Học sinh Trường THPT Hùng Vương (Q.5, TP.HCM) tặng hoa cho cô giáo, chúc mừng Ngày nhà giáo VN - Ảnh: Như Hùng |
Tuổi Trẻ xin được giới thiệu hai trong số những bài viết nói trên.
Thời gian trôi qua thật nhanh, mới đó mà đã bước sang tháng mười một. Mấy hôm nay, trên đường đi đến cơ quan và trở về nhà, tôi luôn bắt gặp từng tốp các em học sinh, sinh viên cười nói rôm rả, trên tay là những đóa hoa tươi thắm và những phần quà nho nhỏ xinh xinh, chắc là để chuẩn bị tặng thầy cô.
Vậy là ngày 20-11 sắp đến. Đối với tôi, dù đã xa trường, xa lớp hơn mười năm, nhưng mỗi năm, cứ gần đến ngày 20-11 là kỷ niệm của những ngày còn ở mái trường, bên các em học sinh để truyền đạt kiến thức đầu đời lại trỗi dậy trong tôi, ngỡ như mới hôm nào...
Trong mười năm công tác trong ngành, tôi may mắn được trải qua nhiều công việc khác nhau, được tiếp xúc nhiều đối tượng học sinh. Mười năm, một khoảng thời gian không thật dài nhưng cũng không phải là ngắn để quên đi nhiều kỷ niệm. Nhớ, nhớ lắm những năm cứ gần đến ngày 20-11 là thầy trò lại quây quần tìm giấy, cây nẹp, bút lông màu... để trang trí những tờ báo tường dự thi cấp trường, cấp quận... Nhớ những tình cảm nồng ấm mà các em dành cho tôi, được ẩn chứa trong những gói quà nho nhỏ... Dù chỉ là những cuốn sổ, những cây bút nhỏ, nhưng các em đã cất công vẽ trang trí hay ghi nắn nót dòng chữ “Kính tặng thầy”...
Nhớ những cây bàng, cây phượng tôi từng cùng đám học trò vun gốc, tưới nước, cứ đến mùa hè vắng bóng học sinh là rụng đỏ những cánh phượng trong sân trường. Rồi đến ngày 22-12, Ngày quân đội nhân dân Việt Nam, nhớ những năm thầy trò dắt nhau vào các đơn vị quân đội đóng trên địa phương thăm hỏi, tặng quà, rồi cùng đàn ca giao lưu với các anh thật vui vẻ. Và còn nhiều, nhiều lắm những kỷ niệm...
Đôi khi đi trên đường, tôi cũng bắt gặp một cái gật đầu chào của một em nào đó, chắc là em đã từng học tôi và còn nhớ đến tôi. Tôi thì hoàn toàn không nhớ đã dạy em ở lớp nào, năm nào... Trong mười năm, tôi không biết mình đã đưa được bao nhiêu chuyến đò, chở theo bao nhiêu khách là những em học trò qua sông.
Dù cuộc sống của nhà giáo còn không ít khó khăn, dù ở đâu đó, một lúc nào đó vẫn còn những học sinh chưa ngoan, còn làm phiền lòng thầy cô; nhưng với truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam, tôi vẫn tin rằng các thầy cô sẽ vượt lên tất cả để đứng vững trên bục giảng, vẫn là tấm gương sáng cho các thế hệ học trò noi theo.
Riêng với các bạn trẻ vừa mới bước chân vào ngành giáo dục, cũng như các bạn có ý định chọn nghề giáo, xin chúc cho các bạn có đầy đủ niềm tin và nghị lực để đi trọn vẹn con đường mình đã chọn. Các bạn hãy đem hết nhiệt huyết của tuổi trẻ ra làm việc và cống hiến, để mai này khi không còn được đứng trên bục giảng với phấn trắng, bảng đen thì vẫn còn một chút gì... để nhớ, để hoài niệm về những năm tháng mình đã sống hết mình cho sự nghiệp giáo dục đàn em thơ.
Còn tôi, nếu thời gian có quay trở lại ngày xưa ấy, tôi vẫn sẽ chọn nghề giáo để được làm ngọn đuốc thắp sáng tri thức, trang bị hành trang cho lớp lớp tuổi thơ bước vào đời mai này.
Nếu cho chọn lại, tôi vẫn chọn nghề giáo Có thể nói, nghề giáo hiện nay là nghề chịu nhiều áp lực nhất của xã hội. Dù mệt mỏi và áp lực như thế, nhưng chỉ cần nhìn các em, đón nhận những tình cảm hồn nhiên trong sáng dành cho thầy cô, thì bao vất vả mệt nhọc của chúng tôi lại tiêu tan hết. Vẫn còn đâu đó những học trò hư không nghe lời, hay có thái độ vô lễ, coi thường thầy cô giáo, còn những phụ huynh nói lời nặng nhẹ với chúng tôi khi không vừa lòng điều gì đó... Nhưng đó cũng chỉ là số ít. Chẳng có niềm vui nào sánh bằng việc các em luôn xem thầy cô như người cha, người mẹ ở trường, luôn tin tưởng, lắng nghe những lời dạy bảo của chúng tôi. Hằng năm, cứ gần đến ngày kỷ niệm của thầy cô, những cô cậu học trò lại tự tay làm những cánh thiệp nhỏ xinh, nắn nót viết từng dòng chữ chan chứa tình yêu thương để tặng chúng tôi. Ai không vui, không xúc động khi đọc được những dòng chữ như: “Em yêu cô nhất trên đời”, “Cô là người mẹ hiền thứ hai của em”... Rồi những học trò cũ phương xa vẫn hướng về thầy cô giáo của mình bằng những cánh thiệp, những lời chúc thấm đầy tình thương, lòng biết ơn sâu sắc... Nghề giáo tuy có nghèo về vật chất, nhưng lại là nghề “giàu có nhất”. Đó là sự giàu có về tình thương, về lòng nhân ái, về sự tận tụy với nghề, với người... Đáp lại những hi sinh ấy, nghề giáo luôn được mọi người tôn vinh là “nghề cao quý”. Không chỉ được học sinh dành tình cảm, lòng yêu thương cho cô thầy - thứ mà có bạc tiền nhiều cũng không dễ gì mua được - mà chính các bậc phụ huynh cũng luôn gọi thầy cô giáo của con mình bằng hai tiếng “thầy, cô” một cách đầy trân trọng. Đã có không ít thầy cô giáo khi được hỏi: “Nếu cho chọn lại, có chọn nghề giáo?”. Không chút đắn đo, phần lớn đều nhận được câu trả lời: “Tôi vẫn chọn nghề giáo”! Phan Tuyết |
“Nếu thời gian có quay trở lại ngày xưa ấy, tôi vẫn sẽ chọn nghề giáo, để được làm ngọn đuốc thắp sáng tri thức, trang bị hành trang cho lớp lớp học trò bước vào đời mai này" |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận