Gọi là "ruộng heo" bởi vì làm ruộng này, xã viên không nộp bằng thóc mà phải cân heo hơi cho hợp tác xã theo từng vụ lúa. Mỗi năm hai vụ lúa là hai lần cân heo, ai nuôi heo to, số cân dư thì lại được hợp tác xã trả bằng lúa.
Cứ mỗi lần đến dịp cân heo như rứa, thôn xóm rộn rã, tất bật không khác chi ngày mùa với tiếng heo kêu, tiếng người gọi nhau, rồi cảnh người gánh heo đến sân hợp tác xã. Đến khi cân heo thì cán bộ hợp tác xã với xã viên cãi nhau chí chóe vì cái bội đựng heo lót thêm mấy cục đá dưới lớp rơm khô, vì heo ăn quá no để được thêm mấy cân; rồi ông cán bộ hợp tác xã ghét mặt một số xã viên cứ chúi cái cần cân xuống để giảm cân cho biết...
Hồi đó, miếng thịt heo cũng quý lắm. Hợp tác xã nông nghiệp đại hội, xã viên được chia phần thịt heo về liên hoan. Có năm, nhà bà cô của tôi đi Sài Gòn thăm bà con, rứa là mấy phần thịt của nhà bà được chia cho nhà tôi. Nhận thịt về, mẹ cắt thành những cục thịt to, kho rim với nước mắm cho thiệt mặn treo lên chàn bếp để dành tới hơn 10 ngày sau gia đình bà mới về cũng có phần thịt mà ăn.
Mỗi năm ở làng tôi chỉ có hai dịp thường kỳ là có thịt heo ăn khá thỏa thuê đó là Tết và Chạp họ. Đi họ ngoài phần thịt xôi dư trên mâm chia cho mỗi người; nếu còn dư một hai mâm thịt xôi chi đó thì đấu giá, ai trúng đến mùa đong lúa cho họ.
Những năm quê tôi còn làm ăn chung trong đội sản xuất của hợp tác xã nông nghiệp. Cuối năm, mỗi đội như thế được hợp tác xã phân phối cho mấy con heo để mổ thịt chia cho từng hộ xã viên. Cứ đến sáng 28 Tết, nhà ông Tời ở cạnh nhà tôi là địa điểm mổ heo.
Trời vừa tờ mờ sáng, tiếng heo kêu eng éc của mấy con heo đã đánh thức mấy anh em tôi dậy. Nhìn ra đường, thấy mấy chú thanh niên trong đội đang gánh mấy con heo bị trói chổng ngược 4 chân kêu inh ỏi vào ngõ nhà ông Tời. Tiếng heo kêu những ngày giáp Tết đã trở thành thanh âm gần gũi trong ký ức tôi, nó báo hiệu cho những ngày no đủ, sum vầy đã đến…
Tất nhiên, những chuyện vui như đi coi mổ heo thì đám trẻ con nông thôn chúng tôi không thể vắng mặt. Người lớn chia nhau thổi lửa, bắc nước sôi, nhúng heo, cạo lông heo hay mổ heo đều là những công đoạn được chúng tôi quan sát tỉ mỉ, thích thú. Cả mấy chục đứa con nít trong xóm, đứa mô đứa nấy đều chăm chăm lấy cho được cái lọng bóng heo để thổi lên chơi trò chuyền bóng.
Mà heo mổ chỉ được mấy con, nên đứa mô là con chủ nhà, hay có người nhà trực tiếp mổ heo mới được có cái lọng bóng. Để an ủi mấy đứa không có phần, mấy bác trong đội khi mô cũng cho mấy đứa con nít một đứa một tô nước xýt (nước luột thịt). Trời lạnh, bụng đói mà húp sì soạp tô nước xýt nóng vừa thơm vừa béo ngậy thấy thấm tháp chi lạ…
Luộc xong bộ lòng, xả thịt tươi những bộ phận còn lại xong là đến lúc chia phần. Đây có vẻ là một việc khó không phải ai cũng làm được. Ở xóm tôi khi mô ông Phương cũng được giao việc khó này. Ông rọc từng miếng thịt, chặt từng cục xương, cắt từng miếng lòng... Tay ông cứ thoăn thoắt, lia lại chia khá đều từng phần thịt trên mấy ngọn lá chuối xanh trải ở cái nống to đặt trên hiên nhà ông Tời.
Thỉnh thoảng thấy miếng chi ngon ngon ông Phương cho luôn vào miệng mà không ai dám nói chi, chỉ sợ ông phật ý thì không ai đứng ra chia thịt cho. Những phần thịt hấp dẫn trên những miếng lá chuối xanh được chia cho từng nhà. Rứa là dù nhà ai khá hay nhà ai nghèo thì ba ngày Tết đã có thịt heo treo trên giàn bếp chuẩn bị cho mâm cúng tất niên và ăn uống trong ba ngày tết…
Sau này khi không còn làm ăn chung hợp tác xã nữa thì trước Tết vài ba tháng, mấy nhà trong xóm cùng góp tiền mua một con heo chung để nuôi chờ đến Tết mố thịt chia nhau. Đó là giống heo cỏ, mình ngắn, lông nhiều và rất chậm lớn. Bù lại thịt heo cỏ nạc nhiều, vừa thơm lại vừa ngon.
Rồi cứ đến sáng 28 Tết, mấy nhà trong xóm lại quây quần với nhau mổ heo chia thịt. Lũ con nít cũng được húp nước xýt và cả ăn cháo lòng. Cuộc sống mỗi năm một khấm khá hơn nên phần thịt heo ngày Tết cũng đầy đặn hơn. Nhưng có lẽ, niềm vui không đến từ những phần thịt heo mà là từ cái tình nghĩa cộng sinh của xóm của làng đã có từ bao đời nay…
Mấy bận về Tết, tôi vẫn thường nhắc lại chuyện mấy nhà trong xóm góp tiền để mua một con heo chung mổ thịt đón Tết năm nao. Mấy bác trong xóm cười, nói chuyện đó xưa rồi. Chừ lò mổ đầy ra đó, muốn có thịt thì chạy ù ra chợ muốn miếng mô ngon thì mua. Đến cả chuyện nấu bánh chưng, bánh tét; đổ bánh thuẫn, bánh in ngày Tết…cũng đã không còn trong không ít gia đình ở làng nữa khi mà cái chi ngoài chợ cũng có.
Ngày Tết bây chừ đúng là không thiếu một thứ gì từ cái ăn, cái mặc, cái chơi… Thì những lon bia vẫn nổ đôm đốp khắp mọi nhà từ phố đến quê, trẻ con đến nam thanh nữa tú thì ăn mặc phải mốt, phải đẹp chứ không đơn thuần chỉ là một tà áo mới như ngày xưa. Sao tôi vẫn mãi là một người sống cùng hoài niệm để cứ nhớ mãi tiếng heo kêu mà nao nao lòng trong những ngày giáp Tết…
Mời bạn tham gia viết bài 'Tết của tôi'
Cứ mỗi độ xuân về, kỷ niệm về cái Tết lại ùa về trong mỗi chúng ta. Tết trong tôi là hương của chiếc áo mới. Tết của bạn là những những bao lì xì. Tết của những ai xa quê là mong về đoàn tụ bên gia đình, người thân...
Những thứ ấy đã trở thành kỷ niệm đẹp, không cần hồi tưởng, nó vẫn cứ ùa về trong nỗi nhớ miên man.
Tết, cũng có thể không chỉ là kỷ niệm, mà còn là những chiêm nghiệm, suy nghĩ về bản thân, những điều cần làm, những yêu thương, dự định cần thắp lên.
Xuân Mậu Tuất sắp đến, nhằm ghi lại những ký ức đẹp và chia sẻ những suy nghĩ, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Tết của tôi 'cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.
Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ... có độ dài tối đa 1.500 từ (có thể kèm theo clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.
Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gởi về: [email protected] hoặc [email protected]. Tác giả ghi rõ thông tin liên lạc ngay dưới bài. Chân thành cảm ơn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận