Hai chị em Vĩnh An và Vĩnh Ái biểu diễn đàn trong phòng cách ly của Bệnh viện dã chiến số 6 thời điểm tháng 9-2021 - Video: NVCC
Tháng 9-2021, cả gia đình 6 người của Vĩnh Ái, Vĩnh An (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) mắc COVID-19 và được đưa vào Bệnh viện dã chiến số 6 (TP Thủ Đức) để điều trị.
Hành trang mà hai chị em kịp mang theo lúc đó chỉ là vài bộ quần áo, ít đồ dùng cá nhân cùng hai cây đàn violin - thứ mà sau này cả hai đều không ngờ đã trở thành "người bạn chung" của những ai đang có mặt tại bệnh viện thời điểm đó.
Chiều chiều, Vĩnh An và Vĩnh Ái nén cơn mệt, cùng nhau lên sân thượng, ngẫu hứng chơi những khúc ca mình thích. Sân thượng bệnh viện trở thành sân khấu "nhớ đời" cho hai chị em. Khán giả là những bệnh nhân đang điều trị COVID-19, là đội ngũ y bác sĩ đang ngày đêm túc trực, chăm sóc cho mọi người.
"Ở trong bệnh viện thời điểm đó mà có một chương trình giải trí kiểu như đàn hát là điều rất xa xỉ, nhưng sau mỗi lần đàn ca xong, tôi nhận thấy ai cũng tươi khỏe. Các con được đàn, được có người lắng nghe, tán thưởng nên cũng vui hơn. Các y bác sĩ thấy vậy cũng yên tâm nữa", ông Quốc Tuyền, bố của Vĩnh An, Vĩnh Ái, chia sẻ.
Hai chị em Vĩnh An và Vĩnh Ái (bìa phải ảnh) trong những lần biểu diễn đàn trên sân thượng bệnh viện dã chiến - Ảnh: NVCC
Bằng tiếng đàn du dương, cả hai đã thực sự mang lại những giây phút thảnh thơi, qua đó động viên tinh thần bệnh nhân và khích lệ, ghi nhận cũng như thay lời cảm ơn, tri ân đến đội ngũ y bác sĩ.
"Sân khấu" ấy không thu vé vào cổng, còn thù lao cho cả hai chị em là những nụ cười sảng khoái của mọi người, điều hiếm hoi để thấy được ở thời điểm dịch giã căng thẳng.
"Đó là những show diễn mà có lẽ em sẽ nhớ mãi. Nhớ nhất là hình ảnh có nhiều bệnh nhân, nhiều cô y bác sĩ lần đầu được mắt thấy tai nghe tiếng đàn violin. Họ đã khóc, rồi lại cười. Mọi người dù đứng cách nhau, đeo khẩu trang nhưng tiếng cười vẫn rất vui", Vĩnh Ái nói.
Vĩnh Ái và Vĩnh An biểu diễn tại Bệnh viện Nhi đồng TP vào mỗi tháng - Ảnh: NVCC
Sau hơn hai tuần điều trị, cả gia đình may mắn đều đã khỏe mạnh và được ra viện. Dù thế, việc không thể gặp trực tiếp từng anh chị tình nguyện viên, y tá, điều dưỡng và bác sĩ... người đã ngày đêm quan tâm chăm sóc, điều trị cho mình cũng là điều luôn canh cánh trong lòng hai chị em Vĩnh Ái, Vĩnh An.
Từ đó, hai chị em quyết tâm thức ngày thức đêm để nghĩ lời, viết nhạc và cho ra ca khúc Kỷ niệm 6 cả đời khó quên - hơn cả một bản nhạc, bởi từng câu từ lời ca trong đó đều để ghi lại những kỷ niệm, ấn tượng khó phai cùng lòng biết ơn sâu sắc của hai chị em gửi tới những ân nhân đời mình. Ca khúc sau đó được hai chị em trình bày, vừa đàn vừa hát.
"Bài hát có đôi nốt vẫn bị lệch do hụt hơi khá nhiều so với trước, tuy nhiên đây là ca khúc mà hai chị em đã dồn hết tâm huyết, cảm xúc để viết nên, tất cả cũng chỉ mong gửi một lời cảm ơn, tri ân sâu sắc nhất đến với lực lượng y bác sĩ đã chịu nhiều gian khó suốt thời gian qua", cô gái Vĩnh An tâm sự.
Mở lời ca khúc Kỷ niệm 6 cả đời khó quên:
Một đêm dài quá đỗi/
Tôi chợt nghe tiếng thì thào từ trái tim mình: Hãy quyết thắng bạn nhé!/
Tôi hòa mình vào tiếng đàn du dương/ Mọi ưu phiền chợt tàn theo làn sương đêm.
Giờ đây lòng tôi tiếp thêm năng lượng mới/ Hòa tấu những ca khúc thật thiết tha,
Gởi đến muôn người cùng cảnh ngộ thương mến/...
Từ đó đến nay, hai chị em Vĩnh An và Vĩnh Ái vẫn duy trì mỗi tháng một lần tham gia hát tặng gửi tới các bệnh nhân, người nhà và đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng TP.
Cùng Tuổi Trẻ gửi lời tri ân
Năm 2021, hàng chục nghìn bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên y khoa các trường đại học, chiến sĩ quân y… từ mọi miền đã tới các tỉnh thành phía Nam, trong đó có TP.HCM, để cùng các địa phương chống dịch COVID-19. Trong đồ bảo hộ bít bùng, khẩu trang kín mít, nhiều bệnh nhân không biết mặt người ngày đêm điều trị, chăm sóc mình.
Rất nhiều cảm xúc, lưu luyến, nhiều lời cảm ơn chưa kịp nói khi người bệnh xuất viện, khi các bác sĩ, điều dưỡng... rời đi lúc đại dịch bớt căng thẳng.
Tuổi Trẻ Online mời bạn gửi lời tri ân đến những thiên thần áo trắng, chia sẻ các kỷ niệm, cảm xúc, kỷ vật còn lưu giữ trong những ngày bạn hoặc người thân điều trị COVID-19. Bài viết, hình ảnh xin gửi về: [email protected].
Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận