Bà Nguyễn Thị Thu Hương và con trai Đỗ Minh Hội bên cạnh một trong những chiếc xe được bà vận động quyên góp để chuyển cho các học sinh nghèo (ảnh chụp ngày 1-8-2015) - Ảnh: T.T.D. |
Ngay trong ngày đầu tiên mời bạn đọc viết “Tuổi Trẻ 40 năm & Tôi”, ngày 1-8 tòa soạn đã nhận hơn 10 bài viết của bạn đọc. Chúng tôi giới thiệu hai bài viết đầu tiên của hai mẹ con “cậu bé xương thủy tinh” Đỗ Minh Hội - nhân vật từng đoạt giải ba cuộc thi “Chuyện đời tự kể năm 2007” với tác phẩm Con sẽ sống, mẹ ơi.
40 năm kỷ niệm thành lập báo Tuổi Trẻ, từ trái tim tôi muốn gửi tới tòa soạn một ân tình. Ân tình của người dân nghèo gặp những bất trắc khó khăn đã được tòa soạn chạm tới và làm đổi thay cuộc sống.
Chín năm trước...
Tôi thấy mình thật xấu xa. Chỉ bởi tôi đã quá nghèo, cõng trên vai mình đứa con bị bệnh nan y, không thuốc chữa và đớn đau. Cái thân tôi, chỉ biết lao vào cuộc cứu con và chịu những thương tổn từ chính con người, thế nên tôi ghét đời, sợ người, co mình lại, rất cực đoan trong hành xử.
Và tôi cũng xin khai thật lúc đó tôi căm ghét báo chí, cụ thể tôi căm cái báo mang tên Tuổi Trẻ mà tôi không đọc bao giờ. Bởi có đám cò nhà đã ép giá tôi sau khi họ rao bán nhà tôi trên báo Tuổi Trẻ !
Cuộc trường chinh đưa tôi về mãi cái vùng trũng nơi có bãi rác khổng lồ là bãi rác Đông Thạnh (TP.HCM), nơi có nhiều mảnh đời bể nát hơn tôi. Và thế là tôi lặn ngụp ngoi ngóp như bao cư dân ở đó. Tôi thương thân, thương con, thương những bà con quanh mình nhưng bất lực.
Đỗ Minh Hội tập đi (ảnh chụp năm 2006) - Ảnh: T.Đ. |
Nhưng có một lạ lùng xảy đến
Ấy là thằng bé con, là cả cuộc đời tôi, nó quá đỗi buồn rầu. Trong cái thân xác của tuổi 16 đang cựa mình bị trói bởi cơn đau, nó hướng đôi mắt trong veo đã có màu sắc của u ám ra ngoài cửa. Không thể để con quẫn trí, tôi đã cố gắng trong cái hạn hẹp bạc tiền, rinh về cho nó chiếc máy tính.
Tôi chẳng biết nó tìm thấy cái gì trên đó, vì... tôi mù công nghệ thông tin. Tôi chỉ biết là thấy nó cứ tủm tỉm cười, tối thức khuya hơn. Rồi một tối kia nó reo ầm ĩ lên: “Mẹ ơi có hồi âm rồi, có hồi âm từ Tuổi Trẻ”.
Tôi lắng nghe lời của nó. Đại loại là nó viết lách, dự thi chi đó ở tờ báo vào dịp 2-9-2006, và ai đó cũng dòm tới cái dòng nó viết và hồi âm làm nó sung sướng mà hét hò mê tơi như thế.
Nhưng chẳng chỉ là như thế, ngày ngày sau đó nó thường trò chuyện với một nhà báo ở tòa soạn, ai đó đã coi nó như một chàng trai, trò chuyện với nó hẳn hòi, họ cho nó cảm giác sung sướng vui tươi mà chưa bao giờ tôi cho nó!
Sự việc bùng nổ quá nhanh, bài của nó được đăng, nhà tôi không biết bao nhiêu người đến thăm, các đoàn thể, nhiều báo đài và bạn đọc... Cái sự xúc động thật là khó tả!
Và tôi phải nghĩ khác
Tháng 4 năm sau, mẹ con tôi đi dự lễ trao giải cuộc thi “Chuyện đời tự kể” tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ. Ở đó tôi đã gặp gỡ rất nhiều người, cũng đau như tôi, có khi còn hơn tôi nữa và chính họ viết câu chuyện đời của họ. Một cô gái nhiễm HIV, một bác nhà mãi miền quê với cái bao rách khâu thành túi cho con đi học... Họ cũng đau, cũng khổ, mà không có hằn học ngấm ngầm - tôi đã rất xúc động và có chút tự thú về cảm nhận đó.
Và các anh chị, cô chú ở báo Tuổi Trẻ nữa, họ nồng hậu, thương con tôi xiết bao, từ một cô nhà báo thấy con tôi bé bỏng tới tăng cao cái ghế nó ngồi. Có bác tới tận nơi hỏi han, sờ tay sờ chân nó, lúc ra về còn cẩn thận đưa nó đi hết xuống bậc tam cấp tòa soạn. Tòa soạn còn lưu tâm tới cả cuộc sống của tôi, hỏi han khơi mở cái ước mơ viết lách mà tôi ấp ủ và giấu kín trong những trang nhật ký.
Sau buổi ấy, tôi làm một cuộc tự kiểm bản thân. Là tôi đã sai rồi, dù nhận với chính mình là đã sai lầm chẳng dễ chút nào. Tôi đã nhìn cả cuộc đời tối hù, chỉ qua một nhúm tí con con vài người đã làm tôi buồn trong cuộc sống!
Cuộc đời ngoài kia còn đẹp lắm, sao tôi nhốt tôi, nhốt cả con trong một căn phòng thép mà tôi dựng lên, một yêu thương tôi dành cho nó là đủ không, có giúp nó thật sự hạnh phúc? Cả tôi nữa, tôi đã sống chưa? Những việc bé nhỏ trong khả năng, tôi đã dám làm chưa, hay cứ so đo, tính toán?...
Như tôi viết trong nhật ký: Là chính từ tòa soạn Tuổi Trẻ, biến cố năm 2006 thật sự khơi nguồn một dòng sông, và thổi bùng ngọn lửa của khát vọng, tôi và con cái thật sự bắt tay vào một cuộc cải cách chính đời mình. Từ việc đưa con quay trở lại trường học; thiết kế các chương trình thân ái be bé ban đầu dành cho trẻ con, sau từ từ là nhiều chuyện có ích khác...
Bây giờ dù không dám nhận là mình đã làm điều chi to tát, tôi đã cố gắng phần nào biến ước mơ bé bỏng của mình thành hiện thực. Con trai tôi tàn mà không phế, cháu đỗ thủ khoa đại học và còn một năm nữa là tốt nghiệp. Ngoài học, cháu còn tham gia quản trị các trang mạng do chính cháu mở ra: một bệnh viện mini, một ngôi nhà mở trên mạng cho các mảnh đời kém may mắn. Và thậm chí cháu còn tham gia những việc cũng không bé: quản lý tin học cho một hiệp hội quốc tế.
Tôi cũng không đo đếm, nhưng chắc chắn từ việc bé nhỏ mẹ con tôi làm bằng tấm chân tình, đã có rất nhiều số phận được nâng đỡ và đổi thay theo chiều hướng tích cực. Cá nhân mình nhờ Tuổi Trẻ thương quý giúp, nhật ký của tôi Hành trình xương thủy tinh đã được xuất bản.
Tự bao giờ tôi đã quên nỗi ghét đời, chăm đọc Tuổi Trẻ. Và cũng tự bao giờ chẳng biết, tòa soạn đã như một địa chỉ quen thuộc của gia đình tôi.
Hòa vào dòng chảy nhân sinh Tôi chưa bao giờ nghĩ cuộc đời mình lại có một khoảnh khắc kỳ diệu như thế cho đến một ngày của 10 năm trước, một cuộc điện thoại từ một người bác làm việc trong báo Tuổi Trẻ gọi đến cho tôi nói rằng bài viết của tôi đã được chọn đăng trên mặt báo, trong cuộc thi “Chuyện đời tự kể”. Mọi sự đến như một giấc mộng hoa lệ, một giấc mộng với một cậu bé 15 tuổi, hơn bốn năm trời không bước chân ra khỏi nhà, đã lâu lắm không có sự tiếp xúc với bên ngoài. Cậu bé ấy rụt rè, sợ mọi thứ, sợ chính cả những sự ngợi ca mà chính cậu đã mất rất nhiều thời gian để có thể hiểu. Chính nhờ cuộc thi đó mà một con người mới đã được tái sinh. Không còn là những sợ hãi cuộc sống náo nhiệt bên ngoài, không còn chỉ thích sống gói ghém trong không gian chật hẹp để tìm kiếm cái an toàn ích kỷ. Sau cuộc thi, tôi nhận ra chính mình cần phải có một bước nhảy, một bước nhảy không nhờ vào thân xác tàn tật mà phải là bước nhảy trong tâm trí. Bước nhảy ấy đưa tôi hòa mình vào cuộc sống tươi đẹp, vào dòng chảy tình người ấm áp mà qua báo Tuổi Trẻ, chính là một cây cầu trải đầy hoa dành cho tôi vào lúc đó. Mười năm trôi qua, tôi đã liên tục cố gắng, cố gắng không ngừng nghỉ. Cố gắng vì gia đình, vì chính sự tin yêu của mọi người, vì sự quan tâm của cả một cộng đồng. Và hơn nữa, tôi cố gắng vì chính tôi, vì những điều mà tôi tin tưởng: cái đẹp, cái tốt vẫn hiện hữu ở đời này và để xứng đáng với chính những gì mà mình đã viết ra, trong cuộc thi của Tuổi Trẻ năm ấy. Tôi chợt nhận ra rằng - trong suốt gần 10 năm ròng - rất nhiều những sự kiện mà tôi nghĩ là quan trọng và có tính bước ngoặt với bản thân đều đã có bóng dáng Tuổi Trẻ ghi nhận và khích lệ, như những bàn tay vô hình dịu dàng nâng đỡ những ước mơ của tôi. Đó có thể là lúc gia đình tôi lên phóng sự của HTV năm 2006, tôi nhận được việc làm đầu tiên từ Ngoisaoblog năm 2007, hoặc lúc tôi mở một website mới về y tế (năm 2009) hay gần đây nhất là tôi hoàn thành mơ ước vào đại học năm 2012. Tất cả, tất cả những cố gắng nho nhỏ mà tôi và gia đình đã cố gắng không ngừng nghỉ bằng tất cả nỗ lực nhỏ nhoi mà có, đã được Tuổi Trẻ khích lệ, ươm mầm, cổ vũ như thế đấy. Gia đình tôi vốn không phải khá giả, nhưng từ sau sự kiện đó, tờ báo Tuổi Trẻ đã hiện diện trên mặt bàn gia đình tôi mỗi ngày, hết chuyền tay người nọ tới người kia đọc. Và khi gia đình mình đọc hết thì lại có một người hàng xóm nào đó sẽ mượn để đọc tiếp. Cứ thế, tờ báo Tuổi Trẻ đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu, không chỉ cung cấp tin bài nóng phục vụ những vấn đề mà người dân đang quan tâm hằng ngày. Mà đối với những người dân xóm nghèo năm ấy và hẳn là vẫn còn đến bây giờ - tờ báo Tuổi Trẻ như một món ăn văn hóa thi vị, hòa vào cuộc sống mưu sinh đầy vất vả của tầng lớp lao động cần lao ở xóm, đem đến cho họ những giờ phút ngắn ngủi được kết nối với cuộc sống. Một người bạn trong lúc trò chuyện với tôi đã thổ lộ rằng bạn ấy rất thích viết và đã viết rất nhiều nhưng chưa biết gửi gắm vào đâu. Tôi đã trả lời rằng: “Bạn hãy mở báo Tuổi Trẻ, đọc hết một lượt, chọn chuyên mục mình thích và mạnh dạn gửi bài đến báo. Dòng chảy cuộc sống đang đợi bạn hòa mình vào đó!”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận