26/09/2020 11:45 GMT+7

Nhớ Tô Hoài để nói - nghĩ theo cách khác

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TTO - Khi đề dẫn buổi tọa đàm "Tô Hoài - Nhà văn của mọi lứa tuổi", do NXB Kim Đồng tổ chức sáng 25-9 tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp đã cho rằng trẻ thơ - người lớn, tất cả đều có thể soi mình trong Tô Hoài.

Nhớ Tô Hoài để nói - nghĩ theo cách khác - Ảnh 1.

Những trang văn Tô Hoài đã đem đến cho họa sĩ Ngô Mạnh Lân (giữa) cách nhìn mới về thế giới loài vật - Ảnh: ĐỨC TRIẾT

Theo ông Điệp, Tô Hoài nhìn cõi nhân sinh không ở những chỗ thi vị và lãng mạn hóa. Ông không kể những gì cao xa mà kể những chuyện quanh mình...

Với Tô Hoài, mọi cái đều "thường thôi" nhưng trước bão tố không cuống, trước gió dông không hãi, trước tai họa không sợ. Văn Tô Hoài không bị gồng lên mà rất thật để kiến tạo hiện thực.

"Tô Hoài có thể bắt đầu từ Dế Mèn phiêu lưu ký cho đến tận những ngày cuối ông bắt đầu trình những tác phẩm gây xôn xao văn đàn như cuốn Ba người khác. Ở những vạch đích đầu tiên cho đến những năm tháng cuối cùng, ông lúc nào cũng sung sức, trẻ trai, cần mẫn" - ông Điệp bày tỏ.

Cách cắt nghĩa ấy của ông Điệp đều được các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu... tham dự tọa đàm đồng tình và đưa ra nhiều ý kiến minh chứng sinh động.

Nhà thơ Vũ Quần Phương có bài phát biểu dài tới 9 trang giấy A4, vậy mà vẫn cuốn hút, thậm chí còn khiến người nghe cười rúc rích với những câu chuyện Ngày xưa có ông Tô Hoài.

Đấy là chuyện vì sao Tô Hoài có câu nói nổi tiếng: "Người như ma, lúc là ma, lúc là người, bố ai biết được là thế nào", chuyện Tô Hoài bảo có lúc ông làm đến hai mươi chức...

Còn về cách ứng xử của Tô Hoài với mọi người thì lúc nào cũng nhẹ nhàng, thủng thẳng mà sắc sảo. Chẳng hạn như đáp lời nhắc nhở của bộ trưởng Trần Hoàn "Cái bài số trước (báo Người Hà Nội - PV) ông cho nó đăng làm gì", Tô Hoài nhẹ nhàng rằng: "Chúng nó nào, tôi đăng đấy. Làm báo phải có chuyện nọ chuyện kia thì nó mới ra tờ báo chứ ông?".

Tô Hoài cũng rất "tính toán" khi giải thích việc ông làm tổ trưởng tổ dân phố: "Nhưng hay lắm cậu ạ, có khối cái mà viết, bằng mấy đi thực tế". "Tôi nghĩ ông sâu sắc, có lý, đây quả là một kênh giúp ông gần dân, gần đời... Có lẽ nhờ vậy mà ông hay có những "sáng kiến" bất ngờ mà thiết thực" - nhà thơ Vũ Quần Phương đúc rút.

Là người đầu tiên vẽ minh họa truyện Dế Mèn phiêu lưu ký, họa sĩ Ngô Mạnh Lân bảo rằng chính nhờ cái lần đầu tiên ấy mà ông thay đổi hẳn thái độ để có cách nhìn mới với thế giới loài vật, từ ban đầu có phần vô tâm, coi thường sang thích thú, nâng niu.

TS Thụy Anh - chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con - thì kể khi đọc các câu chuyện của nhà văn Tô Hoài, các cô bé, cậu bé luôn tròn xoe mắt cười đón nhận cái hài hước, nhân hậu nằm trong sự sáng tạo về ngôn từ luôn ngọ nguậy, khúc khích.

"Luôn phải sáng tạo và không bằng lòng với những gì bình thường - đấy là thông điệp từ trang văn Tô Hoài. Thế nên, hãy nhớ đến nhà văn Tô Hoài để nói và nghĩ theo cách khác của mình" - TS Thụy Anh chia sẻ.

Nhớ Tô Hoài - nhà văn của mọi lứa tuổi Nhớ Tô Hoài - nhà văn của mọi lứa tuổi

TTO - Ngày 25-9 tại Hà Nội, vào đúng ngày sinh của nhà văn Tô Hoài (1920 - 2014), NXB Kim Đồng phối hợp với gia đình nhà văn tổ chức nhiều hoạt động phong phú như ra mắt sách, trưng bày ảnh và tọa đàm “Tô Hoài - nhà văn của mọi lứa tuổi”.

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp