Tuổi Trẻ trích ý kiến bạn đọc về văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông.
Đừng làm xấu xí giao thông thành phố
Xung đột giao thông không chỉ phản ánh hành vi cá nhân mà còn là tấm gương phản chiếu mức độ phát triển của xã hội. Các va chạm này thường nhỏ và bùng lên thành những xung đột nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân nhiều khi lãng xẹt. Điều đó đã ảnh hưởng đến môi trường giao thông và văn minh đô thị.
Tâm lý "không muốn thua" khiến xung đột giao thông leo thang không đáng có. Trẻ em lớn lên trong môi trường mà sự hung hăng, thiếu tôn trọng là điều bình thường, chúng có xu hướng lặp lại những hành vi này trong các tình huống xã hội, bao gồm giao thông. Nhiều người không hiểu rõ hoặc cố tình phớt lờ các quy tắc giao thông cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lộn xộn và căng thẳng không cần thiết trên đường.
Thêm một trường hợp bị xử lý hình sự vì đánh người do xích mích sau va chạm giao thông
Giải quyết triệt để các vấn đề này vô cùng thách thức nên rất cần sự chung tay góp phần nâng cao trình độ văn minh giao thông. Trước hết, giáo dục gia đình và nhà trường cần được cải thiện. Phụ huynh cần làm gương trong cách ứng xử bình tĩnh và tôn trọng lẫn nhau. Trẻ em cần được giáo dục từ nhỏ về giá trị của sự khoan dung, hợp tác và giải quyết xung đột một cách ôn hòa.
Bài học kỹ năng sống trong nhà trường cần có thêm kỹ năng kiểm soát cảm xúc, giao tiếp hiệu quả và văn hóa giao thông. Các cơ sở dạy lái xe rất cần chú trọng đào tạo kỹ năng ứng xử trên đường.
Nếu mỗi cá nhân đều biết tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật lệ và xây dựng một nền văn hóa giao thông văn minh, chúng ta không chỉ giảm thiểu được những mâu thuẫn không đáng có mà còn tạo dựng một hình ảnh đẹp hơn về giao thông, mỗi ngày ra đường an vui hơn.
Camera và hành xử theo pháp luật
Những vụ ẩu đả do mâu thuẫn, va quẹt trong giao thông vẫn gia tăng. Đánh người một cách dã man chỉ vì nạn nhân đưa ra lời nhắc nhở không còn là một chuyện cá biệt cho một thực trạng hết sức quan ngại: sự nóng nảy và thiếu kiểm soát cảm xúc của con người trong các tình huống va chạm giao thông.
Bình luận về những vụ này, nhiều người cho rằng ngày càng nhiều người có tiền mua xe tốt nhưng điều quan trọng hơn vẫn là cách ứng xử và thái độ sống văn minh khi lái xe ra đường. Sự giàu có không thể thay thế được ý thức pháp luật và đạo đức, những yếu tố cốt lõi để xây dựng một cộng đồng an toàn và nhân ái.
Tôi muốn góp một ý về giải pháp khá hữu hiệu trong bối cảnh công nghệ phát triển hôm nay. Các vụ gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích liên quan giao thông phần lớn bị phơi bày nhờ các loại camera từ những hộ dân, camera hành trình trên ô tô và các thiết bị giám sát giao thông. Trong những khoảnh khắc mất bình tĩnh và quyết dùng bạo lực, đừng quên mọi hành vi của mình đều được giám sát.
Những vụ va chạm giao thông, tranh cãi hay thậm chí những hành động nhỏ nhặt như vứt rác bừa bãi đều có thể được ghi lại và lan truyền trên mạng xã hội chỉ trong vài phút. Sự hiện diện của camera không chỉ là công cụ pháp lý mà còn là một lời nhắc nhở vô hình về ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xã hội.
Và, thay vì nóng giận và tự ý xử lý mâu thuẫn, việc nhờ đến sự can thiệp của cơ quan chức năng không chỉ giúp giải quyết vấn đề một cách công bằng và an toàn cho tất cả các bên. Trong nhiều trường hợp, nếu người dân phát hiện sai trái trên đường chỉ cần báo cáo hành vi đó cho lực lượng chức năng. Vấn đề có thể sẽ được xử lý một cách êm đẹp, hợp pháp, văn minh hơn mà không gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Việc nhanh chóng điều tra, truy xét, khởi tố, bắt khẩn cấp các đối tượng hung hăng hành hung người khác do mâu thuẫn giao thông trong thời gian gần đây là một tín hiệu đáng mừng. Việc tin tưởng và tuân thủ pháp luật không chỉ đảm bảo rằng mọi mâu thuẫn đều được giải quyết một cách công bằng mà còn tạo ra sự răn đe mạnh mẽ đối với những hành vi sai trái.
Điều này không chỉ giúp giảm thiểu các vụ xô xát trên đường phố mà còn nâng cao ý thức cộng đồng, hướng đến một xã hội an toàn và văn minh hơn.
Công cụ giám sát hiện đại cộng với quan điểm xử lý đến nơi đến chốn hành vi bạo lực giao thông của cơ quan chức năng sẽ có tác dụng đòi hỏi mỗi người cần suy nghĩ chín chắn hơn khi đối diện với mâu thuẫn. Nên chọn cách giải quyết bằng pháp luật thay vì "tự xử" bằng tay chân.
Vụ việc một người đàn ông đánh nhiều đòn hiểm vào người chị T.A. (ngụ quận 1, TP.HCM) hôm 9-12 gây bất bình dư luận. Chỉ một ngày sau, vụ việc ở quận 3 cũng khiến dân mạng và dư luận dậy sóng, kinh hãi với màn rượt đuổi ngay trung tâm thành phố giữa tài xế xe buýt, nhân viên xe buýt và một shipper.
Cũng tại TP.HCM, bốn thanh niên đi trên hai xe máy ép một nam thanh niên đi xe máy khác té ngã tại TP Thủ Đức. Sau đó, cả bốn người xông đến đánh hội đồng nạn nhân. Và mới nhất, vụ việc tài xế ô tô hành hung người đàn ông tên T.T.T. đang chở con đi học bằng xe máy ngay trước khu vực Bệnh viện Từ Dũ (quận 1).
Điểm chung của các sự vụ trên bắt đầu từ những nguyên nhân tưởng chừng như... không có gì nghiêm trọng. Nhưng cách phản ứng của những người trong cuộc lại rất manh động, bạo lực.
Bạn đọc góp giải pháp nào để xử lý tình trạng bạo lực trên đường, xây dựng lại văn hóa giao thông, xin mời gửi ý kiến về Tuổi Trẻ qua email: [email protected]. Tuổi Trẻ trân trọng đón nhận ý kiến bạn đọc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận