Người dân mua đầu thu truyền hình tại Đà Nẵng. - Ảnh tư liệu |
Với những người dân ở trong khu vực bị ảnh hưởng, họ có thể tự trang bị cho mình phương tiện để xem sóng truyền hình DVB-T2 theo hai cách: mua tivi mới (được sản xuất sau tháng 4-2014) được tích hợp sẵn khả năng thu sóng DVB-T2 hoặc mua đầu thu DVB-T2 rời để gắn vào các tivi cũ trong gia đình.
Mua đầu thu hợp chuẩn, hợp quy
Hiện nay, giá một đầu thu DVB-T2 trên thị trường trung bình khoảng 500.000 - 700.000 đồng. Một số đầu thu cao cấp hơn với nhiều tính năng có giá trung bình từ 1-3 triệu đồng. Các đầu thu này có thể thu được 30-40 kênh truyền hình kỹ thuật số mặt đất miễn phí.
Tuy nhiên, nguồn thiết bị DVB-T2 hiện có đủ nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu, giá cả và chất lượng khác nhau. Người dùng không tìm hiểu kỹ có thể mua phải các loại đầu thu dỏm, ảnh hưởng đến chất lượng thu sóng truyền hình DVB-T2.
Đại diện Công ty TNHH Truyền hình Kỹ thuật số Miền Nam (SDTV) khuyến cáo: “thị trường hiện có rất nhiều đầu thu lậu, hàng trôi nổi trên thị trường làm ảnh hưởng đến chất lượng truyền hình. Để đảm bảo chất lượng đầu thu tốt và an toàn trong việc thu tín hiệu, khán giả nên mua đầu thu kỹ thuật số mặt đất DVB-T2 có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm định kỹ thuật và thực hiện công bố hợp quy theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và đủ điều kiện lưu thông tại thị trường Việt Nam”.
Theo danh sách đầu thu DVB-T2 đã chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 5-5-2016 đã có 67 sản phẩm của nhiều công ty khác nhau như: Công ty giải trí đa phương tiện VTC, Công ty TNHH dịch vụ truyền hình - viễn thông Việt Nam, Công ty TNHH Hùng Việt, Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu, Công ty TNHH Truyền hình kỹ thuật số Miền Nam…
Người dân nên mua các đầu thu đã được chứng nhận của Bộ Thông tin và Truyền thông, hoặc có thể gọi đến tổng đài (0511) 1022 để được tư vấn trước khi mua đầu thu. Đây là tổng đài hỗ trợ, tư vấn và giải đáp thông tin tại 4 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Cần Thơ và các tỉnh lân cận bị ảnh hưởng bởi lộ trình cắt sóng truyền hình tương tự theo đề án số hóa truyền hình.
Theo dự báo của một số doanh nghiệp đầu thu, nhu cầu mua đầu thu số DVB-T2 cho đợt tắt sóng ngày 15-6-2016 có thể sẽ tăng đột biến. Dự kiến nhu cầu thị trường tháng đầu tiên sau khi cắt sóng có thể lên đến 1 triệu bộ đầu thu.
Sẽ hỗ trợ đủ cho người nghèo
Theo quyết định phê duyệt đề án số hóa truyền hình của thủ tướng chính phủ, những đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn trung ương nhưng đã có tivi, sẽ được nhà nước hỗ trợ đầu thu.
Trước đó, các đơn vị chức năng đã xác định khoảng 454.673 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ đầu thu DVB-T2 tại các địa phương bị ảnh hưởng khi tắt sóng truyền hình tương tự tại 4 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, TP.HCM.
Quỹ dịch vụ viễn thông công ích cũng đã chủ trì tổ chức đấu thầu dự án mua sắm và lắp đặt mua sắm và lắp đặt đầu thu số DVB-T2 cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo. Kết quả có ba nhà thầu (VNPT Technology, Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC và TECAPRO) đã trúng các gói thầu với giá trên 270 tỷ đồng, sản xuất ra 461.893 đầu thu.
Mới đây, Cục tần số vô tuyến điện cho biết công tác hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 cho các hộ nghèo, cận nghèo chuẩn trung ương đã cơ bản hoàn thành tại 17 địa phương. Hiện chỉ còn vướng ở hai nơi là Hà Nội và Vĩnh Phúc.
Tuy nhiên theo quy định mới về chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo thì số lượng hộ nghèo, cận nghèo được nhà nước hỗ trợ đầu thu khi số hóa truyền hình tăng cao hơn so với thống kê năm 2014 khoảng 30%. Như vậy sẽ phát sinh tăng thêm khoảng 30% đầu thu truyền hình số so với dự toán ban đầu để hỗ trợ cho các đối tượng này.
Để giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đã cho biết, những hộ nghèo, cận nghèo mới được bổ sung theo tiêu chuẩn mới áp dụng từ năm 2016 cũng sẽ được nhà nước hỗ trợ đầu thu truyền hình, nhưng có thể sẽ được nhận hỗ trợ sau do nhà nước phải triển khai dự án mua sắm bổ sung.
Theo kế hoạch tắt sóng các kênh truyền hình tương tự, các kênh như sau bắt đầu ngưng phát sóng từ ngày 15-6: VTV6, H2, VTC9 tại Hà Nội; VTV6, VTV9, VTC9, HTV7 tại TPHCM; VTV6, VTV Cần Thơ 1, VTV Cần Thơ 2, VTC9 tại Cần Thơ. Tất cả các máy phát sóng truyền hình tương tự mặt đất của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC đặt tại tỉnh Bình Dương và phát các kênh chương trình VTV6, VTV9, VTC9 phủ sóng địa bàn TPHCM cũng phải ngừng hoạt động kể từ ngày 15-6-2016. Sau đó từ ngày 15-8 sẽ chính thức ngừng phủ sóng toàn bộ các kênh truyền hình tương tự mặt đất tại Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, TPHCM. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận