Ảnh: TỰ TRUNG
Đầy đủ đến mấy thì xứ người cũng không thể nào được như quê nhà. Vẫn còn thiếu thốn. Những cặp mắt Việt vẫn tăm tia soi đất lật cỏ để tìm những thứ rau dưa quê hương...
Không chỉ là rau muống, có khi nhớ rất nhiều loại rau. Ở Âu - Mỹ bây giờ có nhiều cộng đồng Đông Á, thành ra chợ búa cũng giống như ở Đông Á, cung ứng đều và đầy đủ.
Hồi ở Seattle, đô thị của bang Washington, mớ rau muống nhỏ và dài khoảng năm đôla, tương đương hơn 100.000 đồng bây giờ. Tôi mua về phải tỉ mỉ bọc giấy báo bên trong nilông bên ngoài, giữ trong tủ lạnh được một tuần.
Hoa người - rau mình
Nhưng cũng Âu - Mỹ, những thành phố ít người Đông Á vẫn khan hiếm thực phẩm Việt. Cái mơ mộng "nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương" rất nhiều khi là ước mơ xa xỉ. Hãy ước một thứ rau gì thiết thực hơn, chứ đừng có mơ kiểu "cao sang" như thế.
Thậm chí ngay ở châu Á, ta chỉ cần sang Tây Á là đã không thể tìm đâu ra rau muống và các loại rau của người Việt. Ở cái xứ Tây Á - Trung Đông ấy, rau quả tươi ngon và lành, nhưng loanh quanh chỉ bắp cải, súp lơ, cà chua, dưa chuột, tức là trong mắt người Việt, đấy là những thứ rau kiểu Tây. Còn như rau dưa Việt Nam, phải là rau muống, rau lang, bông điên điển hay rau đắng mọc sau hè.
Tôi ở Iran bốn năm, xứ ấy ẩm thực người Ba Tư phần nhiều là thịt cá và ít rau dưa. Gì cũng nướng, gì cũng là kebab. Cá - nướng. Thịt cừu, thịt dê, thịt bò - nướng. Đến quả cà chua ăn với thịt cũng nướng. Hậu duệ của dân du mục sa mạc, bữa ăn của họ hầu như là khô, nếu có xúp ngô, xúp đậu cũng chỉ là chiều khách phương xa mà thôi.
Ấy vậy mà rồi có một hôm, anh chàng kế toán của sứ quán chúng tôi đi đâu về, trên tay nâng niu một ôm rau dền đỏ. Mấy năm ở xứ người không ai còn nhớ rau dền như thế nào. Ở đâu ra vậy? À, anh có nhớ mấy cái đảo giao thông ở trung tâm không? Nhớ, ở giữa cái đảo hình tròn ấy có rất nhiều hoa. Đấy, hôm nay em tia được giữa cái đảo hoa ấy rất nhiều rau dền đỏ.
Trời ơi, dền đỏ người ta đem trồng trang trí cho đường phố, màu đỏ coi như là hoa cho vui mắt. Thế là anh chàng đã tìm nơi đỗ xe rồi đi bộ sang đảo giao thông, lúi húi chọn ngắt từng cây, từng cọng còn chưa già, chưa xơ, như kiểu anh sinh viên nghèo đi vặt hoa công viên để tặng người yêu.
Thấy cọng rau dền bụng đã nghe vui nhưng vẫn phải bảo anh ta: vừa vừa thôi, kẻo sứ quán lại bị ông thị trưởng gọi lên nhắc nhở.
Cỏ trong vườn - ngọt bát canh gà
Chuyện hái rau vẫn còn. Lần ấy ông chủ nhà Ba Tư mà sứ quán đang thuê mời anh chị em Việt Nam sang nhà ông chơi. Một biệt thự ở ngoại vi, vườn rộng đằng trước, đằng sau trồng đầy cây và hoa. Những cây anh đào bắt đầu ra quả, đỏ tươi bằng đầu ngón tay. Những cây dâu tằm ngọt bên cây óc chó, cây vả, cây hạt dẻ cười pistachio - những loại hạt rất được mê, rất đắt tiền ở xứ Trung Đông.
Hoa và quả, tất nhiên rồi. Nhưng những cặp mắt Việt Nam xa nhà đã lâu bắt rất nhạy tín hiệu ở trong vườn. Tín hiệu phát ra từ những bụi cây bao quanh những luống hoa. Không phải là bụi cây bụi cỏ, lá xanh mặt trước và bạc ở mặt sau, vò ra mùi ngai ngái. Ngải cứu.
Lại thầm reo trời lên với nhau. Mấy năm rồi không biết mùi ngải cứu. Ngải cứu mà nấu canh gà hoặc đúc trứng thì ôi thôi. Bà phu nhân đại sứ đang trò chuyện với ông chủ nhà lập tức ngọt ngào xin phép: "Cho tôi hái cái rau kia ông nhé?".
Ông chủ nhà hơi ngỡ ngàng. Có người nhặt cỏ giúp thì còn gì bằng, ông gật đầu dễ dãi. Thế là cả bà phu nhân, chú kế toán, anh bí thư thứ hai háo hức lao vào hái, hái, và hái. Chuyến đi thăm chủ nhà mang về một xe đầy rau ngải cứu.
Anh chàng kế toán của chúng tôi đã có một tuổi trẻ vất vả, quen lao động chân tay nên anh chẳng bao giờ chịu ngồi yên. Anh lái xe đi loanh quanh trong thành phố rồi tiện đường phóng ra ngoại ô.
Đi qua những cánh đồng trồng hành, hẹ, rau mùi, rau cải, anh xuống xe đi dọc theo thửa rau và phát hiện ra con mương dẫn nước quanh bờ ruộng. Con mương nhỏ có thể nhún chân nhảy qua, nước trong vắt, nhìn thấy cả lũ cá con tung tăng. Ông chủ ruộng chất phác cố hiểu ý cái anh chàng không biết tiếng Ba Tư kia.
Ông đồng ý. Thế là chàng kế toán mang hạt rau muống đến gieo trên bờ mương, vài ba tuần lại đến để nhặt cỏ cho rau có chỗ mọc. Rau muống trổ ra xanh tươi, ngọn rau bụ bẫm mềm mại vươn xuống mặt nước.
Lại phải trời ơi. Có sẵn mấy quả sấu tươi từ nhà gửi sang vẫn để trong ngăn đá tủ lạnh. Rau muống luộc, nước xanh trong thả thêm quả sấu. Người Việt bảo có cá đổ vạ cho cơm, còn chúng tôi hôm ấy thì có rau muống đổ vạ cho cơm.
Trên là sung, dưới là xe
Nghe kể thế thì hiểu khi được chuyển công tác về Đông Nam Á, người Việt như chuột sa chĩnh gạo. Như ở thủ đô Jakarta của Indonesia thời tiết khí hậu như Sài Gòn, năm giờ sáng trời đất đã sáng tưng bừng, quanh năm hầu như chỉ là một mùa nóng. Cùng là văn minh lúa nước nên gạo thóc giống nhau, rau quả giống nhau, cũng sầu riêng, chôm chôm, cũng xoài mít dứa ổi, mùa nào thức ấy.
Những thứ rau được ưa chuộng nhất của người Việt cũng đầy ắp trong chợ: rau muống, rau lang, rau cải, rau cải cúc... Rau cải làn, thú vị vì tưởng tên rau là tiếng Việt, hóa ra người Indonesia cũng phát âm gần đúng như thế: kailan, rồi truy nguyên thì là một từ tiếng Quảng Đông.
Rau gì cũng có, nhưng lại vẫn thiếu su hào, lâu lâu thấy dăm ba củ nhỏ, cằn và nhiều xơ. Người Indonesia không chuộng nên ít trồng. Lâu lâu anh em về Việt Nam nghỉ phép, khi trở sang mang tặng cho mỗi nhà một vài củ su hào bánh xe. Luộc lên nước xanh phơn phớt, miếng su hào mềm ngọt lịm.
Quãng đường từ sứ quán lên sân bay 30 cây số là cao tốc. Hai bên đường xanh tươi cổ thụ, những hàng cây cao nhiều bóng mát. Lại chú lái xe người Việt phát hiện ra mấy cây sung to tướng, quả chi chít con bồng con bế. Lại trời ơi, sung kia mà muối mà dầm giấm tỏi ớt thì nhiệm kỳ ba năm chứ sáu năm em vẫn sống được.
Đường cao tốc xe nườm nượp vùn vụt. Tay lái thiện nghệ của chú lượn mềm như lụa tạt vào vệ cỏ bên đường, áp sát cây sung. Mỗi chiếc xe rầm rập phóng qua, luồng gió tạt mạnh như muốn hất tung chú lái xe đang trèo cây xuống đất.
Mặc kệ, chú vẫn kiên cường bám trụ, chính xác là bám cây. Sung vặt xuống từng túi to, đem về chia cho anh chị em. Ngày lễ ngày Tết lại có thêm món sung muối bên cạnh những món thịt cá nhiều dầu mỡ.
Quả sung, củ su hào, chỉ thế thôi mà đỡ nhớ quê hương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận