Bạn trẻ tìm mua sách tại Hội sách mùa thu 2017 - Ảnh: Phương Chinh
Sắp đến mùa tuyển sinh, tôi xin có đôi dòng chia sẻ với các bạn trẻ đang chọn ngành học tương lai, và xa hơn là các bạn đang ngồi học trên ghế nhà trường vài kinh nghiệm thực tế trong mối liên hệ giữa học các môn lý thuyết và phát triển nghề nghiệp về sau.
Từ cấp 2 tôi học chuyên văn. Lớp của tôi bây giờ có một bạn nữ làm CEO (tổng giám đốc) của một ngân hàng lớn từ lúc bạn ấy mới ngoài 30 tuổi.
Một bạn nữ khác làm CEO kiêm chủ sở hữu của một công ty sản xuất vật tư công nghiệp đứng đầu Việt Nam từ lúc bạn ấy còn chưa được 30.
Tôi thì lẹt đẹt thôi, giờ chỉ mới là COO (giám đốc điều hành) của một công ty phần mềm nước ngoài nhỏ xíu.
Tôi viết bài này không nhằm mục đích PR, nhưng tôi xuất thân từ nghề báo nên muốn chấp bút ghi nhận lại những lợi thế mà bản thân đã trải nghiệm từ việc nói riêng, và học tốt những môn xã hội nói chung trong việc kinh doanh, quản lý sau này để các bạn bớt coi nhẹ các môn "lý thuyết".
Trước hết, văn chương giúp tôi diễn đạt ý của mình, từ ngôn ngữ nói đến viết khá rõ ràng, khúc chiết. Điều đó giúp việc giao tiếp của tôi với nhân viên cấp dưới, sếp cấp trên, hay khách hàng nước ngoài đạt hiệu quả cao hơn, ngay cả trong lĩnh vực chẳng liên quan gì đến văn chương, đó là lập trình phần mềm máy tính.
Họ khó mà hiểu lầm ý của tôi, bởi vậy công việc diễn ra trôi chảy, tiết kiệm thời gian hơn so với những đồng nghiệp khác.
Kế đến, tôi nhớ hồi cấp 2 môn văn có loại hình viết đơn thư. Không mấy người lưu tâm trau chuốt học thể loại này.
Tôi thì chăm nên dạng gì cũng nuốt. Bởi vậy bây giờ các văn kiện tôi chỉnh sửa cho nhân viên rồi kí tên và chuyển ra ngoài luôn rất chỉn chu, đúng văn phong và mang sức nặng của một người am hiểu.
Tôi sửa cả những chữ ghi trên tiêu đề của văn bản. Chẳng hạn, nếu mẫu thư mà nhân viên tôi gửi là "Đơn giải trình", "Đơn xin", trong khi nội dung văn bản của chúng tôi chẳng phải trình bày gì, hoặc không xin xỏ gì, thì nhất quyết tên văn kiện của tôi sẽ là "Thư kiến nghị" hoặc "Đơn yêu cầu" hay một từ gì đó tương tự, chứ nhất quyết là không dùng "xin" hoặc "trình".
Khi tiếp trực tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra của nhà nước, tôi cũng giữ đúng thái độ như thế. Tôn trọng họ, nhưng biết đâu là vị thế của công ty mình, nói năng mạch lạc, chững chạc chứ không tỏ ra nể trọng quá mức và trình bày "có gì sai sót bỏ qua cho chúng em".
Họ chỉ cần tiếp xúc qua vài câu đã hiểu "cô này không phải hạng vừa", nên có thể nói chúng tôi chưa bao giờ bị bắt bẻ gì dù không hề chi ra một phong bì nào cả (quy định liêm chính của công ty không cho phép).
Rồi kế đến là vào đại học. Các môn pháp luật đại cương, lịch sử văn minh… đa phần nhiều bạn không muốn học vì thấy quá lý thuyết, chả liên quan gì đến sau này. Tôi vẫn học gạo đầy đủ. Ra trường sau này mới thấy cần vô cùng.
Làm việc với các vị công chức, tôi biết ai chức năng gì, phận sự ra sao. Quy trình pháp luật thế nào. Các ông công quyền có vặn vẹo (đa phần sai luật) tôi biết dùng kiến thức luật cơ bản để lập luận khiến họ "tắt đài".
Rồi các kiến thức về lịch sử văn hóa, địa lý... cũng giúp tôi "có vẻ" cái gì cũng biết (chỉ dùng chữ "có vẻ", vì đó là nhận xét của người khác, còn tôi tự thấy mình chỉ khua môi múa mép).
Nhưng một vài kiến thức cơ bản như vậy khi nói chuyện với đối tác nước ngoài, hay với các đồng nghiệp cũng khiến họ nể trọng mình hơn, từ đó tạo một vị thế tốt cho việc quản lý nhóm, rồi tầm lớn hơn là công ty.
Hoặc đôi khi, chúng đơn giản là chỉ giúp câu chuyện thú vị hơn, từ đó cuộc nói chuyện hấp dẫn hơn, tạo mối quan hệ tốt hơn về sau.
Nói vậy không phải để kết luận giỏi văn sử địa là sẽ giỏi quản lý. Nó vẫn cần rất nhiều tố chất khác. Nhưng nếu bạn đã có cơ hội đi học, đã bỏ thời gian mài quần trên ghế nhà trường, thì thiết nghĩ đừng lãng phí chúng.
Kiến thức nào, không bổ bề ngang rồi cũng sẽ bổ bề dọc về sau, trên đường đời cũng như sự nghiệp của bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận