05/04/2021 12:47 GMT+7

Nhớ lắm, tiếng rao thời nghèo khó - Kỳ 1: Ơi, hớt tóc dạo ơi

THÀNH NHƠN
THÀNH NHƠN

TTO - Bác hớt tóc dạo, chú mài dao kéo, hàn dép nhựa, bơm mực bút bi, cô sửa quần áo rách, chạy 'chợ trời',... những nghề gắn bó thân thương của một thời bao cấp nghèo khó bây giờ ra sao?

Nhớ lắm, tiếng rao thời nghèo khó - Kỳ 1: Ơi, hớt tóc dạo ơi - Ảnh 1.

Cái vòi nước xịt tóc mà ông Tấn khoe có từ thời cha mình còn nhỏ xíu - Ảnh: T.NHƠN

"Mới cách đây chừng 30 năm, nghề này còn bảnh à nghen! Đi tầm buổi sáng đã hớt được gần chục đầu. Hổng ai dám nói chuyện cà chớn vì sợ tui để bụng tém cái đầu xấu quắc. Uy dữ thần hông?" - ông Võ Văn Tấn, thợ cắt tóc dạo, kể chuyện.

Bộ đồ nghề của ông cũng như bao thợ hớt tóc dạo chỉ đơn giản với chiếc tôngđơ tay, cây kéo, con dao cạo liền lưỡi, cái lược và tấm kính nho nhỏ.

Hớt tóc, hớt tóc đây

Những ngày đi tìm hiểu nghề hớt tóc dạo một thời thịnh hành, tôi đã rất vất vả. Cuộc sống hiện đại với những salon tạo kiểu "đầu người mẫu" trong phòng máy lạnh sang trọng đã khiến nghề hớt tóc dạo vắng dần.

Tưởng chừng vô vọng thì tôi tình cờ gặp ông Võ Văn Tấn (66 tuổi, ngụ thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú). Mảnh đất thị tứ này của An Giang trở thành chứng nhân cho câu chuyện hơn 30 năm ông gắn với cái tôngđơ, cây kéo.

Bên dòng đời hiện đại, ồn ã, ngày ngày ông Tấn vẫn đạp chiếc xe cọc cạch, chở cái ghế xếp, hộp đựng đồ nghề xưa cũ cùng bình xịt nước với cái vòi tự chế mà ông khoe có từ thời... tía mình còn "cởi truồng tắm mưa".

"Cả vùng này giờ chỉ còn mình tui đi hớt tóc dạo. Mấy ông làm nghề cùng thời đã nghỉ hoặc ngủm củ tỏi cả rồi. Chú không tin cứ đi kiếm đỏ con mắt, đố ra ông nào bán kính 20km gần đây" - ông Tấn cười nói.

"Hớt tóc, hớt tóc đây!". Lời rao quen thuộc, gần gũi một thời. Hễ nghe thấy tiếng rao này là mấy ông già lại nôn nao vuốt tóc, xoa râu coi tới hạn cần gặp "cha hớt tóc dạo" chưa. Rồi lũ con nít rảnh rỗi cũng tụ lại, tò mò nhìn ngó cái tôngđơ, tấm kính.

Đó là thời thợ hớt tóc dạo thường đeo thùng đồ nghề đi bộ hoặc chạy xe đạp lang thang hẻm phố, đường quê.

Ông Tấn tâm sự nghề hớt tóc dạo bận trước thập niên 1990 dù không thể làm giàu nhưng cũng tạm "phê pháo", nuôi vợ con đủ cơm ngày ba bữa giữa thời nghèo khó. Ngày đó, những nghề như may đồ, sửa đồng hồ hay cắt tóc dạo đều phải tốn một khoản chi phí kha khá để được truyền nghề.

"Nói thì nói vậy nhưng cũng nhiều ông tự học rồi tự đi mần nghề luôn. Nghề này sướng ở chỗ chỉ cần bỏ tiền mua bộ đồ nghề hớt tóc lúc ban đầu, còn sau đó thì lấy công làm lời. Ngày xưa thằng cha nào siêng năng một ngày có thể hớt 20 cái đầu, sống ngon lành cành đào" - ông Tấn bồi hồi nhớ lại.

Những chiếc kéo, tôngđơ, dao cạo được ông Tấn cất giữ trong cái hộp cũ kỹ. Đều đặn cứ 6h sáng ông rời khỏi nhà, ghé quán nước đầu chợ hớp vội ly cà phê đá rồi leo lên chiếc xe đạp cà tàng rảo chợ Cái Dầu. Dù khu này giờ không thiếu tiệm hớt tóc bình dân giá rẻ, nhưng người dân vẫn ưu ái ông thợ cắt tóc dạo vừa vui tính vừa lấy tiền rẻ này.

"Chú Tư Tấn hớt tóc ở đây từ bận tui còn nhỏ xíu. Giờ nhiều tiệm tạo kiểu, uốn nhuộm các kiểu hoa lá hẹ nhưng tui vẫn thích chú Tư bởi chú hớt ưng cái bụng. Mà mai mốt chú hết làm chắc không còn ai hớt tóc dạo nữa" - ông Nguyễn Mạnh Dũng, người dân tại chợ Cái Dầu, chia sẻ.

Chỉ trong buổi sáng tại chợ Cái Dầu, ông Tấn đã hớt cho 5 người. Lịch trình hoạt động hằng ngày trong mấy chục năm qua của ông không nhiều thay đổi. Sáng hớt khu vực chợ Cái Dầu, chiều lân la sang chợ chuột Phù Dật và mấy khu lân cận. Mặt trời lặn cũng là lúc ông cất đồ nghề, đảo xe trở về nhà...

Buổi chiều nhạt nắng ở biên giới, tôi gặp ông Trần Văn Thành (50 tuổi) cũng là lúc ông đang rảo quanh các tuyến đường kênh nội đồng Hồng Ngự (Đồng Tháp) để tìm khách hàng. Hộp đồ nghề hớt tóc dạo của ông là cái thùng đạn thời chiến sơn hai chữ hớt tóc bạc màu thời gian.

Lạ thay, ông Thành chạy xe nhưng không hề rao hoặc bóp kèn để người dân trong vùng này biết ra hớt tóc.

"Bà con riết quen rồi, chỉ cần thấy bóng dáng tui là biết thợ cắt tóc đã tới. Đâu cần kèn nhạc ầm ĩ làm gì" - ông Thành xoa đầu kể.

Cũng như nhiều thợ hớt tóc dạo cao tuổi khác, ông Thành đã hơn 25 năm đạp xe đi tìm khách. Chỉ 5 năm trở lại đây, do sức khỏe yếu, ông mới ráng dành dụm mua chiếc xe máy cũ để đi cho đỡ tốn sức.

"Ngày nào cũng tốn ngót nghét một lít xăng đó nghen. Tui hớt đầu người lớn 20.000 đồng, con nít 10.000 đồng. Bữa nào gặp may cũng chỉ được hơn trăm ngàn cơm nước" - ông Thành tâm sự.

Ông trầm ngâm kể ngày xưa thợ cắt tóc dùng tôngđơ tay, không có tôngđơ sạc điện thuận tiện như giờ. Các kiểu tóc cũng ít, chỉ có vài kiểu đơn giản như chải thấp, chải cao, bát dài, bát ngang.

Ngày nay, cánh thợ trẻ trong tiệm máy lạnh có thể hớt hàng chục kiểu tóc. Nhưng những người thợ cắt tóc dạo tuổi đã heo may vẫn giữ kiểu truyền thống, và các "thượng đế" vùng quê nghèo cũng không thấy ai càu nhàu kiểu tóc quê mùa.

"Hớt tóc bằng tôngđơ tay ngày xưa coi vậy mà khó à nghen, không khéo là cái đầu sặc rằn. Bởi vậy thợ hớt oai lắm, mấy ai dám hó hé vì sợ hư mái đầu" - ông Thành hóm hỉnh cho biết.

Nhớ lắm, tiếng rao thời nghèo khó - Kỳ 1: Ơi, hớt tóc dạo ơi - Ảnh 2.

Ông Võ Văn Tấn hớt tóc dạo cho khách - Ảnh: T.NHƠN

Sống được là nhờ chú bác thương nhớ

"Người ta còn thương nhớ là mình còn sống được nghề xưa này. Giờ con cháu đã lớn, gửi tiền phụ giúp nhưng cái tôngđơ cứ bám riết lấy tui. Bỏ dăm ba hôm lại nhớ, lại lấy xe chạy đi tìm mái tóc người ta" - ông Võ Văn Tấn trải lòng.

Ông Tấn cũng từng có thời gian mở tiệm tóc đàng hoàng và dạy nghề cho hai người con trai ruột. Tuy nhiên, do không có đam mê như ông, hai người con chỉ cắt tóc một thời gian rồi lên Sài Gòn làm công nhân. Ngột ngạt với bốn bức tường, khác hẳn với thú "phiêu bạt lãng tử" của nghề cũ, ông sang tiệm rồi lại lên xe đạp lòng vòng tìm khách.

"Riết như quen, mần tự do riết nên ngồi một chỗ thiệt tình không chịu được. Cũng cảm ơn ông trời, giờ này vẫn còn đi, vẫn còn cầm được cái tôngđơ" - ông Tấn tâm sự.

Còn ông Trần Văn Thành cũng bao phen lao đao, nghỉ nghề, rồi lại tiếp tục cầm tôngđơ như "nghiệp vận vào người".

Ông kể: "Tui rảnh rỗi cũng hổng làm gì, kiếm được đồng ra đồng vào đỡ phiền con cháu. Nói chứ, nếu ngày nào đó không còn được cầm kéo chắc nhớ lắm à nghen".

Mấy đứa con ông Thành cũng lên Sài Gòn mưu sinh. Không ai theo nghề cha, nhưng ông cũng không chạnh lòng.

"Sắp nhỏ mần nghề này mà nghèo khó thì cũng xót lắm chớ. Cha mẹ nào không mong con cái học hành tới nơi tới chốn, kiếm cái nghề nhẹ nhàng, đàng hoàng" - ông Thành nhẹ nhàng trải lòng.

Người hớt tóc dạo cụt tay

Ở TP.HCM đến những năm 1980 vẫn còn người hớt tóc dạo. Cũng cái hộp gỗ hay thùng đạn bạc màu đựng đồ nghề, họ đạp xe rong ruổi tìm khách trong các con hẻm.

Hồi đó, nhà tôi ở gần ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình) cũng hay nghe tiếng rao "ai hớt tóc, hớt tóc" vào những trưa hè oi ả. Tôi còn nhớ như in có chú Bảy Thành (hình như là Nguyễn Văn Thành) là cựu binh, bị mù một mắt, cụt một tay mà vẫn ngày ngày đạp xe hành nghề hớt tóc dạo.

Chỉ với tay phải còn lại, chú hết cầm lược chải, lại cầm kéo, cầm tôngđơ. Chú vừa hớt đẹp, vừa kể chuyện tiếu lâm nên ai cũng khoái.

Tôi nhớ công hớt cái đầu trẻ em như mình hồi đó được chú Bảy Thành lấy chỉ ngang giá ổ bánh mì trét patê hay bơ đậu phộng mà không có thịt. Ký ức thời nghèo khó không thể quên.QUỐC MINH

*******************

Cà rem, cà rem... Tụi nhỏ hẻm nghèo ở Sài Gòn xôn xao, chảy nước miếng khi nghe tiếng chuông lắc leng keng của người bán kem dạo.

>> Kỳ tới: Leng keng cà rem

Ngắm hàng rong và nghe tiếng rao hàng trên phố Hà Nội xưa Ngắm hàng rong và nghe tiếng rao hàng trên phố Hà Nội xưa

TTO -15 sinh viên của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã vẽ lại hình ảnh hàng rong trên phố Hà Nội và cả ký âm các lời rao độc đáo ấy làm thành một album: Hàng rong và tiếng rao hàng Hà Nội.

THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp