Bốn trẻ em từ 5 đến 8 tuổi tại một trường công ở Úc trong giờ chơi |
Theo khảo sát tháng 10-2013 của Tổ chức Common Sense Media, có tới 38% trẻ em dưới 2 tuổi ở Mỹ sử dụng máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh để chơi điện tử và xem video hằng ngày.
Năm 2011, con số này chỉ là 10%. Common Sense Media cho biết có tới 72% trẻ em Mỹ dưới 8 tuổi thường xuyên sử dụng các thiết bị di động.
“Đây là dấu hiệu rõ ràng của thế hệ kỹ thuật số” - trang web công nghệ Mashable dẫn lời tổng giám đốc Common Sense Media Jim Steyer. Kết quả khảo sát của Common Sense Media cho thấy số trẻ em nhỏ tuổi sử dụng thiết bị di động ngày càng gia tăng và với thời gian lâu hơn.
Trong năm 2013, trẻ em Mỹ dưới 8 tuổi chơi thiết bị di động trung bình 15 phút/ngày, cao gấp ba lần năm 2011.
Khi bước vào tuổi học mẫu giáo, 70% trẻ em Mỹ đã sử dụng thành thạo các thiết bị di động. Đến năm 9 tuổi, trung bình mỗi đứa trẻ Mỹ gửi 166 tin nhắn và 85 thư điện tử.
Thú vui chủ yếu
Khảo sát của Hãng Michael Cohen Group (MCG) tháng 2-2014 cho thấy ở Anh, 60% bậc phụ huynh cho biết con em họ sử dụng máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh thường xuyên. Thiết bị di động đang thay thế các loại đồ chơi trẻ em truyền thống tại Anh như búp bê hay mô hình.
“Màn hình cảm ứng là hoạt động vui chơi chủ yếu của trẻ em hiện nay” - báo cáo của MCG nhấn mạnh.
Khảo sát tháng 10-2014 của hãng tư vấn Mỹ Smarty Pants cho kết quả máy tính bảng iPad của Apple là nhãn hiệu yêu thích số một đối với trẻ em Mỹ từ 6-12 tuổi, vượt qua các nhãn hiệu truyền thống như hoạt hình và đồ chơi Disney, đồ chơi Nickelodeon, đồ chơi Toys R Us, thức ăn nhanh McDonald’s và hàng loạt loại bánh kẹo nổi tiếng.
Một số hãng công nghệ như Samsung đã phát triển loại máy tính bảng dành riêng cho trẻ em. Máy tính bảng và điện thoại thông minh mới chỉ trở nên phổ biến từ vài năm qua, do đó các nghiên cứu về tác động của chúng đối với trẻ em còn khá ít ỏi.
Tuy nhiên, Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP) khuyến cáo trẻ em dưới 2 tuổi tuyệt đối không nên sử dụng thiết bị di động.
Và trẻ em trên 2 tuổi chỉ nên dùng thiết bị di động tối đa từ 1-2 giờ mỗi ngày. Một số bác sĩ khoa nhi nổi tiếng ở Mỹ cho rằng một giờ là quá đủ. Các nghiên cứu cho thấy việc lạm dụng thiết bị di động ảnh hưởng đến khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ em và làm gián đoạn giấc ngủ của chúng.
“Não bộ trẻ em phát triển rất nhanh trong những năm đầu đời, và trẻ em học hỏi mọi thứ hiệu quả nhất bằng cách tương tác với người lớn chứ không phải với màn hình cảm ứng” - AAP nhấn mạnh.
Ảnh hưởng tiêu cực
Một số chuyên gia cho rằng việc trẻ em chơi thiết bị di động quá nhiều thay vì chạy, nhảy, chơi xếp hình, vẽ... sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển cơ thể.
“Nếu bọn trẻ cứ suốt ngày cắm mặt vào chiếc iPad mà không thực hiện các hoạt động thể chất, cơ bắp của chúng sẽ bị yếu mãi” - kênh CBS dẫn lời bác sĩ trị liệu Lindsay Marzoli của Hãng Learning & Therary Corner (Mỹ).
Lạm dụng máy tính bảng và điện thoại thông minh còn có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển tâm lý của trẻ em.
“Đối thoại với nhau và với người lớn là cách trẻ em học để tự đối thoại với chính mình, để học cách tự chơi một mình - báo New York Times dẫn lời giáo sư khoa học và công nghệ Sherry Turkle thuộc Học viện Công nghệ Massachussetts (MIT) - Học cách chơi một mình là nền tảng cơ bản của sự phát triển. Bạn sẽ không muốn con bạn bỏ lỡ điều đó”.
Vấn đề là trẻ em cần học các tư duy độc lập với máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh.
“Trẻ em cần học cách khám phá óc tưởng tượng của chính mình, để tự tìm hiểu bản thân. Chỉ khi đó khi trưởng thành chúng mới biết cách tạo mối quan hệ với người khác mà không sợ bị cô đơn. Nếu bạn không dạy con em cách sinh hoạt một mình, chúng sẽ trở nên cô đơn” - giáo sư Turkle cảnh báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận