Nhà văn Nguyễn Quang Thiều (trái) và nhà thơ Nguyễn Bá Chung trước đông đảo sinh viên Đại học Văn Lang - Ảnh: L.ĐIỀN
Giản dị do lẽ cuộc tọa đàm không chủ ý "làm sự kiện", nhà thơ Nguyễn Duy giữ vai trò kết nối và dẫn dắt câu chuyện, nhà văn Nguyễn Quang Thiều từ Hà Nội vào như một dịp gặp lại những giao tình cũ.
Còn tầm vóc ở chỗ giáo sư Nguyễn Bá Chung hiện diện như một phần của Viện William Joiner - đơn vị tên tuổi giữ vai trò then chốt trong việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ thời hậu chiến sớm sủa ngay cả khi chính phủ hai nước còn chưa có động tác đầu tiên nào.
Nhà văn nối nhịp cầu hữu nghị Việt - Mỹ
Buổi tọa đàm như một hoạt động riêng nhằm kỷ niệm 27 năm bình thường hóa mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ (1995 - 2022).
Tuy nhiên, trước thời điểm 11-7-1995 ấy rất xa, những chuyển động trong quan hệ giữa hai nước đã bắt đầu - một cách thật đặc biệt - từ những nhà văn là cựu binh của cả hai bên.
Trong hoạt động này, phải kể đến hạt nhân là cựu binh, nhà thơ dịch giả Kevin Bowen, giáo sư Nguyễn Bá Chung và Viện William Joiner của Đại học Massachusetts.
Chính nhờ những con người trí thức, đam mê nghệ thuật và có tấm lòng quảng đại nhân ái, mới chủ động kết nối trở lại với phía cựu thù, để có được một chuyến mời hai nhà văn Việt Nam từ hai miền đất nước lúc chiến tranh - Lê Lựu và Ngụy Ngữ - sang Hoa Kỳ giao lưu từ năm 1988.
Bây giờ, sau hơn 30 năm và nhiều lần về Việt Nam tham gia nhiều sự kiện, giáo sư Nguyễn Bá Chung vẫn bần thần khi nhớ lại chuyến đầu tiên mời hai nhà văn cựu binh Việt Nam sang Mỹ.
"Lúc đó phải qua Thái Lan chờ xin visa vào Mỹ, và thủ tục kéo dài đến ba tuần, đến nỗi nhà văn Ngụy Ngữ mất hết kiên nhẫn đã định bỏ về", nhà thơ Nguyễn Bá Chung nhớ lại. Nhưng rồi chính nhờ những nỗ lực vô bờ ấy của Viện William Joiner mà nhiều thế hệ nhà văn hai nước đã đến được với nhau.
"Chúng tôi kết nối với nhau bằng những trang văn, bài thơ, bằng tiếng nói của lòng người để khép lại hận thù. Và ngay cả khi chính phủ cả hai nước còn chưa có chính sách nối lại quan hệ ngoại giao, chính tiếng nói của những nhà văn này có tính chất phá băng, thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ hai nước", nhà văn Nguyễn Quang Thiều - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - phát biểu.
Và tại cuộc tọa đàm, một người vắng mặt được nhắc đến thật nhiều là Kevin Bowen. Người cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam đã có những nỗ lực không đo đếm được suốt mấy chục năm hậu chiến chỉ vì một tình yêu Việt Nam tha thiết.
Không chỉ đưa các nhà văn hai nước sang gặp gỡ, thăm hỏi và tìm hiểu nhau, William Joiner còn tiến hành chương trình dịch tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Anh để phổ biến tại Mỹ. Đến nay đã có hơn 20 tác phẩm Việt Nam được ấn hành theo chương trình này.
Thiền tâm thấm đến triều đình...
Trong không gian nhiều hoài niệm như vậy, việc ra mắt Tuyển tập thơ Nguyễn Bá Chung - tập hợp từ bốn tập thơ ông đã in tại Việt Nam - trở thành như một duyên cớ làm nền cho các tâm sự được trải lòng.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng chúng ta vẫn còn trong một cuộc chiến khác. Đó là cuộc chiến của những bất đồng trong người Việt, từ bên trong và bên ngoài đất nước.
"Làm sao để tắt tiếng súng bên trong tâm hồn của những người Việt Nam, chỉ có như vậy, dân tộc mới tiến lên được", ông Thiều khẳng định. Trong dòng tâm sự đó, thơ được xem như là một liệu pháp cần thiết.
Cuộc tọa đàm có một khoảng thời gian nho nhỏ dành để diễn đọc thơ Nguyễn Bá Chung - những câu thơ mà Nguyễn Duy cho rằng có thể xem đó là thơ thiền - một dòng thơ thiền hiện đại nhưng mang phong vị của thơ thiền nhiều thế hệ:
Tôi đứng trên bờ mơ dáng xưa/ Trần gian ngại mấy tháng năm thừa/ Thành hoang trống cổ chuông chiều nhắc/ Một tiếng ngân dài vỡ giấc chưa? Và câu chuyện về cố thủ tướng Võ Văn Kiệt bỗng dưng được nhớ lại.
Ấy là có lần ông Sáu Dân tỏ ra rất quan tâm và tần ngần rất lâu trước bài thơ thiền của sư Pháp Thuận được dịch sang lục bát, với hai câu kết thật đắt: "Thiền tâm thấm đến triều đình/ Thì nhân gian dứt đao binh đời đời" (Vô vi cư điện các/ Xứ xứ tức đao binh).
Buổi tọa đàm có rất đông bạn trẻ, sinh viên đến dự. Ban tổ chức kỳ vọng những thông điệp từ đây sẽ theo mỗi người trẻ trong quá trình lập thân thành nhân. Đó cũng là con đường để "thiền tâm thấm đến triều đình" mà văn nghệ sĩ hai nước Việt - Mỹ trong hơn ba mươi năm qua đã không ngừng nỗ lực để đạt được.
Gắn kết bằng văn hóa là bền vững nhất
"Khi các quốc gia gắn kết bằng văn hóa, đó sẽ là gắn kết bền vững nhất. Và nếu rời bỏ văn hóa, các quốc gia chỉ còn gắn kết vì lợi ích và ở đó chỉ có các nhóm, không có tính bền vững.
Cho nên, việc mà Viện William Joiner đã làm, cựu binh Mỹ và Hội Nhà văn Việt Nam đã làm không chỉ là chuyện quá khứ, không chỉ là vấn đề hậu chiến, không chỉ bây giờ mà còn tiếp tục sau này, khi ta thấu hiểu được hai nền văn hóa của hai quốc gia dân tộc với nhau.
Hội Nhà văn Việt Nam sẽ lấy Mỹ như một ví dụ về thành công trong giao lưu văn hóa văn học, để mở rộng ra quan hệ với các quốc gia khác nữa" (Nhà văn Nguyễn Quang Thiều phát biểu bên lề tọa đàm).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận