18/12/2016 10:05 GMT+7

Việt Nam chuẩn bị chế tạo vệ tinh rađa

THANH HÀ - PHƯƠNG LINH
THANH HÀ - PHƯƠNG LINH

TTO - Việt Nam sẽ phóng vệ tinh rađa LOTUSat-1 vào năm 2019. Sau đó, năm 2022 sẽ phóng vệ tinh rađa LOTUSat-2.

Nhóm kỹ sư và chuyên gia Việt Nam thử nghiệm vệ tinh Micro Dragon tại Viện Công nghệ vũ trụ, thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam - Ảnh: Viện Công nghệ vũ trụ cung cấp
Nhóm kỹ sư và chuyên gia Việt Nam thử nghiệm vệ tinh Micro Dragon tại Viện Công nghệ vũ trụ, thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam - Ảnh: Viện Công nghệ vũ trụ cung cấp

Không chỉ giúp tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm nhờ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, hai vệ tinh là minh chứng cho việc Việt Nam làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh.

Giúp tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm

Vệ tinh LOTUSat-1 và LOTUSat-2 là hợp phần quan trọng trong dự án Trung tâm Vệ tinh quốc gia. Đây là dự án khoa học và công nghệ lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay, với số tiền đầu tư là 600 triệu USD.

LOTUSat-1 và LOTUSat-2 có khối lượng 600kg, tuổi thọ hoạt động trên quỹ đạo là 5 năm. Hai vệ tinh này sử dụng công nghệ rađa, một công nghệ rất tiên tiến hiện nay.

So với công nghệ quang học được sử dụng trong vệ tinh VNRED Sat-1 (được phóng năm 2013, là vệ tinh quan sát Trái đất), công nghệ rađa cho phép chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết.

LOTUSat-1 và LOTUSat-2 còn có khả năng chụp ảnh các vật thể nhỏ. Nếu VNRED Sat-1 có thể phát hiện và chụp ảnh các vật thể có kích thước nhỏ nhất là 2,5m trên Trái đất, thì LOTUSat-1 và LOTUSat-2 có thể chụp ảnh được các vật thể có kích thước từ 1m trở lên.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm Vệ tinh quốc gia, cho biết ước tính mỗi năm Việt Nam thiệt hại từ 1,5 - 2% GDP do thiên tai gây ra; tính theo GDP hiện nay, mỗi năm Việt Nam thiệt hại khoảng 3 tỉ USD vì thiên tai. Việc đưa vệ tinh LOTUSat-1 và LOTUSat-2 vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng trong việc cảnh báo sớm, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Các chuyên gia của JICA Nhật Bản từng đánh giá hai vệ tinh này sẽ đưa ra các dữ liệu góp phần tăng hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm 150 triệu USD/năm cho Việt Nam nhờ giảm thiệt hại do thiên tai.

Bước phát triển của công nghệ vũ trụ Việt Nam

Theo PGS Phạm Anh Tuấn, LOTUSat-1 đang trong giai đoạn đấu thầu, dự kiến sẽ phóng vào tháng 3-2019. LOTUSat-1 sẽ do Nhật Bản chế tạo, có sự tham gia của các kỹ sư Việt Nam.

Để phục vụ việc chế tạo LOTUSat-1 cũng như từng bước làm chủ công nghệ chế tạo vũ trụ, 36 cán bộ Việt Nam đã được cử sang nghiên cứu, đào tạo tại Nhật Bản về công nghệ vũ trụ.

Hiện nay, để chuẩn bị cho dự án lớn về hai vệ tinh rađa, nhóm kỹ sư Việt Nam đang vừa học vừa làm tại Nhật Bản, tham gia thực hiện chế tạo một vệ tinh nhỏ là Micro Dragon có kích thước 50 x 50 x 50cm, khối lượng khoảng 50kg, tuổi thọ khoảng 2 năm, có nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam.

Dự kiến tháng 9-2017, vệ tinh Micro Dragon sẽ được phóng lên vũ trụ. Ngay sau đó, các nhà khoa học Việt Nam sẽ bắt tay vào thiết kế, chế tạo, lắp ráp và tiến hành thử nghiệm vệ tinh Nano Dragon. Vệ tinh nặng 45kg này sẽ là sản phẩm hoàn toàn do các nhà khoa học Việt Nam thiết kế và chế tạo.

Sau khi thử nghiệm tại Việt Nam, vệ tinh Nano Dragon sẽ được tên lửa của Nhật Bản phóng lên quỹ đạo, làm nhiệm vụ thử nghiệm theo dõi hoạt động tàu cá, tàu biển...

Micro Dragon và Nano Dragon chính là trường đào tạo thực tế cho các nhà khoa học, kỹ sư ngành hàng không vũ trụ của Việt Nam rèn luyện, trước khi bước vào dự án lớn LOTUSat-2.

Từ nay cho đến khi chế tạo vệ tinh LOTUSat-2, sẽ có khoảng 100 cán bộ Việt Nam được cử đi đào tạo ngắn hạn và dài hạn về công nghệ vũ trụ. Khi LOTUSat-2 được chế tạo tại Việt Nam, do đội ngũ kỹ sư Việt Nam thực hiện, với sự giám sát của các chuyên gia nước ngoài, theo PGS Phạm Anh Tuấn, đây sẽ là bước phát triển vượt bậc của ngành công nghệ vũ trụ ở Việt Nam.

Ông Tuấn cho biết thêm chúng ta đang đứng ở tốp giữa của Đông Nam Á về công nghệ vũ trụ, nằm trong nhóm các nước mới chỉ ứng dụng, chưa có chế tạo vệ tinh. Hiện nay trong khu vực, mới chỉ có Malaysia và Indonesia có thể chế tạo được vệ tinh.

Bên cạnh việc chế tạo LOTUSat-1 và LOTUSat-2, dự án Trung tâm Vệ tinh quốc gia còn nhiều hợp phần đồng bộ khác để đưa Việt Nam tiến lên làm chủ công nghệ vệ tinh, như hợp phần đào tạo nhân lực ngành công nghệ vũ trụ, hợp phần xây dựng Trung tâm Vệ tinh quốc gia tại Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc.

Cũng theo ông Tuấn, Việt Nam có bước tiến nhanh về ngành công nghệ vũ trụ. Từ năm 2006, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020”, Việt Nam đã liên tục đạt được một số thành tựu quan trọng. Chúng ta đã phóng vệ tinh địa tĩnh Vinasat-1 và Vinasat-2. Năm 2013, phóng vệ tinh quan sát Trái đất VNRED Sat-1. Các kỹ sư Việt Nam cũng chế tạo được vệ tinh Pico Dragon “made in Viet Nam”.

Truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ

Bên cạnh việc từng bước làm chủ công nghệ vũ trụ, dự án Trung tâm Vệ tinh quốc gia hướng đến truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ bằng dự án Bảo tàng Vũ trụ Việt Nam và hai đài thiên văn ở Hà Nội, Khánh Hòa.

Dự án Bảo tàng Vũ trụ Việt Nam được xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, nằm trong tổ hợp Trung tâm Vệ tinh quốc gia. Dự án đã xây xong, đang trong quá trình thiết kế nội dung cho bảo tàng, dự kiến mở cửa vào giữa năm 2018.

Hai nhà vòm chiếu hình vũ trụ và đài thiên văn cũng đang được xây dựng ở Khánh Hòa, Hà Nội với vốn đầu tư 120 tỉ đồng.

Đài thiên văn ở Hà Nội sẽ được khánh thành cùng với Bảo tàng Vũ trụ Việt Nam; trong khi đài thiên văn đặt tại Hòn Chồng, Nha Trang, Khánh Hòa sẽ được khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 3-2017.

Giới trẻ và du khách tới Khánh Hòa sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động thiên văn thú vị như ngắm các chòm sao, câu chuyện hình thành vũ trụ, câu chuyện về các hành tinh.

“Chúng tôi hi vọng hai đài thiên văn sẽ đem đến những trải nghiệm thú vị, để từ đó truyền lửa đam mê cho giới trẻ Việt Nam” - PGS.TS Phạm Anh Tuấn chia sẻ.

Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, sau khi được phóng lên vũ trụ, vệ tinh LOTUSat-1 và LOTUSat-2 sẽ có nhiệm vụ quản lý tài nguyên, môi trường, phục vụ cảnh báo sớm thiên tai, biến đổi khí hậu, theo dõi sự di chuyển của cá, phục vụ đánh bắt xa bờ, an ninh quốc gia...

THANH HÀ - PHƯƠNG LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp