15/07/2019 21:29 GMT+7

Nhớ mãi lời thầy 'luyện võ cho đàng hoàng, tử tế'

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - "Hình như gần đây nhiều người trong giới võ thuật đang trở lại thời võ lâm rồi" - một sư huynh của tôi tâm sự buồn về tình trạng thị phi võ miệng và võ thật để hơn thua nhau ngoài xã hội!

Nhớ mãi lời thầy luyện võ cho đàng hoàng, tử tế - Ảnh 1.

Tổ sư Ueshiba Morihei môn phái Aikido chủ trương võ thuật hướng đến tình nhân ái, hạn chế bạo lực - Ảnh tư liệu

Thậm chí, mới đây đã xảy vụ đánh đấm giữa võ sư Nam Anh Kiệt, tổng đàn chủ Vịnh Xuân Nam Anh tại VN và võ sư Nam Nguyên Khánh - một trận đánh ngay tại nhà riêng mà dư luận cho rằng hoàn toàn không có tinh thần thượng võ!

Người ngoài mới nghe có thể khó hiểu. Nhưng chúng tôi không lạ lẫm gì chuyện này. Trong giới võ thuật, hai từ "võ lâm" để chỉ thời xa xưa - cái thời còn "u u minh minh", luật pháp chưa chặt chẽ, người ta còn cầm kiếm tự xử theo luật giang hồ, ai mạnh thì thắng, oán hận và trả thù không ngớt... Cao hơn hẳn là võ đạo - nơi mà những người tập võ đã thật sự vượt qua cái bản ngã thắng - thua - oán thù phải trả. Võ với họ đã trở thành đạo, có triết lý nhân, thiện, mỹ trong đó, không chỉ đơn thuần là những đòn thế để đánh người hay thắng người.

Thập niên 1980, thời chúng tôi mải mê tập võ, thầy dạy võ ít ỏi lại nghèo khó, ban ngày chạy xích lô, tối đến sân dạy. Võ đường, câu lạc bộ hầu hết đều dạy chay, trò cũng học chay ngoài trời ở bất cứ cái sân nào đó bằng phẳng một chút. 

Chúng tôi không hề biết sàn tập an toàn bằng vật liệu tổng hợp, cũng làm gì biết mũ, giáp bảo hộ. Thầy trò dành tiền mua được cái bao cát và mấy thanh sắt dựng cọc treo bao tập là mừng lắm rồi. Nắng thì chịu nắng, mưa thì mặc mưa. Có những đợt sắp vào giải đấu, thầy trò trần mình trong mưa mà luyện tập...

Thiếu thốn là vậy nhưng chúng tôi tập luyện vui vẻ và say mê lắm. Tôi nhớ mãi lời thầy dạy: "Được mặc bộ võ phục trên người, được ra sân dạy, sân tập là quý lắm rồi. Thôi thầy trò mình ráng luyện tập cho đàng hoàng, tử tế". Và chữ đàng hoàng, tử tế gắn với tôi suốt hàng chục năm qua. Tại sao thầy không dạy phải luyện võ cho giỏi, mà lại luyện võ cho "đàng hoàng, tử tế"?

Sau này, khi đứng lớp dạy lại các em võ sinh khác, tôi thấm dần và hiểu sâu sắc lời thầy dạy. Võ thuật với những đòn thế đánh người có thể là con dao hai lưỡi. Nó giúp người, giúp mình, nhưng cũng có thể hại người. Thầy dạy võ nào mà không muốn trò giỏi. Nhưng người thầy đã đạt đến võ đạo đều hiểu rõ chỉ cái giỏi của võ thuật không chưa đủ (bởi mới chỉ giỏi kỹ thuật đánh đấm), mà phải đạt đến võ đạo.

Thầy muốn truyền võ đạo cho võ sinh, nhưng với các em nhỏ tuổi, nói chữ "đạo" thì mơ hồ, khó hiểu quá. Thầy phải nói một cách đơn giản hơn, dân dã hơn là "đàng hoàng, tử tế". Cái này thì có lẽ ai cũng hiểu được - lẽ sống giữa con người với con người.

Còn nhớ, hồi đó sân tôi tập ở Tân Bình có mấy môn phái cùng luyện. Taekwondo chúng tôi tập một góc. Karate một góc. Vovinam, Vịnh Xuân quyền một góc. Anh em ngoài giờ tập riêng theo môn phái, đều vui vẻ chơi với nhau như bạn bè. Hiếm hoi có vài võ sinh cá biệt, gây gổ bạn tập ở môn phái khác, rồi sinh đánh đấm thử tài ngoài đường.

Thầy tôi biết được la rất dữ. Khi mọi chuyện tạm qua, thầy lại khuyên: "Em có biết tại sao tôi không cho em thử tài đánh đấm không? Bởi vì nó giải quyết được gì? Hôm nay em có thể thắng bạn này. Ngày mai có bạn khác lại muốn đánh cho em thua. Chuyện này sẽ bao giờ dừng?".

Tôi còn nhớ mãi lời thầy dạy: "Học võ mà chỉ muốn đánh thắng người thì tầm thường quá. Vậy thì cầm cây sắt, cầm con dao mà đánh gục họ đi, việc gì phải luyện võ năm này qua năm khác cho khổ để chỉ có mỗi mục đích phải thắng người!". Tôi hiểu ý thầy muốn nói là người luyện võ nên hướng tới mục tiêu cao cả hơn, đẹp đẽ hơn, chứ không chỉ là trò cơ bắp thắng - bại. 

Sân tôi tập có vài võ sinh cá biệt, thích đánh nhau. Thầy khuyên dạy vài lần không được, đã cấm tập. Thầy nói nếu để các em này tập nữa trước sau gì cũng đem họa cho người và cho mình. Tốt nhất là những người đó đừng học võ nữa.

Bây giờ, tôi chưa già cũng không còn trẻ, vốn liếng võ thuật cũng chỉ tạm gọi là mon men võ vẽ. Nhưng tôi đã thật sự hiểu tập võ để làm gì, và thật sự ngán ngẩm với những chiêu trò thách đấu, thử tài cao thấp loạn xạ như giang hồ bên ngoài. 

Hôm nay, bạn hạ một ai đó, ngày mai và ngày mốt bạn lại tiếp tục hạ những người khác để chứng minh bạn giỏi hơn. Nhưng bạn có dám chắc đến một ngày nào đó, bạn sẽ không bị thảm bại nếu chỉ biết mải mê tranh tài đánh đấm?

Cười người hôm trước, ngày mai người cười! Luyện võ chỉ đơn giản thế sao?

   

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp