổi Trẻ - một chương trình dự kiến trao tặng 5.000 phần quà (mỗi phần trị giá 400.000 đồng) cho học sinh, cùng 500 phần quà (trị giá 500.000 đồng/phần) cho giáo viên ở bảy tỉnh biên giới từ Lai Châu đến Kiên Giang.
Thú thật, tôi ứa nước mắt khi đọc tin này vì hai lẽ. Trước hết, tôi xúc động trước nghĩa cử đầy thiện tâm của ban tổ chức chương trình cũng như của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Nhưng quả thật tôi thấy tủi cho thân phận giáo viên - một đối tượng đã và đang được các cấp lãnh đạo ca ngợi bằng vô số mỹ từ, đặc biệt trong ngày 20-11 hằng năm: “người kỹ sư tâm hồn”, “người gây dựng cho tương lai của đất nước”...
Những người thầy cả đời tận tụy với phấn trắng, bảng đen và thế hệ trẻ ấy lẽ ra đương nhiên có quyền được hưởng những phúc lợi chính đáng nhân dịp tết đến xuân về như công nhân viên chức của các ngành khác.
Tháng lương thứ 13 chẳng hạn. Một khoản tiền nho nhỏ như TP.HCM đã làm trong nhiều năm trước và tết con dê năm nay cũng sẽ thực hiện chẳng hạn. Vậy mà 500 thầy cô của bảy tỉnh biên giới sắp tới có lẽ sẽ chỉ có chút hương vị tết nhờ món quà từ thiện.
Ông bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo trong dịp trả lời phỏng vấn báo Phụ Nữ TP.HCM năm ngoái đã phân trần là Nhà nước chưa có chính sách thưởng tết cho giáo viên. Ông tâm sự thêm: ngay cơ quan bộ dịp tết chẳng có gì ngoài lương tháng.
Rất cảm thông với sự bộc bạch chắc là chân thành của người đứng đầu ngành giáo dục đào tạo. Thế nhưng do đã hơn nửa thế kỷ đứng trên bục giảng, dù chưa được biết ngày tết của các đời bộ trưởng ra sao, nhưng chỉ căn cứ vào những quan chức các cấp của ngành mà tôi rõ với tư cách bạn bè hoặc qua quan hệ thầy - trò, tôi đều vui vì tết của các vị ấy khá tươm tất, thậm chí một số rất phong phú.
Còn nói đến chính sách? Đấy là thứ những người có trách nhiệm có thể tạo ra. Nếu chưa có thì lãnh đạo ngành phải báo cáo với Thủ tướng, với Tổng bí thư và phải trình bày cặn kẽ trước Quốc hội.
Lãnh đạo cấp cao của ta, tôi tin là những người hiểu biết. Quốc hội nước ta vốn rất quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội. Nước ta dù chưa giàu, nhưng trước một sự việc rất đáng, rất nên, rất cần giải quyết như thế chắc chắn sẽ có quyết sách thích hợp.
Mong rằng trong thời gian tới, trên các phương tiện truyền thông, thay vì phải đọc những tin “nhói lòng” như nói ở trên, giáo giới và những ai quan tâm đến tiền đồ của đất nước sẽ chỉ nhận được những tin vui, chứng tỏ Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục thật sự quan tâm để nhà giáo - nhất là các thầy cô ở vùng cao, vùng sâu, ở hải đảo biên giới, các thầy cô dạy mầm non và tiểu học - cũng có tết như mọi người. Để cả nước đều vui. Để câu thơ cổ “Tết chẳng riêng ai, Tết mọi nhà” trở thành hiện thực sống động. Mong lắm thay!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận