Phóng to |
Hai chị em Cao Thị Nga vào tận rừng sâu hái lá dong kiếm tiền mua gạo ăn tết - Ảnh: Ngọc Dương |
Những ngày này, đồng bào Rục kéo hết vào rừng sâu hái lá dong. Rừng núi lạnh cắt da cắt thịt, nhiệt độ xuống khoảng 8 độ C, nhưng từ sáng sớm đã có hàng trăm đồng bào Rục ở bản Yên Hợp, bản Ón và bản Mò O Ồ Ồ của xã Thượng Hóa rộn ràng vào rừng. Các em học sinh sau mỗi buổi học hay những ngày cuối tuần cũng lặn lội vào rừng sâu phụ giúp cha mẹ kiếm thêm tiền sắm sửa ngày tết. Cuộc sống của đồng bào dân tộc Rục ở đây còn khó khăn, nên tiền bán lá dong là một khoản thu nhập rất quý đối với họ. Những vạt lá dong xanh mướt giữa rừng sâu được đồng bào dân tộc ở đây xem như là lộc rừng. Mỗi chuyến đi, một người lấy được khoảng 800-1.000 lá và được thương lái mua với giá 15.000-20.000 đồng/100 lá.
Lá dong rừng ở đây được nhiều thương lái và người dân trong huyện ưa chuộng bởi khi luộc chín lá vẫn còn xanh tươi và mùi thơm của lá rừng. Đây cũng là vựa lá dong lớn nhất Quảng Bình, cung cấp cho toàn huyện Minh Hóa và một số nơi khác như Tuyên Hóa, Ba Đồn, Đồng Hới (Quảng Bình) vào dịp tết hằng năm.
Chúng tôi theo em Cao Thị Nga, học sinh lớp 7, dân tộc Rục ở bản Yên Hợp, vào rừng hái lá dong. Nga không còn bố mẹ nữa, cả bố và mẹ em đều mất vì ốm đau mà không có tiền chữa trị. Từ đó, cô bé lớp 7 này trở thành trụ cột trong gia đình, vừa là chị cả vừa là cha mẹ của hai đứa em còn nhỏ là Cao Văn Linh (11 tuổi) và em Cao Văn Ngọc (12 tuổi). Chiều nào Nga cũng khoác chiếc áo mỏng manh lội qua những con suối lạnh ngắt, những mỏm đá trơn trượt mới tới được nơi cây dong mọc. Đến tối mịt chiếc gùi của Nga cũng đầy lá dong. Nga kể: “Năm nào cũng nhờ hái lá dong mà nhà em và bà con trong bản mới có tết”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận