17/01/2011 04:04 GMT+7

Nhớ tiếng phách của người xưa

HÀ HƯƠNG - NGUYỄN HÀ
HÀ HƯƠNG - NGUYỄN HÀ

TT - Trong buổi tưởng niệm 10 năm ngày mất của NSND Quách Thị Hồ sáng 16-1 tại Ngôi nhà Việt (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam), người yêu ca trù một lần nữa cùng nhớ lại tiếng sênh phách của người xưa.

XrvYYyQH.jpgPhóng to

Ca nương Vương Tú Ngọc trình diễn ca trù tưởng nhớ nghệ nhân Quách Thị Hồ - Ảnh: Khải Nguyên

Cũng vì tiếng phách đó mà người ca nương tài hoa nhất thế kỷ 20 phải chịu không ít trầm luân. Sự kỳ thị đối với “nghề con hát” phủ bóng u ám suốt cuộc đời những người trót theo nghiệp đàn phách. Đến ngày ca trù trở lại, rũ bỏ tiếng oan thì bàn tay đã không còn gõ phách, câu hát không thể cất lên được nữa.

Ông Nguyễn Văn Đại - con trai NSND Quách Thị Hồ - chia sẻ những tâm sự rất thật: “Cũng như mẹ tôi gắn bó với ca trù, tôi gắn với cuộc đời binh nghiệp nên không có thời gian gần gũi mẹ như các cô em gái. Gần gũi với bà trong những năm tháng cuối đời, tôi hiểu mẹ tôi đau đáu với nghề ca trù lắm dù cuộc đời bà vì ca trù mà mang khổ vào thân”.

Ông Đại nhớ lại: “Tôi vẫn nhớ năm 1988 khi nhận danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, mẹ tôi có nói: “Tôi bây giờ cũng ít nhiều thỏa mãn vì cả đời sống chết với nghề hát. Ban đầu chỉ là yêu nghề, nhưng về sau thì tôi biết đó là trách nhiệm của mình phải góp sức vào việc trả ca trù về đúng vị trí của nó cho nhân dân. Người làm tôi hiểu ra điều đó là GS Trần Văn Khê”. Điều đáng tiếc là cả ba người con gái của NSND Quách Thị Hồ không ai theo nghiệp mẹ, người con gái mà bà đặt trọn niềm hi vọng đã mất quá sớm.

Lắng mình trong cái lạnh se sắt của Hà Nội, vẫn như nghe thấy tiếng của người xưa trong tiếng hát, tiếng phách của các đào nương Trung tâm Unesco ca trù và CLB Ca trù Hải Phòng. Không thể phủ nhận một điều ca trù xưa đã mai một ít nhiều. Hơn nữa, những nghệ nhân ca trù cũng lần lượt về trời, di sản để lại cho thế hệ sau đã hao hụt bởi thời gian.

Trong rất nhiều câu chuyện về ca trù, nghệ sĩ Bạch Vân có kể lại kỷ niệm ròng rã ba năm xin làm học trò nghệ nhân Quách Thị Hồ. Đó là những ngày gió, những ngày mưa, những buổi tối trên chiếc xe đạp cọc cạch, một người phụ nữ trót mê tiếng đàn phách ca trù đến xin học cụ nghệ nhân cao tuổi. Những năm trước 1990, chẳng mấy ai dám hát ca trù, đào nương ca trù vì sự kỳ thị mà cất phách, giấu đàn.

Ba năm ròng rã cho một ước mơ, lúc NSND Quách Thị Hồ nhận ra cái đức của người ca nương cũng là lúc cụ thở dài bảo: “Cả đời bà hát ca trù nhưng có ai dùng đâu”. Nghệ sĩ Bạch Vân kể lại: “Suốt ba năm đó, cụ chỉ hát cho nghe mấy câu mưỡu, chẳng nhiều nhặn gì nhưng cũng rất quý”.

Đến người cháu ngoại của NSND Quách Thị Hồ là Thanh Huyền dù được đánh giá có tiếng hát thừa hưởng được những tinh hoa của bà cũng không còn mặn mà với ca trù. Những người đi sau dù nhận là học trò nghệ nhân cũng chưa ai được làm học trò theo đúng lề lối ca trù xưa.

Cứ thế, sau khi NSND Quách Thị Hồ ra đi ca trù cứ “đường ai nấy đi”, phách ai nấy gõ, cho đến giờ vẫn chưa “về dưới một mái nhà”.

10 năm kể từ ngày ra đi của đào nương bậc nhất thế kỷ 20 đủ để lại một khoảng trống không thể bù lấp cho ca trù. Tiếng sênh, tiếng phách của NSND Quách Thị Hồ giờ chỉ còn trong một số băng đĩa của các ca nương đời sau và trong cả ký ức của người ở lại. Một đời con người đó đã gắn với tất cả sự thịnh suy của thời cuộc và nghề hát ca trù. Tiếng hát đó từng làm xiêu lạc hồn phách của nhiều văn nhân, nhưng cũng có lúc đành câm lặng không thể cất lời. Trải qua nhiều biến cố, ca trù còn giữ được đến ngày hôm nay cũng bởi sự gìn giữ trong thầm lặng của rất nhiều những ca nương như NSND Quách Thị Hồ.

HÀ HƯƠNG - NGUYỄN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp