23/12/2014 16:31 GMT+7

Vô số chuyện "bi hài" từ vụ hack Sony Pictures

THÚY QUỲNH
THÚY QUỲNH

TTO - Những chuyện "dở khóc dở cười" hacker gây ra cho Sony Pictures khi nắm trong tay những email trao đổi nội bộ của hãng phim này.

Áp phích phim The Interview bị gỡ bỏ tại một biển quảng cáo ở Hollywood. Lãnh đạo Sony Pictures có lẽ không ngờ bộ phim lại gây ra nhiều rắc rối cho họ đến thế - Ảnh: AFP
Áp phích phim The Interview bị gỡ bỏ tại một biển quảng cáo ở Hollywood. Lãnh đạo Sony Pictures có lẽ không ngờ bộ phim lại gây ra nhiều rắc rối cho họ đến thế - Ảnh: AFP

Bảo mật điện toán luôn là thử thách với bất cứ công ty nào, đặc biệt là một doanh nghiệp giải trí quy mô toàn cầu như hãng phim Sony Pictures Entertainment (công ty con thuộc Tập đoàn Sony, Nhật Bản). Cuối năm ngoái, mạng giải trí PlayStation Network của Sony bị hack, đến cuối năm nay lại đến lượt Sony Pictures.

Trụ sở hãng Sony Pictures Entertainment tại California – Ảnh: Internet
Trụ sở hãng Sony Pictures Entertainment tại California – Ảnh: Internet

Vụ tin tặc tấn công vào máy chủ của công ty này cách đây vài tuần gây xôn xao không chỉ bởi tính chất nghiêm trọng của vụ việc, mà còn bởi những hậu quả “cười ra nước mắt” đối với khổ chủ. Từ vị trí nạn nhân, Sony Pictures – hay đúng hơn là ban lãnh đạo công ty – phải hứng chịu búa rìu dư luận một cách được cho là tương đối bất công, khi những lá thư nội bộ của họ cùng nội dung bên trong bị kẻ xấu tung lên mạng.

Cụ thể, vào ngày 24.11, loạt máy chủ tại Sony Pictures ngừng hoạt động, thay vào đó trên các màn hình hiện lên một thông báo mang thông điệp xương sọ đỏ, cho biết họ đã bị tấn công bởi nhóm tin tặc tự nhận là Guardians of Peace (Người bảo vệ hòa bình).

Ảnh chụp màn hình thông điệp đe dọa sau khi máy chủ của Sony Pictures bị hack – Ảnh: Internet
Ảnh chụp màn hình thông điệp đe dọa sau khi máy chủ của Sony Pictures bị hack – Ảnh: Internet

Toàn bộ dữ liệu đã bị tin tặc lấy hết và... xóa sạch trên các ổ cứng. Trong những tuần sau đó, Sony đã phải “sống trong sợ hãi” khi lần lượt từng nội dung dữ liệu được công khai dần trên Internet qua mạng chia sẻ Torrent.

Những lá thư nhạy cảm

Không phải tự nhiên mà mọi doanh nghiệp đều đặc biệt cảnh giác với nguy cơ rò rỉ email nội bộ ra bên ngoài, và họ có lý do chính đáng cho mong muốn này, bởi chẳng ai muốn “vạch áo” cho thiên hạ dòm ngó “chuyện trong nhà”. Song điều rất không may này vẫn xảy đến cho Sony.

Chẳng hạn, trong nội dung trao đổi giữa chủ tịch Amy Pascal của Sony Pictures và nhà sản xuất Scott Rudin, nữ minh tinh Angelina Jolie bị gọi là “một diễn viên bất tài hư đốn”, vì phản đối việc để cho đạo diễn David Fincher đạo diễn phim Jobs (2013).

Một siêu sao khác, Leonardo DiCaprio thì bị nhà sản xuất Mark Gordon nhận xét là “đáng khinh bỉ” sau khi từ chối nhận vai chính trong phim về cố lãnh đạo Apple Steve Jobs.

Angelina Jolie và Leonardo Di Caprio bị nói xấu trong các lá thư trao đổi của lãnh đạo Sony Pictures – Ảnh: Internet
Angelina Jolie và Leonardo Di Caprio bị nói xấu trong các lá thư trao đổi của lãnh đạo Sony Pictures – Ảnh: Internet
Chủ tịch Amy Pascal của Sony Pictures – Ảnh: Internet
Chủ tịch Amy Pascal của Sony Pictures – Ảnh: Internet

Trong vài thư khác, người ta phát hiện Sony Pictures áp dụng chính sách trả lương "phân biệt giới tính", khi những nữ diễn viên như Jennifer Lawrence và Amy Adams được trả cát xê thấp hơn các bạn diễn nam trong phim American Hustle, hay tổng thống Obama bị ngầm phân biệt giới tính trong một số bình luận có nội dung đùa cợt giữa Amy Pascal và Scott Rudin...

Ngoài ra, kịch bản của hàng loạt bộ phim chưa ra mắt, kế hoạch cho nam diễn viên da đen người Anh Idris Elba đảm nhiệm vai điệp viên James Bond (kịch bản của một tập phim James Bond cũng bị lộ trong đợt này) cùng hình ảnh của chiếc smartphone Xperia Z4 chưa ra mắt cũng đều bị tung lên mạng.

Tài tử da đen Idris Elba sẽ là James Bond mới? – Ảnh: Internet
Tài tử da đen Idris Elba sẽ là James Bond mới? – Ảnh: Internet
Hình ảnh thiết kế bị rò rỉ của Xperia Z4 – Ảnh: Technobuffalo

Hiện vẫn chưa rõ sẽ còn những nội dung nhạy cảm nào được công khai, song trước mắt, hai cựu nhân viên (giấu tên) của Sony Pictures đã đâm đơn kiện Sony Pictures với cáo buộc công ty đã không bảo vệ thông tin về số an sinh xã hội, hồ sơ sức khỏe, lương bổng và những dữ liệu cá nhân khác của đội ngũ nhân viên.

Trước đó, một lá thư gửi ngày 21-11 có tiêu đề “Lưu ý dành cho Sony Pictures Entertainment Inc” đến CEO Michael Lynton và chủ tịch Amy Pascal của Sony Pictures đã viết: “Chúng tôi bị thiệt hại nặng bởi Sony. Chúng tôi muốn được bồi thường, bằng tiền. Hãy trả tiền đi, hoặc Sony Pictures sẽ bị bắn phá toàn diện. Chúng tao không chờ lâu đâu. Hãy liệu đường cư xử khôn ngoan.”

Lá thư được ký tên “God’sApstls”.

Ảnh chụp màn hình lá thư đe dọa của tin tặc – Ảnh: Internet
Ảnh chụp màn hình lá thư đe dọa của tin tặc – Ảnh: Internet

Dĩ nhiên ban lãnh đạo Sony Pictures không đáp ứng đòi hỏi này. Và mọi chuyện diễn ra như chúng ta đã biết.

Phim “The Interview” chưa chiếu đã hoãn

Song, những lá thư bị lộ chỉ là chuyện nhỏ nếu đem so với “chuyện lớn” là việc bộ phim “The Interview” (Buổi phỏng vấn) chưa chiếu đã bị Sony Pictures. Lý do? Không chỉ thỏa mãn với cuộc tấn công điện toán và đánh cắp dữ liệu, những tin tặc còn đưa ra tối hậu thư buộc công ty này phải ngưng chiếu phim “The Interview”, nếu không muốn “đối mặt với những cuộc tấn công khủng bố theo cách thức vụ ngày 11-9”.

Trước tổn thất về phương diện thương hiệu lẫn kinh tế, và rủi ro người xem phim này có thể bị đe dọa đến tính mạng, Sony Pictures đã chọn giải pháp thứ nhất, tức hoãn chiếu vô thời hạn bộ phim, một việc làm chưa từng có tiền lệ trong Hollywood nói riêng, và toàn nước Mỹ nói chung.

Tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ việc đã khiến chính phủ Mỹ phải vào cuộc. Tổng thống Barack Obama tuyên bố chính thức rằng Hoa Kỳ sẽ “đáp trả” Bắc Triều Tiên vì vụ tấn công điện toán vào Sony Pictures. Song gần như ngay sau đó, Bắc Triều Tiên đã phủ nhận mọi cáo buộc và ngỏ lời hợp tác điều tra với phía Mỹ để tìm kiếm thủ phạm vụ tấn công.

Về phần mình, Sony cho biết sẽ cân nhắc việc phát hành bộ phim The Interview qua những ngả khác bên cạnh hệ thống rạp chiếu, chẳng hạn trang giải trí Crackle hay thậm chí dịch vụ chia sẻ video YouTube. Tuy nhiên, lệnh hoãn chiếu phim chỉ có tác dụng trong phạm vi lãnh thổ Mỹ, khi nước láng giềng Canada tuyên bố sẽ vẫn công chiếu The Interview tại các rạp ở nước này.

Có lẽ chưa bao giờ Sony mong những “năm xui tháng hạn” này qua nhanh đến thế!

THÚY QUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp