Ảnh minh họa: siamakkalhor.com |
Không dừng lại ở các thiết bị thực tế ảo (VR) hay kính thông minh và thậm chí là kính sát tròng thông minh, Samsung, Google và Sony đang tích cực phát triển các công nghệ đi xa và sâu hơn vào trong mắt người.
Bên cạnh việc khắc phục loạn thị, viễn thị hay cận thị và những chứng bệnh liên quan đến tầm nhìn của mắt, bạn sẽ sớm có thể ghi lại bằng hình ảnh hay video clip những khoảnh khắc do chính mắt mình nhìn thấy, hay kết nối mắt của mình với thiết bị không dây trong phạm vi gần, nhìn những hình ảnh phát lại ngay trong không gian thực mắt đang nhìn thấy.
Google vừa đăng ký bản quyền tại Hoa Kỳ một công nghệ mới cho phép cấy trực tiếp một kính điện tử vào nhãn cầu mắt. Người dùng sẽ không còn cần dùng đến mắt kính hay kính sát tròng. Thậm chí hơn thế, mắt người trở nên "siêu đẳng" hơn như những bộ phim khoa học viễn tưởng, vận dụng như kính thiên văn hay kính hiển vi, cho phép thấy được những vật thể từ khoảng cách xa hay rất gần.
Chưa hết ngạc nhiên, kính điện tử cấy trong nhãn cầu cũng hoạt động dựa trên chuyển động của nhãn cầu. Nó thậm chí có thể kết nối không dây đến một thiết bị không dây ở gần, đồng thời ghi lại những hình ảnh hay video clip mắt nhìn thấy được vào một bộ nhớ siêu nhỏ.
Theo CNNMoney, Google cho rằng phát minh kính điện tử sẽ dùng để chữa trị chứng viễn thị con người hay mắc phải khi đến một độ tuổi nhất định, khiến mắt giảm hay mất khả năng tập trung. Ngoài ra, còn các chứng cận thị, loạn thị... cũng sẽ được giải quyết.
Về phía mình, Sony đăng ký một phát minh công nghệ liên quan đến kính sát tròng, cho phép ghi nhận lại hình ảnh mắt nhìn thấy bằng chớp mắt, lưu trữ vào bộ nhớ siêu nhỏ, tự xem lại và cũng có kết nối không dây để truyền tải dữ liệu.
Theo Tech Story, kính sát tròng điện tử sẽ trang bị các cảm biến áp điện siêu nhỏ để đo những thay đổi về áp suất, gia tốc, nhiệt độ hoặc lực ép bằng cách chuyển đổi chúng vào một điện tích. Những cảm biến chịu trách nhiệm đọc các chuyển động mắt của người, và bật chế độ ghi. Và để có đủ năng lượng duy trì ghi hình, kính sử dụng một quá trình được gọi cảm ứng điện từ.
Kính sát tròng thông minh của Sony có thể trang bị cả những tính năng điều khiển khẩu độ, tự động lấy nét và thậm chí là ổn định hóa hình ảnh làm hình ảnh rõ lại khi mắt nhìn mọi vật mờ đi do chuyển động nhãn cầu.
Phần đăng ký phát minh công nghệ của Sony - Nguồn: ScienceAlert |
Trong tháng 4-2016, Samsung cũng đăng ký bản quyền phát minh công nghệ về kính sát tròng thông minh, tích hợp camera và cảm biến có thể điều khiển bằng việc chớp mắt. Hình ảnh dữ liệu ghi nhận được truyền sang điện thoại thông minh (smartphone) qua ăng-ten tích hợp. Dữ liệu sẽ được smartphone xử lý.
Phần đăng ký phát minh công nghệ của Samsung tại Hàn Quốc - Nguồn: ScienceAlert |
Khoảng thời gian chớp mắt thông thường vào khoảng 0,2 đến 0,4 giây, và khi thời gian vượt hơn 0,5 giây thì đó là chớp mắt có ý thức. Theo đó, cả Sony và Samsung đều dùng cái chớp mắt có ý thức như công tắc cho những chức năng điều khiển "con mắt thông minh".
Mối lo từ "con mắt thông minh"
Giúp mắt người thoát khỏi những phiền hà của mắt kính, kính sát tròng và những chứng bệnh về tầm nhìn của mắt là những phát minh vĩ đại. Tuy nhiên, những tính năng phụ trội đi kèm tạo ra những mối lo ngại về tính riêng tư và an ninh.
Mang lại lợi ích to lớn cho con người nhưng một số chức năng của con mắt thông minh cũng dấy lên những lo ngại về tính riêng tư - Ảnh minh họa: YouTube |
Khả năng chụp ảnh và quay phim bằng những camera siêu nhỏ cấy trong mắt, tắt bật bằng những cái chớp mắt sẽ dấy lên mối lo ngại về tính riêng tư. Các vụ người đeo kính thông minh Google Glass tại những nơi công cộng gặp phải phản ứng mạnh mẽ của người xung quanh là những minh chứng về mối lo ngại này.
Những robot sinh học nửa người nửa máy trên phim khoa học viễn tưởng với ánh nhìn có thể nhận diện được người hay vật thể đối diện, phân loại, ghi nhận rồi phân tích... có thể sớm trở thành hiện thực từ cuộc đua công nghệ "con mắt thông minh" giữa các "ông lớn".
Bạn đã sẵn sàng cấy máy tính điện tử vào mắt mình chưa?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận