Tứ trụ sử học Việt Nam đương đại (hàng sau, từ trái qua: GS Trần Quốc Vượng - GS Đinh Xuân Lâm - GS Hà Văn Tấn - GS Phan Huy Lê) với ông bà GS Trần Văn Giàu (năm 1996) - Ảnh: GS Phan Huy Lê cung cấp |
Giáo sư sử học, nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm - một trong “tứ trụ sử Việt” đương đại qua đời (ngày 25-1) đã để lại niềm thương nhớ và khoảng trống lớn lao cho những người làm sử học Việt Nam.
Tôi với GS Đinh Xuân Lâm có nhiều mối quan hệ thân thiết. Ông quê xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn, miền núi tỉnh Hà Tĩnh, tôi quê xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, miền ven biển cùng tỉnh. Chúng tôi là đồng hương của xứ Núi Hồng - Sông La.
Từ năm 1955 đến 1956, ông cùng tôi và anh Trần Quốc Vượng học Ban Sử - Địa trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong lớp học Sử - Đại đầu tiên này, chỉ có 29 sinh viên và ông được cả lớp cử làm lớp trưởng. Chúng tôi là đồng môn, cùng học với các thầy Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Đặng Thái Mai, Trần Đức Thảo...
Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1956, chúng tôi cùng được giữ lại làm cán bộ giảng dạy Khoa Khoa học xã hội rồi Khoa Lịch sử trường Đại học tổng hợp Hà Nội. Chúng tôi công tác cùng cơ quan cho đến ngày nghỉ hưu.
Riêng tôi với GS Đinh Xuân Lâm còn có mối quan hệ cùng hoạt động trong Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Ông được bầu làm phó chủ tịch hội từ năm 1988 và giữ chức vụ đó trong các nhiệm kỳ II, III, IV, V, VI, cho đến năm 2015.
Quen biết từ lâu, nhưng bốn chúng tôi “Lâm - Lê - Tấn - Vượng” thật sự gắn bó với nhau trong thời gian công tác ở Khoa Lịch sử trường Đại học tổng hợp Hà Nội, nay là Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học quốc gia Hà Nội.
Ông là người cao tuổi nhất trong bốn chúng tôi, hơn tôi và GS Vượng 9 tuổi, hơn GS Tấn 12 tuổi. Chúng tôi lúc vui đùa thường gọi nhau “cậu - tớ” hay “mày - tao”, nhưng đối với GS Lâm thì luôn luôn gọi bằng “anh” và ông coi chúng tôi là “bạn vong niên”.
Bốn chúng tôi, mỗi người một cá tính, chẳng ai giống ai. Nét nổi bật nhất trong phong cách của GS Đinh Xuân Lâm là phúc hậu, trang nhã, lịch thiệp, một thầy giáo rất mô phạm, có phần hóm hỉnh, vui đùa một cách văn hoa, sâu sắc.
GS Đinh Xuân Lâm là chuyên gia đầu ngành về lịch sử cận đại Việt Nam. Từ giáo trình Lịch sử cận đại Việt Nam cho đến các công trình nghiên cứu, ông rất tập trung vào chủ đề kháng chiến chống Pháp, phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX, phong trào Duy Tân, Đông Du đầu thế kỷ XX và phong trào yêu nước chống thực dân.
Ông có nhiều tìm tòi, phát hiện mới có giá trị trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu của mình và theo đuổi phương pháp nghiên cứu rất coi trọng tư liệu, tôn trọng sự thật lịch sử. Ông rèn luyện tư duy phải luôn luôn cập nhật kiến thức khoa học và sẵn sàng thay đổi quan điểm trước những kết quả nghiên cứu mới, trên tinh thần tôn trọng sự thật khách quan của lịch sử.
GS Phan Huy Lê (trái) thăm GS Đinh Xuân Lâm ngày 2-9-2015 - Ảnh: GS Phan Huy Lê cung cấp |
Trong số chúng tôi, GS Đinh Xuân Lâm là người rất say mê văn học. Ông đã từng dạy văn học tại trường phổ thông và sau khi chuyển sang lịch sử vẫn nuôi dưỡng niềm đam mê văn học và dành cho lĩnh vực này một tỷ trọng nghiên cứu đáng kể. Ông có khá nhiều công trình nghiên cứu về văn học Việt Nam, nhất là dòng văn học yêu nước.
GS Đinh Xuân Lâm ra đi, để lại một di sản khoa học khá đồ sộ với trên 400 sách và các luận văn khoa học. Đặc biệt, ông để lại trong tôi và bạn bè đồng nghiệp, trong các thế hệ học trò, hình ảnh một người thày mẫu mực, một nhà khoa học nghiêm túc, tài hoa, một người bạn chân tình, tận tụy.
Sự thiếu vắng quá lớn với những người làm sử Đó là chia sẻ của nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử VN. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dương Trung Quốc cho rằng GS Đinh Xuân Lâm là một nhà sử học với nhiều công trình nghiên cứu đặc biệt về lịch sử cận đại VN. Nhưng có lẽ với số đông giới sử học hiện đại thì luôn luôn nhìn ông là người thầy hàng đầu gây dựng nền giáo dục môn Sử kể từ khi đất nước được giải phóng năm 1954. Ông Quốc nói: "Đối với chúng tôi, thầy Đinh Xuân Lâm là người thầy mẫu mực, sống rất chan hoà với học trò của mình. Ông là một trong những người thầy được nhiều người rất trọng thị. Những năm gần đây thầy tuổi cao, gia cảnh có những chuyện riêng tư, khó khăn trong cuộc sống, nhưng thầy luôn là nguồn động viên với thế hệ học trò chúng tôi bởi tinh thần hết sức lạc quan". Theo ông Quốc, có lẽ dấu ấn sâu sắc nhất của GS Đinh Xuân Lâm là cùng với các tác giả cùng thế hệ của mình viết Giáo trình lịch sử VN mà GS Lâm phụ trách phần lịch sử cận đại. "Tôi cho rằng, đóng góp to lớn của thầy Đinh Xuân Lâm đối với nền sử học VN đương đại chính là tham gia đào tạo, dẫn dắt một thế hệ những người làm sử trong đó có thế hệ của tôi" - ông Dương Trung Quốc nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận