02/12/2015 20:38 GMT+7

Sếp Apple nói về xu hướng công nghệ tại VN

THANH TRỰC
THANH TRỰC

TTO - Hội thảo xu hướng công nghệ S.M.A.C 2015 dành cho cộng đồng doanh nghiệp do MobiFone tổ chức thêm phần sôi nổi với những chia sẻ từ đồng sáng lập Apple ông Steve Wozniak.

Phần trao đổi và chia sẻ của cựu lãnh đạo, đồng sáng lập Apple ông Steve Wozniak tại Hội thảo S.M.A.C 2015 do MobiFone tổ chức ngày 2-12 (TP.HCM) - Ảnh: Thanh Trực
Phần trao đổi và chia sẻ của cựu lãnh đạo, đồng sáng lập Apple ông Steve Wozniak tại Hội thảo S.M.A.C 2015 do MobiFone tổ chức ngày 2-12 (TP.HCM) - Ảnh: Thanh Trực

Hội thảo SMAC 2015 có chủ đề "Kết nối giá trị - Khơi dậy tiềm năng” do Tổng công ty Viễn thông MobiFone tổ chức vào ngày 2-12 tại TP.HCM, dành cho 400 lãnh đạo doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và cập nhật xu hướng công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm áp dụng công nghệ S.M.A.C (viết tắt của Social - Mobile - Analytics - Cloud) trong quản trị và kinh doanh.

Các diễn giả từ IBM và KPMG cùng cựu lãnh đạo Apple đã chia sẻ những thông tin về Điện toán đám mây (Cloud Computing), Dữ liệu Lớn (Big Data), Tự động hóa và Trí thông minh nhân tạo (AI)... 

Nói về xu hướng công nghệ hiện nay, theo ông Steve Wozniak, nền công nghệ toàn cầu khởi đầu với việc phát minh ra máy tính cá nhân (laptop), và sau đó là sự ra đời của Internet. Giờ đây, mọi thứ trong cuộc sống đều đã khác đi. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng yếu tố quan trọng nhất lại nằm ở các kho ứng dụng thứ ba.

"Mọi người có thể ngồi trước một giao diện điện tử như màn hình máy tính và viết lên những ứng dụng hỗ trợ cho cuộc sống hằng ngày của họ. Các ứng dụng đa dạng hỗ trợ từ bất động sản, nhà hàng khách sạn, hàng không đến cuộc sống hàng ngày. Bước phát triển kế tiếp chính là sự ra đời của mạng internet di động với các thiết bị công nghệ ngày càng được nhân cách hóa. Điển hình như chiếc điện thoại di động, bạn có thể đi đến bất kì đâu và tìm kiếm câu trả lời cho mọi vấn đề, bạn có thể giao tiếp với mọi người và thay đổi cách sống".

"Công nghệ bắt đầu trở nên đơn giản hơn, bạn có thể viết bằng tay lên màn hình một thiết bị điện tử và nó sẽ hiểu được ý của bạn. Đây là một trong những lợi thế to lớn, giúp cho cuộc sống trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, ta còn có thể nói chuyện với thiết bị điện tử của mình và chúng vẫn hiểu được, cụ thể như ta có Siri trên Apple, Cortana của Windows Phone,…Bạn chỉ cần nói ra và sẽ có được mọi thông tin mình cần".

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi thứ đều trở nên thông minh hơn, đơn giản hơn, và bạn không cần phải nhớ các tiến trình phức tạp để thực hiện một việc gì đó

Ông Steve Wozniak, đồng sáng lập Apple

"Khi ứng dụng điện thoại ảnh hưởng đến cách mà chúng ta xử lý công việc trong cuộc sống, từ bất động sản đến ứng dụng gọi taxi Uber. Điều đó đã chứng minh rằng tài chính là thứ yếu, chỉ cần chúng ta có những ý tưởng độc đáo thì bạn vẫn có thể tạo ra sự khác biệt".

"Thế giới hiện nay thay đổi nhờ vào các phần mềm kĩ thuật và thiết bị công nghệ, dù là từ thuật toán "đám mây" to lớn đến những chi tiết phân giải nhỏ trong chiếc điện thoại bạn cầm, tất cả những yếu tố đó tác động mạnh mẽ đến cuộc sống hàng ngày của mỗi người".

Công nghệ là nền tảng cốt lõi

Thật sự rất dễ dàng bắt gặp hiện tượng các quốc gia như Việt Nam băn khoăn không biết định hướng phát triển của mình. Có thể quốc gia của bạn dồi dào tài nguyên (dầu mỏ, nguyên liệu thô …) tuy nhiên tương lai phát triển lại phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ thông tin hơn là các yếu tố tài nguyên đó. Sự lớn mạnh và phát triển của các công ty start-up có vẻ liên quan nhiều đến công nghệ thông tin, và công nghệ thông tin thì đang phát triển trên khắp thế giới và Việt Nam dĩ nhiên là một phần trong vòng xoay phát triển đó.

Cựu lãnh đạo, đồng sáng lập Apple ông Steve Wozniak trả lời báo chí tại Hội thảo S.M.A.C 2015 do MobiFone tổ chức ngày 2-12 (TP.HCM) - Ảnh: Thanh Trực
Cựu lãnh đạo, đồng sáng lập Apple ông Steve Wozniak trả lời báo chí tại Hội thảo S.M.A.C 2015 do MobiFone tổ chức ngày 2-12 (TP.HCM) - Ảnh: Thanh Trực

Tôi có thể không hiểu rõ về tình hình hiện tại của Việt Nam. Nhưng theo sự quan sát của tôi, thì trước đây vào thời đại của đầu đọc băng VCR, quốc gia đi đầu về công nghệ lúc bấy giờ là Nhật Bản, sau đó là Hàn Quốc. Họ đã có những lộ trình phát triển khá tương đồng với con đường mà Việt Nam đang đi hiện nay. Việt Nam đang tập trung phát triển từ các sản phẩm đơn giản, giá rẻ và dần dần đi đến các sản phẩm cao cấp và ưu việt hơn. Trong tương lai Việt Nam hoàn toàn có thể tự sản xuất được ôtô hay máy bay nhưng hiện nay cần phải bắt đầu từ những việc nhỏ trước.

"Tôi tin rằng Việt Nam đang đi đúng hướng và đang dần tiến ra khỏi khu vực các nước đang phát triển", ông Wozniak nhận định.

"Tất nhiên, khó khăn sẽ luôn tồn tại. Quá trình phát triển không thể diễn ra ngay lập tức. Cũng như việc chúng ta đẩy một chiếc xe ô tô lớn, chiếc xe càng nặng thì càng đẩy lâu. Việc thúc đẩy nền kinh tế của cả một quốc gia càng nặng nề và mất thời gian hơn thế, với những khó khăn không thể tránh khỏi".

Chúng ta cần phải kiên nhẫn và đảm bảo định hướng đúng đắn, đi từng bước nhỏ và giữ vững niềm tin

Ông Steve Wozniak, đồng sáng lập Apple

Ngoài phần trao đổi của ông Steve Wozniak, phần chia sẻ của ông Parthasarathy A. V. Giám đốc tư vấn quản trị doanh nghiệp và hệ thống quản trị thông tin, khu vực Đông Nam Á của công ty tư vấn KPMG công bố những số liệu nghiên cứu về tình trạng chưa biết, chưa hiểu đúng về Dữ liệu Lớn (Big Data) nên khai thác không hiệu quả. Hầu hết doanh nghiệp còn chưa biết đến, thiếu thông tin hoặc loay hoay với hướng khai thác Big Data phù hợp cho mình.

Ông Parthasarathy A. V. Giám đốc tư vấn quản trị doanh nghiệp và hệ thống quản trị thông tin, khu vực Đông Nam Á Công ty tư vấn KPMG - Ảnh: Thanh Trực
Ông Parthasarathy A. V. Giám đốc tư vấn quản trị doanh nghiệp và hệ thống quản trị thông tin, khu vực Đông Nam Á Công ty tư vấn KPMG chia sẻ những số liệu thị trường Internet tại Việt Nam và các nước trong khu vực ở Hội thảo SMAC 2015 - Ảnh: Thanh Trực

Một số con số đáng chú ý như lượng người dùng Internet trên di động tại VN lên đến 32,4 triệu trên tổng số 39,8 triệu người dùng Internet. Trung bình mỗi ngày người Việt dùng Internet 6,17 lần bằng máy tính (PC) hay máy tính bảng (tablet), và trên smartphone là 2,68 lần. 31% dân số VN có tài khoản mạng xã hội (28 triệu), trung bình dùng mạng xã hội ba lần mỗi ngày.

Những số liệu trên mở ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong việc phân tích, khai thác và kết nối với khách hàng.

THANH TRỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp