Cách đây không lâu, Sở TT&TT TP Đà Nẵng xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 chủ fanpage trên Facebook vì thường xuyên đăng tải, chia sẻ nhiều bài báo có nội dung viết về các chủ trương của Đà Nẵng, đồng thời cho đăng tải nhiều nhận xét, bình luận của người xem mang tính xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo TP.
Sự kiện này đã nhanh chóng được đông đảo người dùng mạng xã hội quan tâm và đặt ra nhiều giả thuyết về đối tượng xử phạt.
Chia sẻ, bình luận nói xấu có thể bị phạt
Theo các chuyên gia pháp lý, hành vi bịa đặt, nói xấu người khác trên Facebook, diễn đàn mạng xã hội là vi phạm pháp luật.
Theo đó, hành vi cung cấp, trao đổi, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, uy tín của người khác sẽ bị phạt tiền 10 - 20 triệu đồng (nghị định 174/2013).
Như vậy, người bình luận hay chủ fanpage có hành vi chia sẻ các bài viết kèm theo các dòng trạng thái có nội dung hướng người khác bình luận tiêu cực, sai lệch hoặc nói xấu, bôi nhọ người khác có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, việc xử lý chuyện nói xấu trên mạng xã hội rất khó khăn bởi thế nào là nói xấu, bôi nhọ danh dự, uy tín thì luật chưa quy định rõ, còn phụ thuộc vào cảm tính, cách hiểu của người áp dụng pháp luật.
Nhiều ý kiến cho rằng chủ fanpage, chủ diễn đàn chỉ chia sẻ bài viết, bài báo mà không bình luận gì, việc bình luận nói xấu, xuyên tạc bên dưới là do những người khác đăng tải nên người bình luận phải tự chịu trách nhiệm về nội dung bình luận của mình.
Theo luật sư Vũ Quang Đức, hiện nay luật chưa có quy định cụ thể về việc này. Tuy nhiên chủ fanpage, chủ các diễn đàn trên mạng xã hội vẫn có trách nhiệm phải kiểm soát các bình luận trên trang, diễn đàn của mình.
Tùy theo các tình tiết cụ thể, nếu người bình luận có những lời lẽ thô tục thì chủ fanpage, diễn đàn có quyền chặn, xóa bình luận.
Có thể kiện
Theo luật sư Phạm Hoài Nam, hành vi “nói xấu” có thể bị phạt hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác tùy theo mức độ hành vi.
Để ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi trái pháp luật, người bị “nói xấu” cần lưu lại các tin nhắn, bình luận có nội dung xấu, đồng thời liên hệ với các văn phòng thừa phát lại để lập vi bằng làm chứng cứ.
Sau đó báo cáo sự việc lên chủ tịch UBND cấp huyện để xử lý vi phạm hành chính hoặc báo cho cơ quan công an cấp quận/huyện để cơ quan này xem xét, tiến hành điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, theo điều 25 Bộ luật dân sự 2005 thì người bị xâm phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm bởi hành vi bêu riếu, nói xấu trên Facebook có thể khởi kiện dân sự, yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Các chuyên gia an ninh mạng lưu ý các chủ fanpage, diễn đàn cần trang bị phần mềm phát hiện những từ ngữ thô tục, mang tính nhục mạ, hình ảnh mang tính chất nhạy cảm, khiêu dâm... để kiểm soát bình luận trên diễn đàn của mình. Khi phần mềm này quét và phát hiện bình luận có những từ ngữ, hình ảnh nhạy cảm sẽ báo cho chủ fanpage biết để xử lý đăng hay không đăng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận