13/08/2009 06:08 GMT+7

Nhớ Sơn Nam

ĐOÀN NAM SINH
ĐOÀN NAM SINH

TT - Hồi còn nhỏ, thập kỷ 1960 về trước, trong làng ấp xa xăm tôi đã được đọc những bài viết của Sơn Nam trên tờ Hương Quê, giấy báo trắng láng với màu mè, hình vẽ minh họa rất đẹp. Mẩu chuyện mà tôi nhớ đời là bà con xứ Nam kỳ đã lập thế nhử vịt câu sấu như thế nào, với giọng văn giản dị, tưng tửng.

d2UYJ68I.jpgPhóng to
Nhà văn Sơn Nam - Ảnh: ĐỨC HUY

Mấy chục năm sau, một lần gặp Sơn Nam, tôi hỏi nghe chuyện vợ con chú sao đó, chú buồn buồn: “Mình viết văn mà không hay thì ai đọc, làm sao sống! Mà lo chuyện viết lách thì bỏ bê vợ con mấy người thông cảm”...

Tới 1997, đợt 300 năm Sài Gòn, chú nhờ tôi tiếp mấy chuyện vặt. Lúc này chú thuê nhà ở Phan Văn Trị, một cái buồng dài và hẹp, bốn bề nước tiểu khai um. Cũng chỉ cái máy chữ Olivetti gõ cọc cạch và bộn bề sách vở xếp xung quanh lan cả lên chiếc giường tám tấc. Gần đến ngày trả tiền nhà chú lúng túng, xốn xang cùng nỗi lo trễ nải bà chủ phiền.

Chú Sơn Nam lúc này đã thấy già, nói chuyện vẫn bông lơn nhưng có phần cam chịu. Có bữa được ít tiền nhuận bút, “chú em chở giùm qua đi gửi cho thằng con, nó khổ lắm”. Lần khác thì “thằng con dưới Mỹ Tho hẹn lên xin mấy trăm về lo chuyện nhà”.

Mấy lần chú xuất hiện trên phim, và khi đi ra quê Bắc tế cụ Nguyễn Hữu Cảnh, với bộ nam phục lụa màu xanh thấy ngồ ngộ, khác xa với “ông già đi bộ” thường ngày, lưng chú đã hơi còng rồi.

Vài năm sau nữa, tôi nhớ bữa đưa tang Bùi Giáng ở Gò Dưa, sau bài ai điếu của Cung Văn là điếu văn của Hội Nhà văn thành phố.

Chú moi ra bài viết sẵn trên túi áo vét xanh nhàu nhĩ, sửa lại đôi kính cũng rầu rĩ như ông chủ và run run nói: “Anh Giáng ơi! Sáng nay anh Nguyễn Quang Sáng nói với tui: anh là lớp trước, lại ở trong này, anh đại diện cho hội đọc giùm điếu văn này. Dzậy đây là phần của hội nghe anh Giáng... Tui đọc dzậy là xong rồi, còn đây là của tui. Anh Giáng ơi! Sinh thời anh ăn mặc xốc xếch, áo trong dài hơn áo ngoài... nhưng văn thơ của anh ngay ngắn đường hoàng. Anh có nề gì cháo chợ cơm hàng, cả cơm thừa canh cặn, nhưng câu chữ anh xài sạch sẽ, ý tứ sáng trong. Cả đời anh lang thang khi chùa khi chợ có cố định đâu đâu, mà bữa nay đưa anh đi có quân canh lính gác, có vòng hoa của thành ủy - ủy ban, có Hội Nhà văn, vậy là anh có hộ khẩu Sài Gòn rồi đó nghe anh Giáng!...”.

Có lần hội thảo khoa học về cụ Trương Vĩnh Ký, như những lần hội thảo danh nhân Nam bộ khác, chú đã đọc tham luận. Không phải về những công trình bác học đồ sộ hoặc luận về công/tội, chú nói đến chuyện sau cùng cụ Trương Vĩnh Ký đã dành thời gian viết chuyện cho con nít đọc, “mà viết chuyện hay con nít tìm đọc là khó lắm đó nghe”...

Tự nhiên mấy năm gần cuối đời hai dái tai của chú dày ra, rộng hơn phát đỏ hồng, anh em mừng. Thì cũng có chuyện hợp đồng bán được tác quyền, sách được in lại đẹp đẽ, chú cũng mừng. Nhưng thường bữa, trừ đợt bệnh nặng, chú vẫn đến Thư viện Gò Vấp cạnh cầu Hang tìm sách đọc, viết và nhờ mấy cháu đánh máy lại. Rủng rỉnh thì mời mấy cô bé đi ăn trưa, cơm đĩa. Sáng sáng lại ngồi cà phê đen xéo phía kia đường.

Lại rủi cho chú khi đi đường bị xe của bọn trẻ chạy vong mạng làm gãy chân, chú chỉ nói buồn: “Tụi nhỏ chúc thọ ông già kiểu này ngặt quá!”.

Mới đó mà chú đã đi xa một năm rồi. Đêm nay tôi nhớ chú ngồi viết gọn mấy dòng dâu bể.

------------------------------------

*Tin bài liên quan:

Tái bản sách Sơn Nam nhân kỳ giỗ đầu Ông già Nam bộ đã có nơi về không lạnh lẽo Con đường dài của người đi bộHạt bụi nghiêng mình nhớ đất quêVĩnh biệt "ông già Nam bộ" Sơn NamNhà văn Sơn Nam: Cả đời viết về cuộc khẩn hoang Nam BộĐi lãnh nhuận bút với nhà văn Sơn NamNhà văn Sơn Nam đang nguy kịchNghe chuyện xưa, tích cũ với Sơn NamBấm vào đây nghe Biển cỏ miền TâyBấm vào đây nghe tuyển tập truyện ngắn Sơn Nam

ĐOÀN NAM SINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp